Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thời của khách sạn 2-3 sao

Các khách sạn 2-3 sao hoạt động khá ổn định và đi lên trong khi khách sạn 4-5 sao vẫn đang tìm cách thoát khỏi khó khăn. Ảnh: Lê Toàn.

Giai đoạn khó khăn từ năm 2009 đến nửa đầu của năm 2010 chứng kiến hai xu hướng khác nhau của ngành dịch vụ khách sạn tại Việt Nam. Các khách sạn 2-3 sao hoạt động khá ổn định và đi lên trong khi khách sạn 4-5 sao vẫn đang tìm cách thoát khỏi khó khăn.

Màu hồng cho khách sạn 2-3 sao

Theo một cuộc khảo sát dịch vụ khách sạn được công bố giữa tháng 6 vừa qua của Công ty Kiểm toán Grant Thorton, với quy mô 7.911 phòng của 50 khách sạn, khu nghỉ dưỡng các loại trên cả nước, đa số các con số khả quan đều nghiêng về các khách sạn 2-3 sao.

Theo đó, công suất khai thác phòng của khách sạn 3 sao trong năm 2009 tăng 2,1% so với năm 2008 trong khi các khách sạn cao cấp giảm. Bên cạnh đó, RevPAR, một chỉ số tiêu chuẩn về công suất khai thác và hiệu quả hoạt động của ngành khách sạn, của khách sạn 3 sao tăng 0,9% trong năm 2009 trong khi nhóm khách sạn cao cấp giảm ở mức hai con số.

“Điều này cho thấy sự dịch chuyển về nhu cầu của khách hàng sang nhóm giá trung bình trong năm 2009”, ông Ken Atkinson, Giám đốc điều hành Grant Thornton tại Việt Nam, một chuyên gia trong ngành du lịch, nói. Ông cho rằng sự dịch chuyển này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2010.

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, cho biết từ nửa cuối năm 2009 và sáu tháng đầu năm nay, việc chọn khách sạn, resort để lưu trú của khách có sự thay đổi, khoảng 60% khách du lịch nước ngoài chọn khách sạn 2-3 sao; có đến gần 70% du khách trong nước chọn khách sạn trung bình.

“Đối với du khách nước ngoài, nếu trước đây họ thường yêu cầu ở khách sạn 4 sao rồi mới đến khách sạn 3 sao, thời gian gần đây họ yêu cầu ở khách sạn 3 sao nhiều hơn. Còn du khách trong nước chủ yếu chọn khách sạn bình dân.

Một đại diện của Vietravel cũng xác nhận sự phát triển của xu hướng du lịch tiết kiệm trong thời gian qua. Theo số liệu thống kê của công ty trong sáu tháng đầu năm nay, lượt khách đăng ký tour chọn khách sạn 3 sao chiếm khoảng 60% (cả tour trong và ngoài nước). “So với cùng kỳ năm 2009, xu hướng trên không thay đổi”, người này nói.

Đại diện các khách sạn 2-3 sao cho biết hoạt động kinh doanh khá khởi sắc trong khi đại diện các khách sạn cao cấp cũng thừa nhận đây là giai đoạn đi lên của nhóm khách sạn trung cấp.

Ông Trần Kim Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bông Sen, cho biết ngoài việc củng cố chất lượng sản phẩm, tăng giá trị cộng thêm, các khách sạn trực thuộc công ty đã chủ động hơn trong việc tìm nguồn khách hàng mới bằng cách liên hệ với các công ty mà trước đây chỉ gửi khách ở khách sạn 4-5 sao. “Nhờ đó, khách sạn Bông Sen Saigon (3 sao) và Bông Sen Annex (2 sao) có thêm nguồn khách hàng mới”, ông nói.

Còn bà Thùy Dung, phụ trách marketing của khách sạn Sapphire, Tân Mỹ Đình 2, ở quận 1, cho rằng trong giai đoạn hiện nay, các khách sạn 3 sao như Sapphire tận dụng việc kinh doanh tốt hơn. Ngoài nguyên nhân khách quan kể trên, khách sạn còn có những chính sách giữ giá tốt, đồng thời tăng thêm dịch vụ, tiện ích cho khách.

Đáng chú ý nhất từ kết quả trên là mức sụt giảm 33,5% giá phòng trung bình dối với các khách sạn 5 sao trong năm 2009. Mặc dù các khách sạn 3 và 4 sao đều giảm giá trong năm 2009, ở mức 2,9% và 12,1%, nhưng các khách sạn 5 sao chịu áp lực nhiều nhất về việc giảm giá.

Khách sạn 4-5 sao vượt khó

Thừa nhận đây là thời điểm của nhóm khách sạn hạng trung nhờ vào giá thấp hơn, ông Sven von Moock, Tổng quản lý khách sạn Norfolk, cho biết năm 2009 khách sạn đã giảm 38% về công suất phòng và 18% giá phòng. Trong sáu tháng đầu năm nay, việc kinh doanh của khách sạn có đỡ hơn nhờ tập trung vào lĩnh vực F&B (ăn uống). Trong năm nay, khách sạn vẫn tiếp tục chính sách giảm giá và tăng thêm nhiều dịch vụ cho khách. “Đa số khách của chúng tôi là doanh nhân, việc họ cắt giảm chi phí trong thời điểm khó khăn này là đương nhiên và khi đó những khách sạn giá thấp hơn sẽ được chọn”, ông nói.

Khi tìm hiểu tình hình tại các khách sạn 4-5 sao ở TPHCM, theo thông tin riêng của chúng tôi, các khách sạn trong nhóm này đều có mức giảm khá lớn về công suất phòng, có nơi chỉ đạt 40-50%, giá phòng có giảm chút ít.

Theo báo cáo của Grant Thornton, trong năm 2009, công suất khai thác phòng ở các khách sạn 5 sao giảm bình quân 6,3%, các khách sạn 4 sao giảm 14,1%. Về giá phòng, trong năm 2009 các khách sạn 5 sao giảm bình quân 33,5%.

Một đặc điểm chung của các khách sạn 4-5 sao hiện nay là tập trung khai thác lĩnh vực F&B và cắt giảm những chi phí không cần thiết, bao gồm cả lĩnh vực nhân sự. Bên cạnh đó, để duy trì công suất phòng, các khách sạn này đang đưa ra nhiều chương trình giảm giá.

Theo ông Moock ở khách sạn Norfolk và các công ty lữ hành, thời kỳ hoàng kim của nhóm khách sạn trung bình hiện nay chỉ là tạm thời. Nhóm khách sạn cao cấp sẽ lấy lại vị thế của mình và phát triển hơn nữa khi nền kinh tế hồi phục. “Khi kinh tế hồi phục, khách chắc chắn sẽ quay lại những khách sạn 4-5 sao vì ngoài chất lượng dịch vụ, khách còn được hưởng giá tốt hơn và một số lợi ích cộng thêm”, ông Moock nói.

Ông Huê ở Công ty Vòng Tròn Việt thì cho biết: “Khó khăn của khách sạn cao cấp chỉ là tạm thời. Khi đã quen đi du lịch, khách sẽ chọn khách sạn có dịch vụ tốt hơn dù phải trả nhiều tiền hơn. Vì vậy có lẽ du khách nước ngoài sẽ nhanh chóng quay lại với các khách sạn 4-5 sao, còn tỷ lệ khách du lịch trong nước chọn các khách sạn 3 sao sẽ đạt 40-50% trong 1-2 năm tới”.

Theo ông Huê, thời gian gần đây nhiều khách du lịch trong nước đi nhóm nhỏ cũng thích ở khách sạn 3 hoặc 4 sao. Đây là xu hướng “tách nhóm” trong thị trường du lịch nội địa và có lẽ sẽ còn tăng lên trong thời gian tới”. Bản thân ông Huê cũng mong muốn ký hợp đồng với những khách sạn có dịch vụ và giá tốt, ổn định.

Về phần mình, ông Long ở Công ty Bông Sen cho biết sắp tới nhóm khách sạn 2-3 sao phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn. Để tiếp tục thu hút được lượng khách như hiện nay, Bông Sen sẽ tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, kết hợp chặt chẽ với các công ty lữ hành, các mạng bán phòng trực tuyến, đồng thời tập trung phát triển thị trường khách thương nhân.

Còn với khách sạn Saphire, việc đơn giản để giữ khách là cam kết giữ giá trong năm 2010 và năm 2011.

Theo các chuyên gia trong ngành, có hai khả năng trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn trong thời gian tới: hoặc hai nhóm khách sạn trên sẽ đổi vị trí cho nhau; hoặc sau giai đoạn điều chỉnh, cả hai nhóm khách sạn này đều có những bước phát triển bền vững khi nền kinh tế phát triển trở lại.

(Theo Trung Châu // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Thị trường hàng không hồi phục mạnh
  • Ít doanh nghiệp liên doanh làm outbound
  • Khách sạn lạc quan trong mùa thấp điểm
  • Đề xuất sửa tiêu chuẩn cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế
  • Ðánh thức tiềm năng du lịch ở Bắc Cạn
  • Bao giờ tổ chức được du lịch đường sông?
  • Hơn một triệu lượt du khách trảy hội chùa Hương
  • Huế phát động người nghèo cùng phát triển du lịch
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com