Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Từ hai chuyến đi xúc tiến du lịch: Hy vọng cho những lần tới

Tổng cục Du lịch vừa tổ chức hai đoàn doanh nghiệp tham dự hội chợ tại Đức và Nga, có kinh phí phù hợp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, song những bất hợp lý trong sắp xếp để lại nhiều ấn tượng không vui nơi doanh nghiệp.

Trước khi tham dự hội chợ ITB (Đức, ngày 10 – 14.3) và MITT (Nga, 17 – 20), vào đầu tháng 1.2010, lần đầu tiên tổng cục Du lịch công khai mời doanh nghiệp quảng cáo, tổ chức sự kiện chào giá và phương án thiết kế gian hàng du lịch Việt Nam. Đồng thời, tổng cục chi trả toàn bộ kinh phí thuê mặt bằng, xây dựng gian hàng nhằm nâng cao hiệu quả và chuyên nghiệp hoá công tác xúc tiến.

Các doanh nghiệp rất khó xử khi phải dùng chung bàn tiếp khách. Ảnh: T.L

Sắp xếp không hợp lý

Lượng người Đức đến dự hội chợ ITB 2010, hội chợ du lịch lớn nhất thế giới, đông gấp đôi năm ngoái do thị trường đang hồi phục mạnh sau khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, nhiều công ty lữ hành cho rằng đã vuột mất cơ hội khi thấy gian hàng Việt Nam… xấu nhất, khiến khách tham quan nghi ngờ luôn chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp.

Riêng ITB có hơn 40 doanh nghiệp tham dự – trong đó gần 40 là lữ hành – tăng gấp đôi năm 2009 vì chỉ phải nộp 300 euro thay vì 1.600 euro. Tuy nhiên, diện tích mặt bằng vẫn giữ nguyên như năm ngoái khiến lần đầu tiên đại đa số công ty lữ hành phải chịu cảnh hai doanh nghiệp ngồi chung một bàn tiếp khách.

Bà M., người tham dự chuyến đi, kể: “Sợ lộ bí mật kinh doanh, đồng nghiệp ngồi cùng phản ứng thái quá khiến tôi bỏ bàn suốt bốn ngày”. Với những người biết điều, thấy đối tác cũ của đồng nghiệp ngồi cạnh tới làm việc thì mình tế nhị ra chỗ khác… chơi! Nhưng khi khách vãng lai ghé vào, rất khó xử vì không biết ai phải bỏ “đi chơi”.

Đặc biệt, ngay trong cuộc họp đoàn trước khi sang Đức, nhiều công ty lữ hành có kinh nghiệm dự hội chợ nước ngoài đã phản đối cách sắp xếp hệ thống bàn tiếp khách theo cụm không hợp lý, chắc chắn khiến các doanh nghiệp ngồi ở vị trí khuất không thể đón được khách. Lãnh đạo tổng cục Du lịch và vụ Thị trường du lịch cũng chấp thuận phương án do doanh nghiệp đề xuất là bố trí bàn dọc theo ba mặt tiền gian hàng, vừa công bằng vừa tạo không gian thoáng đãng. Tuy nhiên, đến hội chợ vẫn thấy bàn bố trí theo thiết kế cũ (!?) “Những doanh nghiệp ngồi ở vị trí bất lợi phải nhao ra ngoài “bắt” khách ngay trước bàn doanh nghiệp khác, khiến mặt tiền gian hàng Việt Nam hết sức lộn xộn”, bà M. thất vọng nói.

Doanh nghiệp phải xấu hổ

Ông T., giám đốc một doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội thốt lên: “Đứng trong gian hàng của tổng cục Du lịch ở ITB, tôi thấy xấu hổ. Ánh sáng thiếu. Nhiều phông quảng cáo nhăn nhúm. Bàn ghế tiếp khách thuộc loại rẻ tiền, không cùng chủng loại. Thảm trải sàn khu tổ chức tiệc trong tối khai mạc bị bật lên nhưng đến tiệc tối hôm sau vẫn chưa được khắc phục, không chỉ gây phản cảm mà còn khiến quan khách mải lấy ấn phẩm dễ bị vấp ngã”.

“Tôi thấy ngượng khi một đồng nghiệp Lào sang hỏi: các vị đặt hai cái cục gì đen đen trên kia vậy?”, ông T. thuật lại nhận xét về mô hình hòn Gà Chọi ngoài vịnh Hạ Long không có chú thích, thô kệch lại được đặt tại vị trí nổi bật trong gian hàng.

Doanh nghiệp cho biết, gian hàng Việt Nam ở ITB, từ cổng hội chợ phải mất tới 25 – 30 phút đi bộ hoặc xe buýt mới tới được nên nếu không thiết kế bắt mắt, tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn sẽ khó thu hút được khách. Trước khi đi, tổng cục Du lịch thông báo sẽ đưa đoàn nghệ thuật sang, trong gian hàng cũng thiết kế sân khấu nhưng chẳng ai biểu diễn. Khách mời đến dự tiệc chiêu đãi tối khai mạc đông nhưng do tổ chức không hấp dẫn, diễn giải dài dòng nên khách bỏ về khoảng một nửa.

“Họ không hề hiểu, khách đến dự tiệc nhằm tìm hiểu thực đơn thế nào, biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn không, gặp gỡ thêm đối tác ra sao”, nữ giám đốc một công ty lữ hành ở TP.HCM chán nản so sánh với gian hàng Campuchia, khách vừa tới dự tiệc đã được chủ nhà tặng quà, mời cụng ly, trên sân khấu nổi múa apsara rất đẹp.

Tại tiền ít, thời gian gấp?

Giám đốc công ty truyền thông Plan-o-rama Đoàn Hồng Hà, nhà thiết kế gian hàng tại ITB nói: “Gian hàng Việt Nam không đẹp bằng các quốc gia khác nhưng chúng tôi đã nỗ lực hết sức, cũng không tự quyết định cách thức tổ chức mà trình phương án lên tổng cục Du lịch rồi hai bên chỉnh sửa. Nếu tổng cục Du lịch trả thêm tiền, thời gian chuẩn bị không quá gấp gáp tất yếu gian hàng sẽ đẹp hơn thôi”.

Giám đốc điều hành công ty Luxury Travel Vietnam Phạm Hà cho biết thực ra, doanh nghiệp vừa và nhỏ rất muốn tham gia cùng gian hàng của tổng cục Du lịch vì chi phí giảm đáng kể. Tổng cục Du lịch còn tổ chức biểu diễn nghệ thuật, tiệc... góp phần đáng kể thu hút khách tới. Đối tác nước ngoài cũng tin tưởng hơn nếu thấy doanh nghiệp đứng dưới “mái nhà chung du lịch Việt Nam”. Do đó nhiều công ty sẵn sàng đóng góp thêm kinh phí để tổ chức gian hàng đẹp, chuyên nghiệp hơn…

Một quan chức theo đoàn (giấu tên) thừa nhận: “Xúc tiến như thế là thiếu chuyên nghiệp. Gian hàng Campuchia thuê nhân công Đức trang trí khéo léo, tinh tế, thể hiện sắc nét “điểm nhấn” (đền Angkor)…, đẹp hơn hẳn Việt Nam. Lãnh đạo tổng cục có theo đoàn, chắc chắn đã thấy những bất cập và sẽ rút kinh nghiệm trong những lần xúc tiến tới…”

(Theo Hiếu – Ngân // SGTT Online)

  • Cận lễ 30.4, lữ hành vẫn thừa chỗ
  • Du lịch-Hàng không song hành phát triển
  • Sang Israel, nhớ bỏ iPad ở nhà
  • Hai sự kiện quốc tế của ngành du lịch sắp diễn ra tại Việt Nam
  • Tiền Giang: Khách sạn tăng giá hơn 100% dù lễ hội trái cây chưa đến
  • Du lịch Tây Nguyên- Nam Trung bộ: Khi rừng “gặp” biển
  • Du lịch Bình Thuận- Tầm nhìn đến năm 2015
  • TransViet Training - nơi đào tạo nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com