Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lữ hành trong cuộc cạnh tranh mới

Những năm trước, vào thời điểm này, các công ty lữ hành quốc tế đã có thể nhận định tình hình tăng trưởng cả năm nhưng năm nay họ rất dè dặt. Ý kiến chung là thị trường có phục hồi nhưng vẫn khó và đã xuất hiện những xu hướng du lịch, kinh doanh mới.

Xu hướng du lịch tự túc (free & easy)

Trong chín tháng đầu năm nay, đã có 3,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm trước. TPHCM, trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước cũng đón đến 2,2 triệu lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2009. Tuy nhiên, lượng khách du lịch thực sự do các công ty du lịch phục vụ lại tăng trưởng thấp hơn nhiều so với thống kê chung.

Trong báo cáo chung, lượng khách đến vì mục đích du lịch thuần túy chỉ chiếm trên 50% nên lượng khách du lịch thực sự ít hơn là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, xu hướng du lịch free & easy phát triển cũng làm cho khách đi theo tour của các công ty lữ hành giảm nhiều. Với loại hình này, chỉ khi cần, khách mới đặt vài dịch vụ hoặc tour tự chọn qua các công ty du lịch nên không chỉ làm giảm số lượng mà doanh thu trên đầu khách của doanh nghiệp du lịch cũng giảm.

“Đơn cử như khách Nga, do đã được miễn thị thực 15 ngày nên họ tự lên mạng đặt khách sạn, mua vé máy bay rồi đến khu nghỉ nào đó chơi hai tuần mà không đặt tour trọn gói của công ty du lịch. Ngày càng nhiều khách chọn kiểu du lịch này”, ông Hoàng Hữu Lộc, Phó giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, nói.

Xu hướng này cũng xuất hiện ở một số thị trường khác, đặc biệt là những nước được miễn thị thực, có đường bay gần và có chuyến bay của những hãng hàng không giá rẻ.

Thông qua Internet, du khách có thể đến thẳng các nhà cung cấp dịch vụ tận gốc, kinh doanh du lịch không còn là B-B (doanh nghiệp đến doanh nghiệp) mà là B-C (doanh nghiệp đến khách hàng). Nhiều khách sạn, khu nghỉ đã không có ưu đãi cho hãng lữ hành để bán dịch vụ mà đưa thẳng khuyến mãi đến khách hàng.

Không chỉ có hàng không giá rẻ, các hãng hàng không truyền thống cũng tham gia thị trường bằng các chương trình free & easy. Du khách, đặc biệt là khách ASEAN gần như là khách nội địa vì không mất thời gian xin thị thực, vé máy bay rẻ, khách sạn đưa ra ưu đãi trực tiếp, với chênh lệnh không khác là mấy so với giá khách sạn vẫn dành cho công ty lữ hành.

Theo bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Asian Trails, đây cũng là xu hướng tất yếu khi một điểm đến đã trở nên quen thuộc. Với điểm đến mới, khách sẽ mua tour trọn gói nhưng khi có đủ thông tin thì họ sẽ tự đi.

“Dĩ nhiên là khách hàng được lợi khi đi du lịch theo kiểu này nên lượng khách ngày càng tăng, nhưng điều này cũng đặt các công ty du lịch vào thế cạnh tranh rất quyết liệt để mở rộng thị trường, tạo sản phẩm mới”, ông Trần Vĩnh Lộc, Giám đốc Công ty Du lịch Lạc Hồng Voyages, nói.

Cùng với free & easy, từ sau cuộc khủng hoảng năm ngoái, xu hướng chọn tour ngắn ngày, đi du lịch gần và tiết kiệm hơn cũng đang trở nên phổ biến. Doanh nghiệp lại đứng trước một thử thách lớn để tăng doanh thu vì nếu số ngày tour giảm đi, điểm đến ngắn hơn thì doanh thu sẽ giảm mà thu hút khách đến trong điều kiện ngành lữ hành chưa thực sự phục hồi như hiện tại là điều không đơn giản.

Cạnh tranh từ đối tác

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), trong sáu tháng đầu năm 2010, ngành du lịch tại hầu hết các khu vực của thế giới đều tăng trưởng, trong đó, dẫn đầu là vùng châu Á - Thái Bình Dương với 14%, kế tiếp là Trung Đông 20%.

Sau Sri Lanka (tăng 49%) và Nhật Bản (36%), Việt Nam cùng với Myanmar đều tăng 35%, kế đến là Hồng Kông, Macao (Trung Quốc) và Singapore.

UNWTO cho rằng trong những tháng cuối năm, du lịch nội vùng và du lịch trong nước sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng của ngành du lịch.

Ông Lộc của Saigontourist nói vui: “Ngày nay, không phải cứ chơi với hãng lớn là tốt mà sẽ có nhiều bấp bênh”. Ông giải thích, trước đây, các công ty trong nước thường yên tâm khi quan hệ làm ăn với đối tác lớn, nay mức độ yên tâm cũng giảm và phải luôn ở trong tư thế chuẩn bị cho những trường hợp xấu có thể xảy ra.

“Với số lượng lớn, đối tác có thể ép giá hoặc lớn hơn nữa thì họ có thể tự làm”, ông Lộc giải thích.

Hiện tại, doanh nghiệp trong nước vẫn là nhà cung cấp dịch vụ tại chỗ cho các hãng lữ hành nước ngoài chứ không phải là đơn vị lấy khách tận nguồn. Vì thế, lượng khách trong năm của các công ty trong nước chủ yếu lệ thuộc vào những đối tác này. Lượng khách bán trực tiếp vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp.

Nhiều hãng lữ hành nước ngoài, khi có lượng khách lớn vào Việt Nam đã không còn dựa vào một nhà cung cấp dịch vụ du lịch tại chỗ để phục vụ khách mà liên doanh với một đơn vị trong nước để tự làm. Có những hãng lớn, có bộ máy tại các thị trường trọng điểm cũng dùng chân rết của mình để cung cấp dịch vụ, bỏ qua khâu trung gian là các công ty lữ hành trong nước.

“Một đối tác, vốn có mối quan hệ rất vui vẻ với chúng tôi cũng đã không còn làm ăn chung nữa, đơn giản là vì các đơn vị trong hệ thống của họ có chân rết tại Việt Nam nên họ phải chuyển qua đó”, bà Tiên nói.

Những công ty lấy khách tại nguồn cũng buộc phải cạnh tranh để đưa ra giá thấp nhất nhằm đáp ứng nhu cầu tiết kiệm của khách du lịch và gia tăng lợi nhuận cho công ty. Vì thế, những động thái mới nhằm cắt giảm tối đa chi phí trung gian sẽ ngày càng diễn ra mạnh mẽ trên thị trường.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Cần Giờ phát triển khu du lịch sinh thái tại Thạnh An
  • Số du khách Nga đến Bình Thuận gia tăng mạnh
  • Du lịch Việt Nam: Ba đột phá để hội nhập
  • Tàu du lịch Diamond Princess nhập cảng Nha Trang
  • Ai Cập dự kiến đón 15 triệu khách du lịch năm 2010
  • Vân Phong hút nhiều dự án du lịch sinh thái biển
  • Hà Nội Kids - những sứ giả văn hóa của Thủ đô
  • ASEAN - điểm đến hấp dẫn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com