Hai chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Trung Quốc đang hối thúc chính phủ nước này để đồng Nhân dân tệ (NDT) tự do thả nổi, nhằm hạn chế dự trữ ngoại hối khổng lồ của Trung Quốc, kiềm chế lạm phát và thúc đẩy một phương thức chuyển đổi mô hình tăng trưởng nước này.
Nhà kinh tế Huang Yiping đến từ Trung tâm nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Đại học Bắc Kinh đã bày tỏ với “Nhật báo Phố Wall” rằng, Trung Quốc nên nhanh chóng ngừng thu mua ngoại tệ từ thị trường.
Theo ông Huang Yiping, thả nổi dự đồng nội tệ có thể là sự thả nổi có điều kiện, để thị trường quyết định sự cao thấp tỷ giá. Ông này còn cho biết thêm, trong tình cảnh thả nổi có điều kiện, trong một năm đồng Nhân dân tệ sẽ tăng giá khoảng 30%, tỷ giá quy đổi USD sẽ tăng lên 1USD đổi được 5NDT.
Cũng có quan điểm tương tự với ông Huang còn có cựu cố vấn của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC), giáo sư của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc – ông Yu Yongding. Tháng 3/2011, ông Yu đã công bố một bài viết mang tên “Tỷ giá đồng nội tệ phải học cách thả nổi”. Theo quan điểm của ông, chính phủ Trung Quốc “nên giúp các doanh nghiệp và công nhân vượt qua tình hình khó khăn do đồng NDT tăng giá gây ra”.
Hai chuyên gia kinh tế này đều cho biết, họ đã trao đổi ý kiến làm thế nào để quản lý đồng nội tệ thả nổi tự do. Theo ông Huang, ông đã tuyên truyền quan điểm này tại PBOC, Bộ Tài chính và Ủy ban Phát triển cải cách quốc gia. Đến giờ, đề nghị này vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn đang nỗ lực kiềm chế bước tăng giá của đồng NDT, bình quân mỗi tháng tăng xấp xỉ 5%.
Hiện giờ, PBOC và các ủy viên khác đang dùng uy tín của hai chuyên gia này để thuyết phục hai cơ quan hoạch định chính sách là Quốc vụ viện và Bộ chính trị Trung Quốc, hy vọng họ có thể thay đổi phương hướng chính sách.
Ông Huang cho rằng, thả nổi tự do đồng nội tệ phải có hai điều kiện chính, một là phải khống chế chặt đầu tư chứng khoán, bảo đảm nhà đầu tư sẽ không phá hoại kinh tế vì sự đầu tư hay tháo vốn với quy mô lớn. Theo ông, nhà đầu tư có thể rút vốn, nhưng không thể đột ngột.
Điều kiện quan trọng thứ hai là biên độ thả nổi mỗi ngày của đồng NDT hạn chế từ 5% - 10%. Theo ông, điều này có thể thích hợp trong trường hợp xấu là khi niềm tin bị sụp đổ.
Tại sao phải cải cách như vậy? Theo giải thích của ông Huang, tất cả nhất định phải kết thúc sự tích lũy dự trữ ngoại tệ. Dự trữ ngoại hối khổng lồ đồng nghĩa chúng ta cho các nước vay tiền nhiều hơn, lợi nhuận thu về lại vô cùng ít: Tôi không biết dự trữ ngoại tệ của chúng ta có thể bảo đảm giá trị hay không, bởi vì ngoài USD chúng ta không có kênh đầu tư nào khác.
Để đồng NDT thả nổi tự do còn giúp PBOC không cần phải “bù lỗ”cho USD bằng cách phát hành trái phiếu NDT. Theo ông, sự bù lỗ này đã làm gia tăng thêm việc cung ứng tiền tệ, tăng lạm phát.
Hiệu quả chiến lược của việc để đồng NDT từ từ tăng giá như hiện nay không quá tốt, bởi vì các giao dịch viên vẫn đang đặt cược sự tăng giá dần dần của đồng NDT. Theo ông, việc tăng giá mạnh một lần cũng sẽ không khác biệt quá lớn. Nếu đồng nội tệ thả nổi tự do, nó sẽ tự tìm thấy mức tự nhiên cho mình, sau đó biến động lên xuống.
Hướng đi của đồng NDT có thể sẽ làm tổn thương các doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng theo ông Huang, muốn để Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai, phải để các doanh nghiệp xuất khẩu học cách sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn hoặc chuyển sản xuất của họ từ vùng duyên hải đến những nơi có mức lương thấp hơn. Theo ông này, khi tỷ giá chuyển động, tất cả các ngành cũng chuyển động theo, đây chính là cách để chúng ta có thể tăng trưởng bền vững.
Các quan chức ngân hàng trung ương tán thành quan điểm của ông Huang Yiping và ông Yu Yongding, nhưng họ không phải là người quyết định cuối cùng. Theo ông, vấn đề mấu chốt không phải là PBOC có đồng ý hay không mà là các nhà lãnh đạo cấp cao có đồng ý hay không.
(Vitinfo)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com