Loại hình du lịch cộng đồng ở nông thôn Việt Nam đã thu hút được khách du lịch nước ngoài, nhưng Nhà nước và ngành du lịch chưa quan tâm đúng mức. Nông thôn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi được GS.TS. Ernst Sagemueller, Tổng giám đốc trường Du lịch châu Âu Đông Dương, “ví như vườn địa đàng và là một trong những vùng đẹp nhất của châu Á...”.
Với khí hậu trong lành, hệ thống sông ngòi chằng chịt thuận tiện cho việc lưu thông bằng đường thủy, các cánh đồng lúa bát ngát, các vườn cây ăn trái trĩu quả, khu rừng ngập mặn rộng bạt ngàn, vùng Đồng Tháp Mười hoang sơ, cộng với nền văn hóa đa dạng, lòng hiếu khách của người dân nơi đây... là những điều kiện rất tốt để ĐBSCL có thể xây dựng các làng, xã, các trung tâm du lịch sinh thái, cộng đồng.
Qua đó, đời sống của nhiều hộ nông dân và bộ mặt nông thôn trong các vùng du lịch sẽ được cải thiện, góp phần giải quyết công ăn việc làm ở nông thôn, đặc biệt trong bối cảnh dòng nhân lực đang có xu hướng chảy ngược từ thành thị về nông thôn do khủng hoảng kinh tế. Mặt khác, dịch vụ du lịch cộng đồng ở nông thôn còn giúp các làng nghề đang gặp khó khăn có thể tồn tại và phát triển thông qua việc xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tại chỗ...
Nước ta cũng đã có một số mô hình du lịch cộng đồng ở nông thôn như Hội An có dịch vụ du lịch nông thôn gắn với cộng đồng nông dân. Du khách trả 25 đô la Mỹ/ngày để được làm nông dân tại làng rau Trà Quế, Hội An. Một số tỉnh như Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang thì có loại hình nghỉ dưỡng homestay, tuy nhiên chất lượng dịch vụ chưa cao, hình thức sinh hoạt còn đơn điệu và thiếu sự liên kết...
Với mô hình du lịch cộng đồng ở nông thôn thì người nông dân là chủ thể chính. Họ có thể làm du lịch riêng lẻ một mình hoặc tổ chức các tổ hợp tác, hợp tác xã du lịch hoặc liên kết với các doanh nghiệp để đầu tư xây dựng những làng du lịch cộng đồng mang tính chuyên nghiệp cao.
Nếu được sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, giới khoa học, các doanh nghiệp du lịch và các gia đình nông dân biết chủ động kết hợp với nhau trên nguyên tắc cùng có lợi sẽ tạo ra được nhiều sản phẩm, nhiều địa chỉ du lịch nghỉ dưỡng cộng đồng, sinh thái hấp dẫn, đa dạng, chất lượng tốt với giá cả hợp lý. Từ đó sẽ làm tăng lợi thế cạnh tranh, thu hút du khách cho ngành du lịch ở các tỉnh ĐBSCL nói riêng và Nam bộ, cả nước nói chung.
(Theo Nguyễn Viết Thịnh/TBKTSG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com