Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch sinh thái (DLST) tại các vườn quốc gia (VQG) và khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Việt Nam để giúp loại hình này ngày càng phát triển xứng đáng với tiềm năng sẵn có. Đó là nội dung của hội thảo diễn ra trong ba ngày từ 25 đến 27 -11 tại Hà Nội và Ninh Bình do Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam tổ chức dưới sự tài trợ của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO).
Chưa có mô hình du lịch sinh thái đích thực
Việt Nam là một quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và tính đa dạng sinh học cao được xếp vào một trong 16 quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Hiện nay, Việt Nam có 164 rừng đặc dụng, trong đó có 30 VQG, 69 khu BTTN, 45 khu bảo vệ cảnh quan, 20 khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học
Cùng với sự phát triển của ngành du lịch nói chung, những năm gần đây loại hình DLST phát triển mạnh nhất là tại các VQG và KBTTN. Các VQG của Việt Nam sở hữu một hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan đẹp tiềm năng lớn phát triển du lịch, song lượng khách đến đây còn rất thấp. Theo số liệu điều tra của đề tài nghiên cứu đề xuất tiêu chí khu DLST ở Việt Nam năm 2009, phần lớn khách du lịch đến các VQG và KBTTN là khách nội địa, chiếm 80%. Chỉ có rất ít KBTTN thu hút được du khách quốc tế như KBTTN đất ngập mặn Vân Long đã đón hơn 40 nghìn lượt du khách quốc tế.
Vườn quốc gia Cát Tiên.
Một số mô hình DLST cộng đồng đã hình thành như Bản Khanh (VQG Cúc Phương) Bản Pác Ngòi ( VQG Ba Bể), thông Chày Lập (VQG Phong Nha-Kẻ Bàng), bản A Đon (VQG Bạch Mã)… nhưng do khó khăn trong khâu tiếp thị nên chưa thu hút được nhiều khách du lịch, lợi ích mang lại cho con người còn khiêm tốn. Chỉ có bốn VQG: Cát Tiên, Phong Nha- Kẻ Bàng, Cúc Phương và Ba Vì có nguồn thu từ 1 tỷ đồng trở lên/năm từ DLST.
Ông Bùi Xuân Trường (chuyên gia của Hiệp hội VQG và KBTTN Việt Nam) đánh giá: hoạt động DLST, nhất là ở các KBTTN hiện nay thuộc loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên có định hướng DLST. Các VQG Việt Nam là nơi rất lý tưởng để tổ chức các hoạt động DLST tuy nhiên lại phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và chưa có mô hình sinh thái đích thực ở Việt Nam.
Các hoạt động DLST thường bao gồm: nghiên cứu, tìm hiểu các hệ sinh thái, tham quan tìm hiểu đời sống động thực vật hoang dã và văn hóa bản địa. Do đó, một số VQG tuy đã thành lập Ban du lịch hoặc Trung tâm DLST và giáo dục môi trường để điều hành hoạt động du lịch. Tuy nhiên, du khách đến với các VQG mới chỉ tiếp cận được các hệ sinh thái rừng, thực vật, một số loại côn trùng mà rất hiếm gặp thú rừng.
Ông Nguyễn Bá Thụ, Chủ tịch Hiệp hội VQG và KBTTN Việt Nam cho rằng có rất nhiều lý do khiến tiềm năng du lịch sinh thái ở VQG và KBTTN chưa phát triển đúng tầm: Nhận thức của người dân cũng như nhiều cấp, ngành thường đánh đồng du lịch đại trà và du lịch sinh thái là giống nhau, tức là cùng thu hút khách thưởng ngoạn và nghỉ ngơi ở địa điểm nào đó. Tuy nhiên trên thực tế, DLST có những đặc thù riêng. Cơ chế chính sách cho loại hình du lịch này chưa đi vào cụ thể;
Việc tổ chức du lịch sinh thái ở các VQG còn tùy tiện, tự phát, tức là thấy khu bảo tồn của mình có cảnh sắc thiên nhiên đẹp, có nhiều người xin thăm quan là tổ chức thu tiền, không cần lập đề án không cần xây dựng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực (nơi đón tiếp, cán bộ hướng dẫn, sản phẩm du lịch…). Bên cạnh đó, một số VQG và KBTTN có tiềm năng về tài nguyên du lịch lớn nhưng nhận thấy tổ chức dịch vụ DLST là việc khó và phức tạp nên “ngại” tổ chức…
Hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển tương xứng tiềm năng
Các đại biểu cho rằng tuy đã có một số chính sách có liên quan đến phát triển DLST được ban hành như Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý rừng đặc dụng; Quyết định số 104/2007/QĐ-BNN của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quản lý các hoạt động DLST tại các VQG, KBTTN. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, dẫn tới dự quản lý và tổ chức nghèo nàn không hiệu quả của các hoạt động DLST và bảo tồn thiên nhiên.
Để DLST phát triển bền vững, sớm hội nhập thị trường khu vực và thế giới, các đại biểu tham dự nhất trí đề ra một số cơ chế chính sách như Chính sách đầu tư về cơ sở hạ tầng phục phụ phát triển DLST. Việc đầu tư này phải phù hợp với quy hoạch được duyệt và quy định của Luật doanh nghiệp, Luật bảo vệ và Phát triển rừng, không được làm thay đổi cảnh quan của khu rừng.
Cần có những chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phát triển DLST với các đối tượng: cán bộ quản lý hoạt động, hướng dẫn viên và nhân viên phục vụ, nhân dân sống hợp pháp tại vùng đệm của VQG và KBTTN. Ông Nguyễn Bá Thụ cho rằng nhiều sinh viên được đào tạo bài bản về chuyên ngành du lịch nhưng khi làm hướng dẫn viên du lịch sinh thái không khỏi bỡ ngỡ, vẫn cần sự giúp đỡ của các cán bộ VQG. Hướng dẫn DLST khó hơn du lịch thông thường bởi phải hiểu biết tường tận về quy luật tự nhiên, phải là người diễn giải môi trường, giải thích về thiên nhiên cho du khách…
Du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy.
Việc hoàn thiện chính sách về sử dụng nguồn thu từ hoạt động kinh doanh phát triển DLST cũng được các đại biểu quan tâm. 25% lợi nhuận thu được sẽ được đầu tư phát triển rừng đặc dụng, 75% còn lại hỗ trợ tăng lương, thưởng cho cán bộ công nhân viên, hỗ trợ hoạt động phát triển cộng đồng dân cư vùng đệm, chi cho hoạt động tái đầu tư kinh doanh dịch vụ DLST.
Ngoài ra, chính sách góp vốn đầu tư liên doanh liên kết để phát triển cũng rất quan trọng. Mặc dù đã có một số chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân có thể tham gia đầu tư và quản lý hoạt động DLST ở các VQG, nhưng cho đến nay hoạt động DLST chủ yếu vẫn do VQG tự tổ chức, vận hành. Do vậy lợi ích từ hoạt động DLST vẫn chưa đến với những cộng đồng địa phương; Chính sách về giá thuê môi trường rừng để phát triển DLST, theo đó giá thuê môi trường rừng được điều chỉnh năm năm một lần, thời gian thuê không quá 50 năm…
(Theo Đặng Thanh Hà/NDĐT)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com