Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khách sạn lạc quan trong mùa thấp điểm

Khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng mạnh đã giúp các doanh nghiệp trong ngành khách sạn lạc quan hơn về thị trường năm 2010 - Ảnh: Mộng Bình

Khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh trở lại, du lịch nội địa vẫn duy trì mức trưởng cao đã tạo ra không khí lạc quan cho thị trường khách sạn tại TPHCM và cả nước, mặc dù các khách sạn đang trải qua mùa thấp điểm của khách quốc tế.

Niềm tin đã trở lại

Grant Thornton, công ty cung cấp các dịch vụ tư vấn và kiểm toán doanh nghiệp đưa ra Báo cáo kinh doanh quốc tế cho thấy 32% trong tổng số hơn 7.500 đại diện doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam tự tin hơn về triển vọng kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn trong năm nay so với chỉ 2% của năm ngoái.

Báo cáo cũng cho thấy trong năm nay có đến 40% các doanh nghiệp trong lĩnh vực khách sạn kỳ vọng doanh thu của họ tăng 19% và 30% mong muốn lợi nhuận tăng 7% so với năm ngoái. Khó khăn trong năm ngoái khiến các khách sạn giảm giá phòng trung bình đến 31,9% để thu hút khách.

Sáu tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút được hơn 2,51 triệu lượt khách quốc tế, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2009. Khách du lịch nội địa trong thời gian này đạt 17 triệu lượt, bằng 2/3 tổng lượng khách thị trường nội địa năm 2009.

Ông Kenneth Atkinson, Giám đốc điều hành của Grant Thornton Việt Nam, nói bằng chứng cho niềm tin vào thị trường khách sạn tại Việt Nam đã tăng trở lại là việc các công ty nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội quản lý thêm các khách sạn và các dự án mới tại Việt Nam.

Ông Atkinson nói với PV:  “Tất nhiên, cũng có công ty tìm được cơ hội và cũng có không ít thất bại, nhưng nhìn chung niềm tin vào cơ hội kinh doanh khách sạn tại Việt Nam hiện nay cao hơn nhiều so với cùng kỳ của năm ngoái”.

Ông Atkinson có lý khi đưa ra nhận định trên vì gần đây Accor - tập đoàn quản lý khách sạn hàng đầu châu Âu đã công bố thỏa thuận quản lý ít nhất 12 dự án khách sạn đang trong quá trình xây dựng tại Việt Nam, tăng thêm 3 dự án so với công bố của tập đoàn này vào đầu năm nay.

Ông Patrick Basset, Phó chủ tịch điều hành của Accor phụ trách thị trường Việt Nam, Philippines, Hàn Quốc và Nhật Bản, cho biết tập đoàn này nhìn thấy cơ hội, nhu cầu cao không chỉ cho khách sạn 5 sao mà còn cả khách sạn 4 và 3 sao tại Việt Nam. Vì thế, ông Basset cho biết Accor muốn đưa thêm thương hiệu khách sạn dành cho thương nhân Pullman vào hệ thống khách sạn do tập đoàn đang phát triển tại Việt Nam, bên cạnh các thương hiệu Novotel, Mercure và Ibis. Hiện, Accor đang quản lý 14 khách sạn đang hoạt động tại Việt Nam, với các thương hiệu như Sofitel, MGallery, Novotel and Mercure.

Ông Atkinson nói việc các công ty quản lý khách sạn nước ngoài muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong năm nay vì lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh trở lại và ngành du lịch nội địa vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt trong thời gian qua.

Kỳ vọng

Theo báo cáo của công ty cung cấp dịch vụ bất động sản Savills Việt Nam, công suất phòng bình quân của các khách sạn từ 3 đến 5 sao tại TPHCM đạt khoảng 65% trong quí 2-2010, thấp hơn 72% so với quí 1-2010 vì là mùa thấp điểm của thị trường khách quốc tế.

Trong quí 2-2010, mức giá bán phòng trung bình cho tất cả các hạng khoảng 88 đô la Mỹ/phòng/đêm và chỉ số doanh thu phòng trung bình của các khách sạn 4 và 5 sao đạt khoảng 66 đô la Mỹ, giảm gần 10% so với quí 1-2010.

Bà Tash Tobias, Giám đốc khác sạn của khu phức hợp khách sạn-căn hộ cho thuê InterContinental Asiana Sài Gòn, cho biết thông thường công suất thuê phòng khách sạn trong quí 2 thấp hơn quí 1 của năm, và năm 2010 cũng không phải ngoại lệ.

Trao đổi với PV, bà Tobias không cho biết cụ thể công suất phòng tại khách sạn InterContinental Asiana Sài Gòn là bao nhiêu, nhưng nói rằng công suất phòng tại khách sạn 305 phòng này trong quí 2-2010 cao hơn quí trước đó.

Bà Tobias hy vọng công suất tại InterContinental Asiana Sài Gòn sẽ tiếp tục tăng từng quí trong năm nay, vì đây là khách sạn 5 sao mới mở tại TPHCM cùng với những tín hiệu tích cực về kinh tế Việt Nam và đất nước này đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách quốc tế.

Trả lời câu hỏi về e ngại công suất phòng tăng sẽ dẫn đến giá phòng tăng, ông Atkinson cho rằng cũng cần phải mất thời gian để giá phòng mới tăng lại. Năm 2010 được dự báo là thời gian để các khách sạn thực hiện kế hoạch định vị lại thị trường và chiến lược kinh doanh sau một thời gian trải qua khó khăn từ cuối năm 2008 đến cuối năm 2009.

Ông Atkinson cho biết hiện một số khách sạn đang chuẩn bị nâng cấp, chuyển sang mô hình khách sạn sang trọng có quy mô nhỏ hay các khách sạn hạng trung phục vụ khách là các gia đình tại các thành phố lớn ở Việt Nam.

(Theo Bình Nguyên // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Đề xuất sửa tiêu chuẩn cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế
  • Ðánh thức tiềm năng du lịch ở Bắc Cạn
  • Bao giờ tổ chức được du lịch đường sông?
  • Hơn một triệu lượt du khách trảy hội chùa Hương
  • Huế phát động người nghèo cùng phát triển du lịch
  • Du lịch tự chủ hút giới trẻ
  • Xây dựng thương hiệu du lịch chung cho miền Trung
  • "Xuất khẩu tại chỗ" chưa được quan tâm đúng mức?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com