Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Châu Á là trung tâm chiến lược của G20

Cùng với sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi, G20 bao gồm cả các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển ngày càng thay thế G7 do các nước phát triển hợp thành, trở thành sân chơi mới lãnh đạo sự hợp tác kinh tế toàn cầu. Một báo cáo nghiên cứu kêu gọi, châu Á gồm cả hai nền kinh tế mới nổi lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ nên phát huy vai trò lớn hơn trên sân chơi toàn cầu này.

Theo báo cáo mà Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson tại Washington và Ngân hàng Phát triển châu Á ADB công bố hôm 25/4, cơ cấu quản lý kinh tế toàn cầu mới cần phải phản ánh được sự thay đổi tỷ trọng của các nền kinh tế mới nổi trong nền kinh tế toàn cầu, sự tham gia của châu Á tại G20 đã phát huy vai trò then chốt trong việc tái cân bằng nền kinh tế toàn cầu và tìm kiếm sự phát triển lâu dài.

Phát biểu trước buổi hội thảo cùng ngày (25/4), Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson – ông C. Fred Bergsten cho rằng, các nền kinh tế mới nổi của châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc đang trở thành động lực chính cho phục hồi kinh tế thế giới, do đó các nước này nên đảm nhận vai trò lãnh đạo trong quá trình tái cân bằng kinh tế toàn cầu. Bởi vì làm như vậy đồng nghĩa họ nhìn nhận vấn đề từ lợi ích lâu dài của toàn cầu chứ không chỉ là từ lợi ích ngắn hạn của bản thân mỗi nước.

Theo ông: “Một vấn đề quan trọng đương nhiên là liệu bản thân một vài nước mới nổi có bằng lòng nhận trách nhiệm của họ trong cơ chế lãnh đạo toàn cầu hay không. Tôi không hẳn nói rằng, bản thân Mỹ hay nhóm G7 truyền thống đang gánh một sứ mệnh vinh quang, họ luôn đặt lợi ích toàn cầu lên trên hết, luôn tiến hành hợp tác phối hợp có hiệu quả tuy nhiên nhóm G7 đương nhiên bao gồm cả Mỹ lại thường có khuynh hướng xem xét các vấn đề theo góc độ toàn cầu, nhìn nhận vấn đề theo góc độ truyền thống, ít nhất họ đang thử tìm kiếm chiến lược khả thi mang tính hệ thống, lâu dài từ kết quả kinh tế toàn cầu”.

Bản báo cáo của Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson và Ngân hàng ADB cũng chỉ ra rằng, châu Á đang nỗ lực thúc đẩy tái cân bằng kinh tế toàn cầu bao gồm ở hai phương diện, một là tăng cường thương mại trong khu vực, mặt khác kích thích nhu cầu nội địa.

Chủ nhiệm Văn phòng tích hợp kinh tế khu vực của ADB – ông Ewan Anthony cho biết, khi nói đến vấn đề tái cân bằng, điều được nói tới nhiều nhất là các nền kinh tế mới nổi cần phải nâng cao nhu cầu nội địa, nhưng đối với các nước châu Á, điều này không phải là toàn bộ của sự tái cân bằng.

Theo ông: “Khi tôi và các nhà lãnh đạo và Bộ trưởng các nước châu Á đối thoại, tôi hiểu rằng việc tái cân bằng mà họ nói tới không chỉ là chuyển đổi mô hình kinh tế dựa vào nhu cầu nội địa, đây là một phương diện mà mọi người thường cân nhắc khi nói đến vấn đề tái cân bằng, đặc biệt là châu Á có rất nhiều quốc gia có thặng dư thương mại, mọi người cho rằng, họ cần cắt giảm xuất khẩu, đây là một phương diện của tái cân bằng, nhưng không phải là toàn bộ. Sự tái cân bằng mà họ nói tới là tìm cách làm thế nào để tăng thêm phương thức thương mại trong khu vực”.

Ông Anthony cho biết thêm, mấy năm qua, châu Á đặc biệt là mô hình thương mại của các nước Đông Á ngày càng hiện rõ chiều hướng: Mặc dù đa số hàng hóa vẫn xuất khẩu sang các nước công nghiệp hóa, nhưng thương mại trong khu vực của sản phẩm trung gian ngày càng tăng lên.

Cũng theo báo cáo của Viện nghiên cứu Peterson và ADB, mặc dù đối với các nước châu Á, như Trung Quốc, việc nâng cao nhu cầu nội địa vô cùng quan trọng, nhưng đối với những nước theo mô hình dựa vào xuất khẩu mà nói, chuyển nhu cầu ngoại địa thành nhu cầu nội địa là không khả thi.

Hơn nữa, do các nền kinh tế phát triển phục hồi chậm chạp sau khủng hoảng, nhu cầu yếu ớt, nên các nước châu Á không thể lại hoàn toàn phụ thuộc vào việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước phát triển. Báo cáo cho rằng, việc gia tăng thương mại hàng hóa trong khu vực sẽ là mô hình phát triển có tính lâu dài hơn, do đó việc hủy bỏ rào cản thương mại trong khu vực quan trọng hơn đối với các nước châu Á.

(Vitinfo)