Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị phần đã có, làm sao giữ?

Nhiều khách sạn 2 - 3 sao ở địa phương không cần hạ giá vẫn đạt công suất cho thuê phòng 70 - 80%.
 
Phần lớn du khách chú trọng tour có bao nhiêu điểm tham quan, ăn uống tốtcòn nghỉ ngơi chỉ cần khách sạn có tiện nghi vừa đủ, miễn là sạch sẽ
 
Vác balô du lịch "bụi" trong hai tháng, trải nghiệm nhiều nơi nghỉ khác nhau, chúng tôi nhận thấy không ít khách sạn chỉ hai sao vẫn có phòng được trang bị khá tốt, có nơi còn tốt hơn cả khách sạn ba, bốn sao mà các công ty lữ hành bố trí cho khách.

"Ít sao" đâu hẳn là không tốt! 

Các công ty lữ hành đưa ra nhiều cấp độ khách sạn khác nhau cho một chương trình tham quan giống nhau để hình thành các mức giá tour theo nhu cầu của khách. Quả nhiên, 60% số khách chọn khách sạn hai, ba sao hơn loại cao cấp.

Bà Trần Việt Hương, Công ty Vietravel cho biết mỗi năm chỉ khoảng 30 - 40% du khách trong nước sẵn sàng mua tour giá cao với phòng nghỉ cao cấp ở những khách sạn, resort 4 - 5 sao. Còn phần lớn du khách chú trọng tour có bao nhiêu điểm tham quan, vui chơi, có được ăn ngon không, nghỉ ngơi chỉ cần khách sạn 2 - 3 sao, tiện nghi vừa đủ, miễn là sạch sẽ.

Ở Lào Cai, dân "phượt" (tự tổ chức du lịch theo nhóm), rất hài lòng với những nhà nghỉ, khách sạn bình dân như Tulip, Bình Lan, Hiếu Thảo, Xuân Ngần... Cô Nguyễn Thị Phượng công tác tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, nói rằng cô rất hài lòng với cách phục vụ của nhà nghỉ Xuân Ngần. Cô vừa xuống tàu đã có xe của nhà nghỉ đón tại ga Lào Cai về Sapa với giá chỉ 50.000 đồng/người. Phòng ở Xuân Ngần giá ngày thường 150.000 đồng, thứ Bảy và Chủ nhật 200.000 đồng/phòng, đủ tiện nghi.

Ở Huế, khách sạn hai sao Thanh Thảo cũng làm mọi người ngạc nhiên khi phòng hai giường rộng thoải mái cho hai người, trong buồng tắm có cả vòi tắm ngang massage lưng, mà giá chỉ 250.000 đồng/phòng.

Nhà nghỉ Châu Linh ở Mũi Né (Phan Thiết, Bình Thuận), một phòng rộng hơn 30m2, hai giường đôi, tủ, bộ bàn ghế, máy lạnh, tivi, giá chỉ 250.000 đồng/phòng. Bà chủ nhà nghỉ cho biết, trong tháng 10 thì còn phòng, chứ qua tháng 11 thì đã có khách Nga đặt trước cả. Khách Nga hay đi du lịch cả gia đình nên họ rất thích phòng rộng, hai giường lớn, buồng tắm rộng. Đặt một phòng có thể ở bốn người mà nhà nghỉ chỉ lấy thêm 100.000 đồng/ngày.

Đi chơi Sa Đéc (Đồng Tháp), nhờ người bạn giới thiệu cho một khách sạn tiêu chuẩn rẻ, tốt, sạch, anh dẫn đến khách sạn một sao Thảo Ngân. Phòng vừa đủ cho hai người, đủ tiện nghi, có thêm một bàn làm việc, wifi tại phòng, có bồn tắm đứng, giá 250.000 đồng/phòng.

Các chủ nhà nghỉ, khách sạn này cho biết, họ chưa từng làm việc với các công ty lữ hành vì khách của họ đã là khách quen, tự truyền miệng cho nhau. Các khách sạn loại này vào những ngày thứ Bảy, Chủ nhật luôn kín khách, những ngày còn lại, công suất phòng cũng luôn đạt 60 - 70%. Họ cũng không tăng giá trong cả năm nay, dù lợi nhuận giảm đi so với năm ngoái, bởi muốn giữ chữ tín với khách hàng.

Thị trường đang nhộn nhịp 

Năm ngoái, dự báo của các công ty quản lý bất động sản nghỉ dưỡng cho rằng, năm 2010 nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp chiếm 50% trong sự lựa chọn của khách du lịch là không chính xác. Bước sang năm 2011, ngay những tháng đầu, tình hình kinh tế khó khăn, tour đi nước ngoài giảm so với các năm trước, các công ty lữ hành đã phải tính toán lại giá để thu hút du khách đi các tour trong nước. Hầu hết các công ty lữ hành đưa ra nhiều cấp độ khách sạn khác nhau trong một chương trình tour tham quan giống nhau để hình thành nhiều mức giá tour theo nhu cầu của khách. Quả nhiên, số khách chọn khách sạn hai, ba sao luôn cao hơn loại cao cấp.

Chủ nhà nghỉ và khách sạn

nhiều nơi cho biết: Những ngày thứ Bảy, Chủ nhật luôn kín khách, những ngày còn lại, công suất phòng cũng luôn đạt 60 - 70%. Họ cũng không tăng giá trong cả năm nay, dù lợi nhuận giảm đi so với năm ngoái, bởi muốn giữ chữ tín với khách hàng.

Có lẽ nắm được xu hướng này, nhiều chủ đầu tư ở các tỉnh, thành phố du lịch đã chuyển hướng đầu tư vào khách sạn bình dân. Rõ nhất là ở khu huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Số nhà nghỉ, khách sạn một, hai sao mọc lên dày đặc ở các khu vực gần biển. Với giá không quá 350.000 đồng/ngày dịp lễ, các khách sạn loại này đã "kéo" được gần 80% lượng khách đến Long Hải và làm cho khu vực này nhộn nhịp hẳn lên vào những ngày cuối tuần. Khoảng ba năm trước, du khách đến Long Hải phải trả giá phòng nghỉ khách sạn, resort thấp nhất cũng 600.000 đồng/phòng.

Thị phần các khách sạn từ một đến ba sao ở Việt Nam đang do các doanh nghiệp trong nước nắm giữ phần lớn. Người ta đã thấy hình thành những chuỗi khách sạn hai, ba sao như ở TP.HCM có chuỗi khách sạn Tân Hải Long, chuỗi khách sạn A&Em, chuỗi khách sạn Sơn Thịnh ở Vũng Tàu; khu vực phía Bắc có chuỗi khách sạn Mường Thanh.

Không thể chủ quan 

Tuy nhiên, phải nói rằng du khách vẫn còn tâm lý e ngại về chất lượng phục vụ của một số khách sạn ba sao ở các địa phương, ngay cả khi khách sạn đó do chính các công ty lữ hành có tên tuổi đặt cho khách đi tour. Chẳng hạn, khi đến một khách sạn 3 sao ở Điện Biên vào tháng 7 vừa qua, được xếp nghỉ phòng VIP (phòng có bếp và bàn ăn) nhưng tivi không xem được, ghế bàn ăn xiêu vẹo, cửa bồn tắm đứng sứt cao su viền, còn trong nhà vệ sinh, hộp treo giấy vệ sinh rớt xuống, cũng không ai ngó ngàng gắn lại...

Khách sạn ba sao Văn Miếu (Hà Nội) còn "ấn tượng" hơn khi phòng tiêu chuẩn nhỏ đến nỗi hai người vào phòng cũng phải nhường bước nhau, buồng tắm chật chội, quạt hư, máy lạnh hư mà khách vẫn phải chịu đựng.

Thị trường khách sạn ba sao ở Việt Nam đang được các tập đoàn đầu tư, quản lý khách sạn nước ngoài để mắt tới. Nếu các doanh nghiệp trong nước tự hài lòng với công suất phòng bình quân 60 - 70% hoặc chỉ lo chạy đầu tư thêm khách sạn mà không chú ý chăm sóc cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị, vệ sinh phòng nghỉ, dịch vụ thì việc các tập đoàn nước ngoài với kinh nghiệm xây dựng, quản lý chuyên nghiệp, chắc chắn họ là đối thủ cạnh tranh đáng gờm.
 
Ý KIẾN NGƯỜI TRONG CUỘC

Lợi thế nào?
Việc cạnh tranh giá ở phân khúc khách sạn 3 sao có thể xảy ra, nhưng các chủ đầu tư Việt Nam vẫn có lợi thế vị trí mặt bằng đẹp và giá cả linh hoạt.

Sẽ cạnh tranh giá: Ông Lê Ngọc Hà, Chủ đầu tư "Nếu biết phát huy lợi thế, các chủ khách sạn địa phương vẫn có thể kinh doanh tốt".
Hơn 10 năm làm kinh doanh khách sạn, tôi thấy những chuỗi khách sạn 3 sao TP.HCM vẫn chưa quan tâm đến xây dựng thương hiệu. Khi vào Việt Nam, tôi nghĩ ibis sẽ tạo sức ép cạnh tranh lên những khách sạn 3 sao tương ứng. Giai đoạn đầu có thể có sự cạnh tranh về giá giữa các khách sạn nội địa và chuỗi ibis. Tuy nhiên, tôi nghĩ các chủ khách sạn ở Việt Nam sau một thời gian học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, họ cũng có những lợi thế và có chỗ đứng riêng trên thị trường. Những chuỗi khách sạn 3-4 sao ở Việt Nam có lợi thế về địa điểm đẹp, ở trung tâm thành phố, có thể linh hoạt về giá cả. Chẳng hạn với giá công bố 40-80USD/ phòng/ đêm (khách sạn 3 sao), các chủ khách sạn vẫn có thể giảm ở mức 30-40%. Với ibis, có thể họ có giá khung và không thể linh hoạt được. Ngoài ra còn một lợi thế khác mà các chủ đầu tư Việt Nam có được là họ không phải trả tiền quá nhiều cho chi phí quản lý như những tập đoàn lớn vẫn làm. Nếu biết phát huy lợi thế, các chủ khách sạn địa phương vẫn có thể kinh doanh tốt. Điều quan trọng là các nhà đầu tư Việt Nam không nên chủ quan mà phải cập nhật thường xuyên tình hình kinh doanh, quản trị tốt, gia tăng giá trị dịch vụ cho khách hàng để duy trì được lợi thế trên thị trường.

Xem lại tư duy quản trị đầu tư: Ông Lê Bá Thông, Tổng giám đốc điều hành Công ty TTT "Các chủ đầu tư Việt Nam đôi khi làm theo cảm tính mà không tính toán đường đi rõ ràng về bài toán đầu tư, kinh doanh, thu hồi vốn…"
Accor là tập đoàn lớn và có nhiều kinh nghiệm quản lý chuỗi khách sạn từ cao cấp đến bình dân. Trong nhiều năm TTT là đơn vị thi công, thiết kế nhiều công trình do Accor triển khai ở Việt Nam. Tôi nghĩ nếu Accor triển khai chuỗi khách sạn ibis ở Việt Nam thì thị trường khách sạn bình dân 2-3 sao sẽ có nhiều thay đổi. Việc cạnh tranh giá trên phân khúc khách sạn 3 sao có thể xảy ra, nhưng các chủ đầu tư Việt Nam vẫn có lợi thế vị trí mặt bằng đẹp và giá cả linh hoạt.
Nói về ibis là nói về sự tiện nghi, hợp lý, không thừa, không thiếu. Chủ đầu tư ở Việt Nam đôi khi quá hào phóng cho những khoản đầu tư về nội thất nhưng lại không chú trọng đến xây dựng thương hiệu, quản trị đầu tư, quản trị toàn diện hệ thống. Theo chuẩn của ibis trên toàn thế giới thì chuỗi ibis ở Việt Nam có thể cũng không cần phải đầu tư nhiều quá như những khách sạn 3 sao của trung tâm thành phố. Có thêm ibis, các nhà đầu tư Việt Nam có thể so sánh, đồng thời học được cách thức mà Accor tính toán đầu tư và cách quản lý đồng bộ, hệ thống chuỗi khách sạn.
 

"Công nghiệp" vs "thủ công": Nguyễn Thị Phúc, Chủ đầu tư hệ thống khách sạn Tân Hải Long. "Những người thích sự riêng biệt, tinh tế, độc đáo của Việt Nam thì sẽ chọn các khách sạn như chúng tôi".
Mới cách đây vài tháng gia đình chúng tôi có đi du lịch ở Thái Lan và nhân tiện chúng tôi có ghé tham quan một khách sạn ibis ở Bangkok. Tôi nghĩ ibis là một chuỗi khách sạn được xây dựng, đầu tư và quản lý theo công nghệ toàn cầu và có chuẩn riêng. Đó cũng là một thế mạnh mà các chủ đầu tư ở Việt Nam chưa có được. Và muốn làm như họ cũng không thể vì bối cảnh phát triển và qu an điểm kinh doanh của những công ty tư nhân của Việt Nam có thể khác nhau. Cùng trong chuỗi khách sạn Tân Hải Long nhưng mỗi khách sạn cũng có những điểm đặc thù riêng theo vị trí, mặt bằng, điều kiện kinh doanh…
Việt Nam đã hội nhập toàn cầu thì sẽ chấp nhận những quy luật cạnh tranh, đào thải. Sự có mặt của ibis ở Việt Nam sẽ dẫn đến cạnh tranh nhiều hơn trên phân khúc thị trường khách sạn hạng trung, nhưng tôi nghĩ những người tham gia kinh doanh hôm nay luôn luôn có những cách đi riêng của mình. Chuỗi khách sạn Tân Hải Long do gia đình, người thân chúng tôi đầu tư, phát triển kinh doanh từ hơn 15 năm qua nên chúng tôi phải luôn cố gắng chăm lo cho những "đứa con" của mình. Những cái gì mới, hay, lạ của những nhà kinh doanh khác, chúng tôi cũng phải để ý, quan sát và học hỏi để nâng cao chất lượng dịch vụ. Tôi nghĩ ibis giống như sản phẩm "công nghiệp", còn những khách sạn như chúng tôi có thể xem như là sản phẩm "thủ công". Những ai thích hàng công nghiệp thì sẽ lựa chọn sản phẩm này; những người thích sự riêng biệt, tinh tế, độc đáo của Việt Nam thì sẽ chọn các khách sạn như chúng tôi. Bên cạnh vị trí tiện lợi của khách sạn thì cái hồn, cái tinh túy trong mỗi sản phẩm dịch vụ sẽ là một lợi thế riêng của chuỗi khách sạn của chúng tôi. Tôi nghĩ khi "sân" thị trường càng có nhiều người chơi thì những nhà kinh doanh sẽ phải động não nhiều hơn. Điều quan trọng là mỗi doanh nghiệp phải chấp nhận hoàn cảnh và tự thích nghi với môi trường kinh doanh mới.

Cạnh tranh, khách hàng sẽ có lợi: Ông Trần Văn Trường, PGĐ công ty du lịch VYC. "Cạnh tranh luôn là cách để giúp mọi người cải thiện chất lượng dịch vụ và khách hàng sẽ là người có lợi nhất".

Công ty VYC cũng tổ chức nhiều tour du lịch nước ngoài và thường cho khách nghỉ ở những khách sạn 4 sao. Cũng có những tour mà với số lượng khách ít, chúng tôi cũng chọn khách sạn ibis (3 sao). ibis hơn hẳn các khách sạn 3 sao ở Việt Nam nhờ là thương hiệu toàn cầu, khách hàng cũng tin tưởng hơn. Nhưng nếu ibis mở ra ở Việt Nam, tôi nghĩ ibis sẽ thắng được ở phân khúc khách hàng vãng lai, bởi với khách quốc tế, họ đã biết ibis ra sao, như thế nào, họ cứ vậy mà booking. Còn với khách du lịch Việt Nam, hiện nay họ đã quen được chiều chuộng từng ly, từng tý, có thể họ sẽ kỳ vọng nhiều hơn ở ibis. Với khách đoàn, ibis cũng có lợi thế là có mạng lưới booking toàn cầu. Có thể với kinh nghiệm và chiến lược kinh doanh toàn cầu, họ sẽ có được những lợi thế so với các doanh nghiệp Việt Nam như có thể ký hợp đồng trực tiếp từ đối tác nước ngoài, hoặc khi biết rằng ibis đã có mặt tại Việt Nam, các đối tác này lại yêu cầu các công ty du lịch lữ hành Việt Nam phải lựa chọn những khách sạn theo tiêu chuẩn của họ và ibis cũng đáp ứng điều kiện để họ lưa chọn.

Tóm lại trong kinh doanh toàn cầu, cạnh tranh luôn là cách để giúp mọi người cải thiện chất lượng dịch vụ và khách hàng sẽ là người có lợi nhất.
Dân Hy

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Nhật Bản cấp vé máy bay miễn phí cho du khách
  • Du lịch Lào Cai sẵn sàng đón chào tour Tây Bắc
  • 50 DN Du lịch sẽ được vinh danh tại Viet Nam Tourism Awards 2010
  • Các hãng lữ hành Việt quảng bá du lịch ở Nhật
  • Điểm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng đón khách trở lại
  • Khám phá tour nghỉ dưỡng thu-đông dịp cuối tuần
  • Trung Quốc dẫn đầu lượng du khách đến Việt Nam
  • "Tiềm năng đầu tư khách sạn ở Việt Nam rất lớn"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com