Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trăn trở cùng du lịch biển Thanh Hóa

Bình minh trên biển Sầm Sơn (Thanh Hóa).
Thanh Hóa là tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đặc trưng. Trong đó, du lịch biển chiếm một vị trí quan trọng, hằng năm thu hút một số lượng lớn du khách. Tuy nhiên, du lịch biển Thanh Hoá vẫn còn mang tính mùa vụ, công tác quản lý còn nhiều bất cập, do đó doanh thu chưa cao. Ðiều này đòi hỏi cần có những giải pháp hữu hiệu trong phát triển thời gian tới.

 

Phát triển chưa tương xứng tiềm năng

 

 Thanh Hóa có 102 km bờ biển trải dài bằng phẳng, nhiều bãi cát trắng, mịn màng, nước trong và độ mặn vừa phải, hội đủ các điều kiện phát triển du lịch. Năm 2007, tỉnh đã kỷ niệm 100 năm du lịch Sầm Sơn. Ðây không chỉ là điểm du lịch biển hấp dẫn mà còn đóng vai trò chủ yếu trên nhiều phương diện, tạo tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và phát triển tương đối toàn diện cho du lịch Thanh Hóa. Bên cạnh Sầm Sơn, một số khu du lịch biển cũng đang được triển khai xây dựng như Hải Tiến, Hải Hòa, Nghi Sơn... Các khu du lịch này đang thu hút đầu tư 37 dự án quy mô lớn và hiện đại với tổng vốn đầu tư khoảng 13.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, những năm qua, sự phát triển của du lịch biển Thanh Hóa còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được những yêu cầu của phát triển, vẫn mang tính mùa vụ. Mỗi năm, bình quân, du lịch biển Thanh Hóa chỉ đón chưa tới 90 ngày khách. Cơ cấu khách chậm được chuyển đổi, chủ yếu vẫn là khách du lịch nội địa. Hoạt động đầu tư du lịch chưa phát huy tốt các nguồn lực du lịch, tiến độ đầu tư của các dự án kinh doanh rất chậm, thu nhập từ du lịch biển còn khá khiêm tốn...

 

Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu: Nhận thức về vai trò và sự phát triển bền vững du lịch của cộng đồng và chính quyền các cấp đặc biệt là các doanh nghiệp chưa theo kịp với yêu cầu hội nhập. Tư tưởng kinh doanh mùa vụ vẫn luôn thường trực chính vì vậy mà các hoạt động phục vụ thiếu tính chuyên nghiệp và thường tạo ra những áp lực từ nhiều phía, nhiều lĩnh vực không thể giải quyết đồng thời một lúc. Những mâu thuẫn luôn phải được quan tâm giải quyết giữa xã hội hóa các hoạt động du lịch vì cuộc sống của cộng đồng với phát triển bền vững và nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch; sự tồn tại của các nhà khách, nhà nghỉ với yêu cầu nâng cao chất lượng phục vụ và tạo môi trường bình đẳng trong hoạt động kinh doanh... đang là những vấn đề khó khăn nhất hiện nay. Công tác quy hoạch và quản lý nhà nước về quy hoạch thiếu thống nhất và tập trung. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang tính xã hội hóa cao, sản phẩm du lịch có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, thế nhưng khi xây dựng quy hoạch thiếu sự phối hợp và thống nhất do đó nhiều quy hoạch cho ra các sản phẩm giống nhau mà không thấy những dấu ấn đặc trưng của sản phẩm từ các quy hoạch đó. Các tiêu chí cơ bản cho một quy hoạch du lịch chưa được xây dựng dựa trên tính chất, yêu cầu của sản phẩm du lịch mà chủ yếu chỉ vận dụng các tiêu chí xác định không gian xây dựng là chủ yếu (quy hoạch du lịch biển chưa đề cập đến nghiên cứu về biển là một thí dụ). Chính vì vậy mà các quy hoạch chưa có tính khả thi cao và thường phải điều chỉnh liên tục. Từ hạn chế về sự vận dụng quy hoạch xây dựng và quy định của Luật Du lịch có những bất cập rất khó thực hiện (quy hoạch để xây dựng khu du lịch quốc gia trước hay các khu du lịch quốc gia rồi mới làm quy hoạch). Vì vậy, càng không thể tính đến tiêu chí để xây dựng quy hoạch cho một loại hình du lịch (hay sản phẩm du lịch) như quy hoạch du lịch biển là một thí dụ.

 

Năng lực quản lý nhà nước về đầu tư và du lịch cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Sự phân cấp quản lý về du lịch đang gặp những trở ngại khi giải quyết mối quan hệ giữa quản lý nhà nước theo đơn vị hành chính với quản lý chuyên ngành. Sự phối hợp giữa các địa phương trong vùng, giữa các ngành chức năng trong quy hoạch và đầu tư phát triển du lịch cũng như kết hợp các mục tiêu để phát triển kinh tế, xã hội còn có nhiều bất cập. Ðịnh hướng và dự báo vĩ mô về một số loại hình dịch vụ du lịch biển còn thiếu và yếu, chưa tiếp cận các dịch vụ du lịch biển mới để tạo ra sự đa dạng về sản phẩm nhằm phát huy tốt các tài nguyên du lịch biển của mỗi địa phương mà không bị nhàm chán đối với du khách. Phát triển du lịch biển chưa đồng thời với phát triển các loại hình du lịch khác như du lịch văn hóa, du lịch khám phá, mạo hiểm, cho nên chưa khắc phục được yếu tố mùa vụ của du lịch biển và hiện nay tính mùa vụ đang là những tác động đến môi trường đầu tư và kinh doanh du lịch. 

 

Ðiều cần phải làm

 

Tài nguyên là điều kiện cần có, vấn đề là phải xác lập được một cơ chế mà ở đó hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước cùng với sự đồng thuận của cộng đồng và các nhà doanh nghiệp là vô cùng quan trọng để trở thành điều kiện đủ. Thời gian qua ngành du lịch Thanh Hóa đã tham mưu cho cấp ủy chính quyền và chủ động phối hợp các ngành chức năng xác định chiến lược phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch biển nhằm khắc phục yếu tố mùa vụ, chú trọng yếu tố chuyên nghiệp để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ du lịch mang tính đặc trưng và có chất lượng cao thông qua quy hoạch cụ thể các khu du lịch ven biển. Xu hướng chung là quy hoạch để tạo ra các khu du lịch biển gần gũi với thiên nhiên, quy mô lớn, hiện đại, đa dạng dịch vụ và có tính chuyên nghiệp cao.

 

Cùng với công tác quy hoạch, việc thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu cần phải được triển khai trước một bước như đường giao thông, đường điện và nhất là hệ thống thoát nước. Ðối với khu du lịch biển, hệ thống thoát nước thải là rất tốn kém và rất quan trọng và muốn làm được điều này đồng nghĩa với việc quản lý thực hiện đúng quy hoạch đối với các nhà đầu tư. Quan tâm nâng cao nhận thức, văn hóa và đời sống cộng đồng tại các khu du lịch, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng trong đời sống  của nhân dân về trách nhiệm đối với sự nghiệp phát triển du lịch. Mặt khác coi trọng công tác xã hội hóa các hoạt động du lịch không có nghĩa là tất cả làm du lịch, nhất là đối với các hoạt động kinh doanh tại các khu du lịch biển vốn đang lệ thuộc rất nhiều vào mùa vụ. Phải coi trọng chất lượng nguồn nhân lực, vừa phải bảo đảm chất lượng sống của cộng đồng, đồng thời phải nâng cao tính chuyên nghiệp cả trong tổ chức quản lý và hoạt động kinh doanh. Vấn đề này được đặc biệt quan tâm ngay khi làm quy hoạch du lịch, quy hoạch khu dân cư gắn với việc phát triển ngành nghề, dịch vụ tại các khu du lịch biển mới đang xây dựng và bên ngoài khu du lịch, có như vậy mới tạo ra được một môi trường phát triển thuận lợi...

 

 Du lịch là một ngành kinh tế đặc thù và du lịch biển cũng là một loại hình du lịch đặc thù. Nên chăng, Chính phủ cần ban hành chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển du lịch biển đảo cho các địa phương, trong đó có Thanh Hóa. Khẩn trương quy hoạch du lịch biển, đảo chung của cả nước để từ đó định ra chiến lược phát triển sản phẩm du lịch biển đảo một cách khả thi. Có như vậy, mới tránh được những thủ tục hành chính nặng nề, tránh được những sai lầm đã qua và có điều kiện phát triển đa dạng hơn.

 


Doãn Văn Phú

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

(Theo báo Nhân dân điện tử)

  • Du lịch Huế và những chuyện không hiểu nổi
  • Cả huyện ăn côn trùng
  • Sơn La: Chuyện lạ ở xứ sở ăn bọ xít
  • Làm mới du lịch truyền thống
  • Tạo cơ hội mới cho du lịch Tây Nguyên
  • Du thuyền lớn nhất thế giới của Abramovich lộ diện
  • Palm Garden Beach Resort & Spa Hội An (Quảng Nam): Nơi hội ngộ xe cổ
  • Du lịch loay hoay vượt “khủng hoảng”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com