Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Làm gì để thu hút khách Trung Quốc?

Đoàn khách du lịch Trung Quốc tham quan vịnh Hạ Long. Ảnh: Đào Loan.

Ngày càng nhiều quốc gia, không chỉ lân cận như Thái Lan, Singapore mà cả ở châu Âu, Mỹ đang ra sức thu hút du khách từ Trung Quốc. Tuy chậm chân hơn nhưng ngành du lịch Việt Nam cũng bắt đầu có những chương trình để kéo khách.

Khách tăng gần 100%

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu du lịch nước ngoài Trung Quốc, trong năm 2008, người Trung Quốc đã thực hiện 46 triệu chuyến đi nước ngoài, 90% trong số đó là khu vực châu Á. Ước tính tổng số chuyến đi trong năm ngoái lên đến 50 triệu chuyến. Trung Quốc trở thành nguồn khách lớn nhất của châu Á, tính cả các chuyến đi của người dân đến Hồng Kông và Macao. Điều này lý giải cho việc hàng loạt điểm đến đang tung ra các hoạt động để thu hút khách từ quốc gia này.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Du lịch, sau khi đạt con số kỷ lục với trên 778.000 lượt người vào năm 2004, lượng khách Trung Quốc giảm liên tục trong những năm qua. Vào năm ngoái, chỉ có gần 528.000 lượt khách Trung Quốc đến nước ta, giảm 18% so với năm 2008.

Tuy nhiên, sáu tháng đầu năm nay, thị trường lớn nhất này đã có mức tăng trưởng vượt bậc, lên đến 92,5%, đạt trên 437.000 lượt.

Du khách không chỉ đến qua các cửa khẩu miền Bắc, vốn có lợi thế thu hút những người đi bằng giấy thông hành, mà tại TPHCM, khách cũng tăng. Theo ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM, tốc độ tăng trưởng của thị trường này đạt khoảng 25%/năm.

Những doanh nghiệp đang khai thác thị trường Trung Quốc cũng ghi nhận tín hiệu lạc quan. Ở Công ty Du lịch Liên Bang Travelink, từ đầu năm đến nay, lượng khách tăng khoảng 30%. Thay vì chỉ đi 3-4 ngày đến phía Bắc, du khách Trung Quốc bắt đầu đi dài ngày hơn, đến một số điểm tham quan ở miền Trung và TPHCM.

Ông Từ Quý Thành, Giám đốc công ty, cho rằng với thị trường này, có rất nhiều phân khúc để doanh nghiệp chọn khai thác, từ khách bình dân, đến trung cấp và cả cao cấp. Thậm chí, nhiều khách Trung Quốc còn chi tiêu cao hơn cả khách Tây Âu. “So với các thị trường gần thì khách Trung Quốc còn chi tiêu cao hơn cả khách Singapore hay Malaysia”, ông nói.

Ở Lạc Hồng Voyages, lượng khách cũng tăng từ 18-19% trong hai năm trở lại đây. “Chúng tôi nhắm đến khách có chi tiêu cao đi bằng hộ chiếu. Tôi cho rằng thị trường rất có tiềm năng”, ông Trần Vĩnh Lộc, Giám đốc công ty, nói.Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết Trung Quốc vẫn là thị trường trọng điểm của ngành du lịch trong năm 2010. Ông tin rằng thị trường này sẽ phục hồi, thậm chí đạt đến 1 triệu lượt khách trong năm nay, tăng khoảng gấp đôi so với năm ngoái. Một điều đáng quan tâm là số khách đi bằng hộ chiếu đang tăng đáng kể. Nếu như những năm trước, chỉ có khoảng 20% trong tổng số khách đi bằng hộ chiếu thì nay tỷ lệ này đã lên đến khoảng 50%.

Quảng bá đã khởi sắc

Nhận định nguyên nhân tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường, ông Tuấn cho rằng hàng loạt chương trình quảng bá tại Trung Quốc mà ngành du lịch Việt Nam triển khai trong hai năm trở lại đây đã có hiệu ứng tốt.

Các đợt quảng bá tại các tỉnh và thành phố như Thượng Hải, Hà Nam, Quảng Châu, Thâm Quyến, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Giang Tô và Vũ Hán đã được thực hiện trong thời gian qua. Kèm theo đó là những chương trình ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý du lịch hai bên. Theo thông tin từ Vụ Lữ hành thuộc Tổng cục Du lịch, vụ đang thực hiện bộ phim quảng bá du lịch để phát trên một vài kênh truyền hình Trung Quốc từ tháng này.

“Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá là có hiệu quả ngay”, ông Thành của Công ty Liên Bang Travelink nói. Ông dẫn chứng, sau khi giới thiệu rộng rãi việc khách Trung Quốc sang Việt Nam từ cửa khẩu tại phía Bắc có thể đi trên các chuyến bay nội địa để du lịch trên khắp Việt Nam, công ty đã nhận được khá nhiều khách đi du lịch theo kiểu này thay vì chỉ đón khách hàng không, đi bằng hộ chiếu như trước kia.

Cùng với quảng bá, chính sách đi lại qua các cửa khẩu đường bộ giữa hai nước dễ dàng hơn, nhiều đường bay mới được mở cũng đã góp phần làm lượng khách tăng thêm. Vietnam Airlines đang thực hiện khoảng 30 chuyến/tuần trên các đường bay đến Bắc Kinh, Quảng Châu, Côn Minh, Thượng Hải và Hồng Kông. Các hãng hàng không khác của Trung Quốc cũng hoạt động rất tốt trên các chuyến bay nối hai nước.

Hồi tháng 3 này, hãng hàng không Tứ Xuyên, Air China cùng cơ quan xúc tiến du lịch tỉnh Tứ Xuyên cũng đã sang TPHCM thảo luận về việc mở đường bay thẳng giữa TPHCM - Thành Đô để phát triển du lịch giữa hai bên. Theo thông tin từ Vụ Lữ hành, dự kiến đến tháng 9 này sẽ có đoàn khách từ Trùng Khánh đến Hà Nội bằng máy bay thuê bao, bắt đầu cho chương trình đưa khách đến hàng tuần.

Có gì để hút khách lâu dài?

Thoạt nhìn, thị trường Trung Quốc có vẻ dễ khai thác với sự tương đồng về văn hóa, vị trí địa lý, giao thông ngày càng tiện lợi và mối quan tâm về thị trường hai bên cùng phát triển. Tuy nhiên, để phát triển bền vững thì không đơn giản.

Trước hết là rào cản về ngôn ngữ. Hiện nhiều doanh nghiệp rất khó khăn để tìm hướng dẫn viên tiếng Hoa và nhân viên có thể làm việc, đàm phán trực tiếp với đối tác bằng tiếng Hoa.

“Doanh nhân Trung Quốc có thói quen dùng tiếng Hoa bàn chuyện làm ăn. Do đó, thông thạo ngôn ngữ này là một lợi thế nhưng ngành du lịch đang rất thiếu những người vừa làm tốt nghiệp vụ vừa giỏi tiếng Hoa”, ông Thành nói.Sản phẩm cũng là vấn đề được đặt ra. So với các điểm du lịch trong vùng thì Việt Nam không thể so sánh với Bangkok, Singapore về những nét hào nhoáng, dịch vụ du lịch hấp dẫn kèm theo những trung tâm mua sắm lớn; và cũng không hấp dẫn như Bali ở văn hóa bản địa, hay Nhật Bản với những “thiên đường mua sắm hàng hiệu” vốn đang lôi kéo một lượng lớn du khách Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ông Thành, Việt Nam vẫn có những lợi thế, bởi khách Trung Quốc thích đến những thành phố có sự năng động, có những nét lịch sử văn hóa riêng. Chính vì thế, Hà Nội và TPHCM đang có sức hấp dẫn tốt. Ở phía Bắc, nếu như Hà Nội, Hạ Long là điểm tham quan không thể thiếu thì tham quan, mua sắm ở TPHCM và đến vài thành phố lân cận vẫn là chương trình tour được nhiều khách chọn.

Nếu lấy danh lam thắng cảnh làm điểm nhấn thì khó cạnh tranh nổi với hệ thống danh thắng đồ sộ ở Trung Quốc nhưng Việt Nam lại có lợi thế về biển.

“Du khách thích đến biển nhưng phải kèm theo những dịch vụ giải trí, thể thao biển. Đây là điều mà chúng ta đang thiếu, cần phải đầu tư”, ông Thành nói.

(Theo Đào Loan // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com