Chương trình kích cầu được kỳ vọng sẽ tạo nên “cú hích” cho ngành du lịch trong năm 2010.
Lần đầu tiên, trong một cuộc họp giao ban của ngành du lịch (18.3), đại diện các cơ quan nhà nước không còn cầm báo cáo đọc. Lần đầu tiên, những yếu kém của ngành được nhìn nhận thẳng thắn, từ những việc đơn giản và cụ thể nhất. Cuộc họp này kéo dài hơn nửa ngày do có rất nhiều ý kiến đóng góp cho chính sách kích cầu du lịch năm 2010. Trong đó, có 3 chiến lược mới đáng chú ý.
Ở đâu có du lịch, ở đó có nhà vệ sinh
Từ trước đến nay, chuyện nhà vệ sinh cho khách du lịch đã được nói đến rất nhiều. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên “nhà vệ sinh” được đưa vào nội dung hành động của ngành. Không những thế, nó còn là điểm nhấn của năm nay. Ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhìn nhận: “Nhà vệ sinh là một nỗi ám ảnh của du khách và là nỗi xấu hổ của các nhà làm du lịch. Do đó, năm nay, việc đầu tiên là phải thực hiện được điều này: Ở đâu có du lịch, ở đó phải có nhà vệ sinh”.
Theo đó, Tổng cục Du lịch đã chỉ đạo các sở đẩy mạnh rà soát lại việc xây nhà vệ sinh tại các con đường, điểm dừng chân (trạm xăng, quán ăn...), xây nhà vệ sinh tiêu chuẩn du lịch, làm sạch nhà vệ sinh công cộng tại các thành phố. Ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, cho biết, việc thực hiện sẽ được kiểm tra kỹ.
Nội địa: điểm tựa của du lịch 2010
Sau câu chuyện nhà vệ sinh là chuyện du lịch nội địa. So với du lịch inbound và outbound (khách nước ngoài đến Việt Nam và khách Việt Nam ra nước ngoài), lâu nay, du lịch nội địa thường bị xem là kém lợi nhuận hơn nên không được tập trung phát triển. Tuy nhiên, theo kết quả thống kê năm 2009, du khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 10% so với năm 2008 nhưng doanh thu ngành du lịch không giảm mà còn tăng 6,5-9%, tương đương 70.000 tỉ đồng. Đó chính là nhờ vào 25 triệu lượt người Việt Nam đi du lịch trong nước (tăng 20% so với năm 2008).
Theo ông Tuấn, du lịch nội địa sẽ là điểm tựa của năm nay. Điển hình là chiến dịch bán hàng giảm giá lớn “Impressive Vietnam Grand Sale 2010” sẽ được diễn ra vào tháng 8 và 9 tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Khác với chương trình bán hàng giảm giá 2 năm trước, chỉ phục vụ khách du lịch nước ngoài, lần này, chương trình sẽ mở rộng ra cho khách du lịch nội địa, tức là không cần phải có hộ chiếu cũng có thể mua sắm hàng khuyến mãi.
Các nhà làm du lịch hy vọng, “Impressive Vietnam Grand Sale 2010” sẽ góp phần đẩy mạnh loại hình du lịch mua sắm tại Việt Nam. Được biết, chi phí mua sắm hiện chiếm đến 50% chi phí của khách du lịch đến Thái Lan nhưng tại Việt Nam, con số này chỉ là 15%.
Việt Kiều hướng về cội nguồn
Điểm mới thứ ba trong chương trình kích cầu du lịch là chiến dịch “Việt Kiều hướng về cội nguồn”. Hằng năm, có khoảng 400.000 kiều bào về Việt Nam. Con số này đang bị bão hòa và khó có khả năng tăng thêm. Chiến dịch “Việt kiều hướng về cội nguồn” không chỉ kêu gọi kiều bào về thăm quê hương mà còn tập trung vào việc kêu gọi họ tham gia vận động bạn bè nước ngoài đến Việt Nam. “Việt Nam có khoảng 4 triệu kiều bào ở nước ngoài. Đó là nguồn tuyên truyền du lịch hiệu quả. Nếu một người có thể vận động được vài người thì con số du khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể”, ông Tuấn nói.
Cụ thể, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), đại sứ quán Việt Nam ở các nước, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam tổ chức các cuộc gặp gỡ và phát động chiến dịch hướng về cội nguồn với cộng đồng Việt kiều ở 4 nước đầu tiên là Pháp, Mỹ, Anh và Úc.
Dĩ nhiên, điều kiện tiên quyết để kiều bào tham gia chương trình là các doanh nghiệp trong ngành phải cho thấy chất lượng du lịch tốt.
Theo ông Vũ Thế Bình, Vụ Lữ hành, năm nay, ngành du lịch sẽ dành khoảng 3-4 tỉ đồng (tăng gấp 2 lần so với năm 2009) để in ấn bản đồ, ấn phẩm du lịch... và đem phổ biến tại các điểm đến, sân bay. Điều này nhằm giúp du khách dễ dàng nhận được các thông tin du lịch khi vừa đặt chân đến Việt Nam. Bên cạnh đó, việc quảng bá cũng không còn chung chung trên BBC, CNN nữa mà sẽ đi vào các kênh truyền hình chuyên ngành như Discovery, National Geographic... Hàng không Việt Nam sẽ tài trợ vé máy bay cho các đoàn khách báo chí từ các thị trường trọng điểm tham gia khảo sát sản phẩm và viết bài khuếch trương chiến dịch.
Những việc sẽ làm ngay
Như vậy, nhà vệ sinh đạt chuẩn, chú trọng du lịch nội địa và thu hút khách quốc tế thông qua kiều bào là 3 điểm mới đáng chú ý trong chương trình kích cầu du lịch năm nay. Thực hiện tốt 3 điểm này sẽ là một thành công lớn. Tuy nhiên, có vẻ như ngành du lịch Việt Nam đã “ngủ yên” quá lâu khiến rất nhiều vấn đề bị tồn đọng và các bức xúc của những người làm du lịch muốn được tỏ bày nhiều lên.
Trong đó, lo ngại của nhiều công ty du lịch là giá khách sạn sẽ tăng vô tội vạ như những năm trước khiến tình hình khó khăn hơn, đặc biệt đối với du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng...). Trước vấn đề này, một đại diện Hãng Hàng không American Airlines góp ý, nên xây dựng quy ước giá khách sạn theo mùa cao điểm và thấp điểm về lượng du khách, tương tự như trong lĩnh vực hàng không. Một mặt, vừa đảm bảo giá theo thị trường, mặt khác, hạn chế việc tăng vô tội vạ, làm ảnh hưởng đến toàn ngành. Ngoài ra, cũng theo đại diện của hãng này, số liệu cũng là một điểm yếu mà ngành du lịch Việt Nam cần khắc phục để doanh nghiệp định vị được mức giá và kế hoạch hoạt động cụ thể.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, với những nội dung kích cầu như trên, du lịch Việt Nam đang học lại quay bài học kinh điển là doanh nghiệp phải liên kết với nhau để cùng thực hiện. Vai trò của Tổng cục Du lịch chủ yếu chỉ mang tính chất định hướng. Doanh nghiệp và các sở địa phương tự thân vận động là chính. Nhưng ông Nguyễn Hữu Thọ, Tổng Giám đốc Saigontourist, lại e ngại vấn đề “đầu voi đuôi chuột”, tức là kế hoạch tốt nhưng khi làm lại thiếu phối hợp, gắn kết với nhau. Trong khi đó, 2010 là một năm rất thuận lợi cho du lịch Việt Nam do có nhiều sự kiện như đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Năm Du lịch Quốc gia, Festival Huế. Nếu không liên kết chặt chẽ, du lịch Việt Nam vẫn sẽ vẫn lẻ tẻ, không thể bật lên được.
(nhipcaudautu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com