Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát triển du lịch Đà Nẵng: Nặng về lượng, nhẹ về chất!

Lượng khách quốc tế đến với cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Đà Nẵng vẫn còn rất ít ỏi Ảnh: HC

Cơ sở vật chất, các dự án đầu tư, tour, tuyến, điểm tăng lên song chỉ mới là số lượng nên du lịch Đà Nẵng vẫn chưa tạo được thương hiệu!

Tại cuộc họp đánh giá 5 năm triển khai chương trình “Tập trung phát triển du lịch” do Sở Văn hoá – Thể thao - Du lịch Đà Nẵng, nhiều đại biểu đã phát biểu với Phó Chủ tịch UBND TP Trần Phước Chính rằng, tuy được đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng và thu hút nhiều dự án nhưng du lịch Đà Nẵng vẫn chưa tạo nổi thương hiệu cho riêng mình!

Không biết có phải do phát biểu gây “sốc” này hay không mà sau khi lấy ý kiến của các ngành hữu quan, báo cáo về 5 năm phát triển du lịch Đà Nẵng vẫn chưa được UBND TP thông qua. Thay vào đó, lãnh đạo TP yêu cầu phải về làm lại báo cáo để đến ngày 30/9, nghĩa là 1 tháng sau, tiếp tục trình thêm một lần nữa!

Thực ra, các con số được nêu trong báo cáo của Sở Văn hoá - Thể thao – Du lịch Đà Nẵng tỏ ra khá khả quan. 5 năm qua, tổng lượng khách du lịch đến TP tăng bình quân 18,6%/năm, vượt 1,6% kế hoạch; trong đó khách đường bộ tăng gần 28.000 lượt, khách đường biển tăng trên 20.000 lượt... Tốc độ tăng doanh thu bình quân đạt 27,1%/năm, vượt gấp đôi kế hoạch. Tỷ trọng GDP du lịch trong GDP của TP tăng từ 435,35 tỷ đồng năm 2003 lên 734,9 tỷ đồng năm 2007...

Để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Đà Nẵng đã tập trung huy động vốn từ nhiều nguồn cho việc quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch như công trình cấp điện, cấp nước, hệ thống thông tin liên lạc, đường giao thông cho bán đảo Sơn Trà và các bãi tắm du lịch ven biển…

Đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng có 45 dự án du lịch được UBND TP có chủ trương cho phép đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD. Trong đó có 33 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư trên 15.000 tỷ đồng và 12 dự án nước ngoài với tổng vốn 763 triệu USD, thu hút nhiều tập đoàn lớn như VinaCapital, Indochina Capital… đầu tư vào các sân golf, khách sạn, resort cao cấp.

Hầu hết các dự án tập trung khai thác thế mạnh du lịch biển, dọc tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc có 29 dự án, Nam Ô - Thuận Phước có 2 dự án và trung tâm TP có 14 dự án. Riêng từ năm 2005 - 2007 đã có 24 khách sạn và khu du lịch Biển Đông với 1.264 phòng đi vào hoạt động, trong đó có 3 khách sạn tiêu chuẩn 4 sao. Dự kiến đến hết năm 2008 có thêm 5 dự án gồm các khu du lịch Sơn Trà Spa & Resort, Silver Shore-Hoàng Đạt, Olalani Resort, Xuân Thiều và cáp treo Bà Nà đi vào hoạt động giai đoạn 1…

Tuy nhiên, đi sâu vào một vài số liệu sẽ thấy sự khập khiễng. Chẳng hạn, so với năm 2004, số phòng lưu trú tại Đà Nẵng hiện tăng hơn 1.300 phòng, thế nhưng tỷ lệ phòng khách sạn 3 sao chỉ tăng 4,3%. Đó cũng là ví dụ về sự phát triển cơ sở vật chất của ngành du lịch Đà Nẵng còn nặng về lượng mà nhẹ về chất. Đây cũng là một trong những lý do khiến TP bị hạn chế trong việc thu hút nguồn khách chất lượng cao.

Vấn đề đặt ra nữa là các tour, tuyến, điểm du lịch còn thiếu sự liên kết với nhau, không chỉ trong quá trình hoạt động mà là ngay từ khâu quy hoạch. Nhiều nhưng vẫn rời rạc, đơn điệu, mạnh ai nấy biết mà thiếu sự kết nối, dẫn tới hầu như không có một tour, tuyến, điểm du lịch nào của Đà Nẵng có thể bật lên tạo được dấu ấn riêng. Vì thế mỗi khi du khách rời Đà Nẵng thì thường là “một đi không trở lại”.

Lãnh đạo Sở Văn hoá - Thể thao – Du lịch Đà Nẵng cũng thừa nhận, việc chuẩn bị quá gấp rút cho các sự kiện du lịch - văn hóa lớn, thiếu các sự kiện phụ trợ cho chương trình chính... đã khiến thông tin không được quảng bá rộng rãi tới khách quốc tế, dẫn tới hạn chế nguồn khách tham dự.

Bên cạnh đó, do hạn chế về kinh phí và nhất là sự nghèo nàn về ý tưởng nên ngành du lịch - thương mại TP vẫn chưa tạo được những sản phẩm đặc trưng, chủ lực; các tuyến điểm được mở rộng, dịch vụ tại đó được cải thiện nhưng chỉ chủ yếu phục vụ khách nội địa, không gây được ấn tượng mạnh thu hút khách quốc tế.

Hiện Sở Văn hoá - Thể thao – Du lịch Đà Nẵng đang kiến nghị UBND TP thu hồi chủ trương cho phép đầu tư 3 dự án gồm khu du lịch DBC của Công ty cổ phần Thương mại và Tư vấn DBC; dự án Nobel của Tập đoàn Nobel Oil (Nga) và khu du lịch dịch vụ đa năng An Hải Tây của Tập đoàn Kinh tế Công nghiệp tàu thủy VN do quá chậm trễ trong việc triển khai xây dựng.

(Theo VietNamNet)

  • 2 USD/chặng bay Tp.HCM-Bangkok, Tp.HCM-Siêm Riệp
  • Hàng không thế giới vẫn thua lỗ
  • Các hãng hàng không toàn cầu có thể lỗ tới 5,2 tỷ USD năm 2008
  • 20 tỷ đồng phát triển du lịch Vườn quốc gia U Minh Hạ
  • Hà Nội: Giá phòng 5 sao sẽ tiếp tục tăng
  • Hàng không toàn cầu có thể lỗ tới 5,2 tỷ USD
  • Lập quy hoạch xây tuyến monorail ở Cà Mau
  • Jetstar Pacific giảm phụ thu nhiên liệu từ 4/9
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com