TTCI cho thấy hạ tầng du lịch Việt Nam chưa được đầu tư thích đáng. |
Việt Nam được xếp thứ 89/133 về Chỉ số năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch (TTCI) trong Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch (TTCR) năm 2009, do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố.
Với mục tiêu "đánh giá các yếu tố và chính sách nhằm khuyến khích phát triển ngành lữ hành và du lịch ở các nước khác nhau", TTCI được tính dựa trên 3 nhóm chỉ số với các biến số tạo thuận lợi hoặc chi phối năng lực cạnh tranh.
Nhóm các chỉ số về khung pháp lý, gồm các thành phần: luật và các quy định chính sách; tính ổn định của môi trường; an toàn và an ninh; y tế và vệ sinh; Ưu tiên hóa ngành lữ hành và du lịch.
Nhóm chỉ số về hạ tầng cơ sở và môi trường kinh doanh, gồm: hạ tầng giao thông đường hàng không, đường bộ, công nghệ thông tin và truyền thông, cơ sở hạ tầng ngành du lịch, cạnh tranh về giá trong ngành. Nhóm chỉ số về nguồn lực con người, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên...
Chỉ số TTCI của Việt Nam đạt 3,70 so với 5,68 của nước đầu bảng là Thụy Sĩ, và 2,52 của nước đứng cuối bảng xếp hạng là Chad. Riêng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có 25 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng. Trong đó, Australia được xếp hạng cao nhất và Việt Nam ở vị trí 17/25. Trong số các nước ASEAN có mặt trong bảng xếp hạng, không có Lào và Mymamar, Việt Nam chỉ xếp trên Campuchia (ở vị trí 108/133).
So với bảng xếp hạng 2008, năm nay chỉ số TTCI của Việt Nam đã tăng lên 7 bậc. Tuy nhiên, xét kỹ các nhóm chỉ số chính và các chỉ số thành phần của TTCI, có thể thấy rõ hơn về vị thế của ngành lữ hành và du lịch Việt Nam.
Cụ thể, với nhóm chỉ số khung pháp lý, Việt Nam được xếp thứ 92/133 trong tất cả các quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng, thứ 20/27 các nước châu Á - Thái Bình Dương. Với nhóm chỉ số về môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng, Việt Nam xếp thứ 85/113 và 16/27. Nhóm chỉ số về nguồn nhân lực, tài nguyên văn hóa và môi trường, Việt Nam đạt thứ hạng 76/113 và 17/27...
Cụ thể hơn nữa, Việt Nam có ưu thế nhất về mức độ cạnh tranh giá (đứng thứ 11/133). Đây cũng chính là chỉ số thành phần cao nhất mà Việt Nam đạt được. Phải chăng điều này đã mang lại cho du lịch Việt Nam sự hấp dẫn đặc biệt bởi giá cả sinh hoạt, dịch vụ thấp...
Những chỉ số thành phần khác đóng góp vào thế mạnh cạnh tranh giá là vé và lệ phí sân bay (20/133), giá nhiên liệu (23/133), khách sạn (31/133).
Về nguồn nhân lực TTCI đánh giá Việt Nam ở mức trung bình kém (thứ hạng 82/133), nhưng lại có khả năng đáp ứng lao động có chất lượng cao đạt mức khá (thứ 40)... Về tài nguyên thiên nhiên, TTCI xác nhận Việt Nam có tiềm năng về số lượng di sản thế giới (đứng thứ 23), và tổng số loài sinh vật được biết thứ 21)...
TTCI cũng cho thấy nhiều chỉ số cụ thể khác. Ví như luật và các quy định chính sách còn yếu kém (đứng thứ 96/133), thể hiện qua các yêu cầu cao về thị thực nhập cảnh (thứ 116), thời hạn khởi sự doanh nghiệp lớn (thứ 112) và những hạn chế với những sở hữu nước ngoài (104).
Bên cạnh đó là tính bền vững của môi trường bị đánh giá kém (thứ 100) với tính khắt khe của các quy định môi trường (thứ 106), việc thực thi các quy định môi trường (93) và mối đe dọa các loài sinh vật (110).
An toàn và an ninh cũng bị đánh giá kém (xếp thứ 100), nhất là về các tai nạn giao thông đường bộ ở mức quá cao (116). Các tiêu chí khác về hạ tầng giao thông và hạ tầng du lịch đều có thứ hạng rất thấp. Chất lượng đường sá (thứ 102). Chất lượng cơ sở hạ tầng hàng không (thứ 84), mạng vận tải hàng không quốc tế (thứ 91). Hạ tầng du lịch chưa được đầu tư thích đáng (thứ 109), với số phòng khách sạn đạt mức trung bình kém (thứ 85) và việc sử dụng các loại thẻ thanh toán ATM rất kém (thứ 103)..
Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia hoạt động trong ngành lữ hành và du lịch Việt Nam thừa nhận rằng: các chỉ số được nêu trong báo cáo năng lực cạnh tranh lữ hành và du lịch được công bố như trên, thực tế chỉ mang tính tham khảo. Nhưng thông qua đây, ngành lữ hành và du lịch Việt Nam có thể xác định được chính xác hơn vị thế của mình so với thế giới và khu vực, để rồi xây dựng các chính sách, và giải pháp cần thiết nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, góp phần đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...
"Những ưu thế và các hạn chế đã được chỉ ra với các chỉ số được lượng hóa khá cụ thể, tuy có thể không hoàn toàn chính xác, nhưng là những dấu chỉ để chúng ta tiến bước nhanh và chuẩn xác hơn tới mục tiêu", một chuyên gia nói.
Cũng theo chuyên gia này, chúng ta cần phải nhìn sang các nước trong khu vực để tìm cho mình những kinh nghiệm. Nhưng trước mắt có thể khắc phục ngay những vấn đề về môi trường thiên nhiên, đặc biệt tại các nơi đã được công nhận là di sản thế giới (vịnh Hạ Long, động Phong Nha, Huế...), quan trọng là thực thi nghiêm ngặt và có hiệu lực các quy định bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản, di tích...
Đồng thời cải thiện nhanh chóng các quy định và chính sách liên quan đến phát triển du lịch, tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với du khách, chấm dứt các phiền hà không đáng có trong các thủ tục xuất nhập cảnh... Sớm cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn và an ninh. Đầu tư thích đáng cho các hoạt động quảng bá, marketing điểm đến.
(Theo THẠCH PHÙNG // Báo vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com