Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hai mươi năm suy thoái kinh tế ở Nhật Bản

Từ “phép lạ Đông Á” đến suy thoái liên tục kéo dài hàng thập kỷ, kinh tế Nhật Bản có nhiều bài học đáng để bên ngoài suy ngẫm.

 

 

"Phép lạ Đông Á"

Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản là nước đầu tiên trên thế giới tạo ra được mức tăng trưởng bền vững liên tục (hơn 10%/năm) từ giữa thập niên 1950 cho tới đầu thập niên 1970.

 

Việc kinh tế Nhật Bản liên tiếp tăng trưởng trong suốt các thập niên từ 50 đến 80 khiến mọi người kinh ngạc. Các nhà kinh tế đã gọi đây là “phép lạ Đông Á”, đồng thời họ xem Nhật Bản là một trong những nước thành công nhất trong lịch sử kinh tế thế giới.

 

Vào đầu thập niên 1980, kinh tế Nhật Bản phát triển mạnh mẽ và giá trị các tài sản như nhà đất, chứng khoán tăng vọt.

 

Giáo sư Takeo Hoshi thuộc khoa Quan hệ Kinh tế Quốc tế, Đại học California, San Diego, cho biết giá bất động sản tăng nhanh tới nỗi có lúc người ta cho rằng cung điện Hoàng gia ở Nhật trị giá bằng toàn thể đất đai bang California của Mỹ.



Giai đoạn suy thoái kéo dài

Tuy nhiên, tới cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, giá tất cả tài sản - trong đó có chứng khoán và địa ốc - bắt đầu tụt giảm và kinh tế Nhật Bản bắt đầu  suy thoái.

 

Vào năm 1991, giá chứng khoán giảm khoảng 50% và sau đó tiếp tục giảm trong suốt thập niên 1990 sang tận năm 2000. Giá đất đai cũng giảm nhưng chậm và nhẹ hơn giá chứng khoán. Tuy nhiên, tới giữa năm 2000, giá đất giảm trong khoảng từ 60 tới 70% so với lúc cao điểm.

 

Sự giảm giá nhà đất và chứng khoán kéo theo cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Tới năm 1995, các ngân hàng nhỏ đã phải đóng cửa và tới cuối thập niên 1990, Nhật Bản chìm vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Vào tháng 11/1997, cuộc khủng hoảng lên tới mức cao điểm và đến lúc này chính phủ Nhật phải ra tay hành động để cứu nguy.

 

Một trong những biện pháp chính phủ thực hiện là ban hành một cơ chế cho phép chính phủ tạm thời quốc hữu hóa các ngân hàng bị thua lỗ. Sau đó, chính phủ chấn chỉnh và vực dậy những ngân hàng này rồi bán lại cho tư nhân.

 

Trong giai đoạn kinh tế Nhật Bản lâm vào tình trạng suy thoái, nước này lại có nhiều thủ tướng khác nhau thay phiên nắm quyền lãnh đạo, do vậy các chính sách không được thực hiện một cách nhất quán và cương quyết đúng mức.

 

Chính phủ Nhật Bản vừa công bố gói kích cầu trị giá lên tới 18.000 tỷ yên (khoảng hơn 250 tỷ AUD). Đây là gói kích cầu lớn nhất trong số 9 gói Nhật Bản công bố trong thập niên qua.

 

Các nhà nghiên cứu cho rằng trong tình hình hiện nay, chính phủ Nhật Bản cần bơm thêm các gói kích cầu nữa để ngăn không cho quốc gia có nền kinh tế lớn nhất Châu Á này rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế.



Những yếu kém kinh tế

Từ nhiều năm qua, các chính sách tài chính của Nhật Bản được thực hiện một cách uyển chuyển để kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, nước này lại có mức nợ lớn nhất so với các quốc gia công nghiệp hóa tiên tiến khác.

Phương cách duy nhất để Nhật có thể duy trì mức nợ cao như vậy là nhờ mức lãi suất trong nước rất thấp. Nếu lãi suất tăng, Nhật sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng trong việc duy trì khoản nợ khổng lồ này.

Tình trạng thất nghiệp tại Nhật Bản lên cao tới mức kỷ lục, với 3,5 triệu người Nhật hiện thất nghiệp. Đây là mức thất nghiệp cao nhất kể từ khi Nhật Bản tiến hành thống kê về thất nghiệp từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay.

Từ những năm 1990 tới nay, nạn thất nghiệp xảy ra rất trầm trọng, đặc biệt là ở giới lao động trẻ. Nhiều sinh viên ra trường không kiếm được việc làm, đồng thời nhiều lao động trẻ cũng không giữ được việc làm cả ngày mà phải làm việc nửa ngày hoặc tạm thời bị thất nghiệp.

Tuy nhiên, hệ thống hỗ trợ gia đình tại Nhật Bản cũng có nhiều nét khác nhiều nước phương Tây.  Theo Giáo sư Kinh tế Charles Yuji Horioka của Đại học Osaka, sau khi tốt nghiệp, nếu không kiếm được việc làm thì giới trẻ vẫn tiếp tục sống chung với cha mẹ. Hình thức hỗ trợ gia đình này vẫn hiện hữu và tồn tại trong nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng có thể không mạnh mẽ bằng ở Nhật. Chính việc sống chung này đã giúp giảm nhẹ tác động xã hội do thất nghiệp gây ra.

Bên cạnh đó, tác động của tình trạng suy thoái đối với xã hội Nhật Bản không trầm trọng bằng Mỹ và nhiều quốc gia khác.

Trước tiên là do chính phủ không cắt giảm chi tiêu cho xã hội nhiều như các nước khác. Dĩ nhiên việc này khiến chính phủ bị thâm thủng ngân sách và các khoản nợ nần tăng cao.

Ngoài ra, để giúp người dân có thêm tiền, chính phủ đưa ra nhiều chương trình kích thích tài chính như cắt giảm thuế, giảm giá...


Bài học Nhật Bản

Bài học đầu tiên là chính sách tài chính. Hồi đầu thập niên 1990, các biện pháp kích cầu tài chính đã giúp kinh tế nước này hồi phục. Tuy nhiên, khi kinh tế bắt đầu phát triển, chính phủ đã phạm một sai lầm trong  năm 1996 khi tăng thuế và cắt giảm chi tiêu quá nhanh.

Do đó, giới hữu trách cần phải nhận diện được các khó khăn tài chính diễn ra sau khi chính phủ bơm vào các biện pháp kích cầu. Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp củng cố tài chính quá nhanh có thể đẩy kinh tế rơi trở lại vào tình trạng suy thoái. Đây là điều mà nhiều nước Châu Âu đang phải đối mặt hiện nay.

Bài học thứ nhì là chính sách tiền tệ, vốn từ trước tới nay vẫn chưa được chính phủ Nhật Bản thúc đẩy ở mức thích hợp.

Từ đầu thập niên 1990, Nhật Bản đã cắt dần mức lãi suất và cuối cùng tới mức lãi suất là con số không.

Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản không mạnh dạn đủ để thử nghiệm những chính sách tiền tệ mới như mua vào các tài sản. Sau nhiều lần lưỡng lự, cuối cùng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã thực hiện chính sách mua tài sản này. Trong khi đó tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã rất tích cực việc mua vào các tài sản.

Bài học thứ ba là chính sách ngân hàng. Nhật Bản rất chậm chạp trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng ngân hàng. Vào giữa thập niên 1990, các khoản nợ khó đòi đã bắt đầu phát sinh nhiều. Tuy nhiên, phải mất tới 7-8 năm, chính phủ Nhật Bản mới buộc được ngành ngân hàng ra tay hành động để xóa các khoản nợ khó đòi.

Minh Bích

(theo ABC) // Nguồn: Tầm Nhìn