Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vòng đàm phán Doha: Đấu trường giữa các nước phát triển và đang phát triển

Các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước Châu Phi, đã tỏ ra lo ngại về mưu toan của các quốc gia công nghiệp phát triển nhằm thay đổi tiến trình đàm phán của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

 

 
Vòng đàm phán Doha được khởi động vào năm 2001 nhằm khắc phục sự mất cân bằng dai dẳng trong hệ thống thương mại toàn cầu và cho phép các nước nghèo hơn hội nhập vào hệ thống này. Các nước công nghiệp phát triển khẳng định rằng quá trình đàm phán các chủ đề trọng tâm như đầu tư, chính sách cạnh tranh, an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu, mới chính là những vấn đề quan trọng của thế kỷ 21, chứ không cần hoàn tất các vấn đề cũ như miễn thuế và tiếp cận thị trường miễn hạn ngạch.  

Trong thời gian qua, một loạt các quốc gia phát triển tại Bắc Mỹ và Châu Âu đã triển khai kế hoạch nhằm thay thế khuôn khổ đàm phán của WTO, vốn cho phép tất cả các thành viên đều có tiếng nói trong thỏa thuận chung, sang chỉ dành quyền lợi này cho một số thành viên được lựa chọn. Lập luận của các nước phát triển là cách tiếp cận "mọi chuyện rồi sẽ ổn" hiện nay khiến cơ chế đàm phán trong các thỏa thuận thương mại hoạt động thiếu hiệu quả. Đại diện của Thụy Sĩ tại WTO, Luzius Wasescha, nói: "Nếu các chủ đề mới không được thảo luận trong khuôn khổ WTO, nhiều thành viên sẽ thảo luận riêng rẽ và tất nhiên, nhóm các quốc gia đang phát triển tại Châu Phi sẽ không được lợi vì điều này".
 
Trên thực tế, bất đồng giữa hai nhóm thành viên WTO nổ ra khi nhóm các nước đang phát triển muốn WTO và những thành viên quyền lực của thể chế này thực hiện cam kết thúc đẩy Vòng đàm phán Doha. Họ muốn những thắc mắc của họ trong tiến trình đàm phán thương mại tự do được giải quyết trước. Đại diện của Nam Phi tại WTO, Faizel Ismail, khẳng định: "Thay vì giải quyết vấn đề miễn thuế, tiếp cận thị trường miễn hạn ngạch, dỡ bỏ trợ cấp nông nghiệp trong sản phẩm bông và cho phép các nước nghèo hưởng lợi từ thương mại toàn cầu, một số quốc gia phát triển chỉ chú trọng vào các vấn đề của thế kỷ 21. Chú trọng vào các vấn đề thế kỷ 21 làm gì, khi mà thế giới chưa thể kết thúc những vướng mắc của thế kỷ 20, đặc biệt có liên quan tới quyền lợi thương mại các nước nghèo ở châu Phi".  

Về phần mình, Bộ trưởng Thương mại Australia, Craig Emerson, đã lên tiếng kêu gọi thực hiện một lộ trình mới trong tiến trình tự do hóa thương mại toàn cầu, trong đó nhấn mạnh vào việc lựa chọn những chủ đề chính của Vòng đàm phán Doha dựa trên khuôn khổ đa phương và đàm phán tay đôi trong các vấn đề mới. Quan điểm của Bộ trưởng Emerson đã để ngỏ những cách tiếp cận mang tính đối chọi trong tiến trình đàm phán đa phương của 153 thành viên WTO. Theo ông Emerson, tiến trình đàm phán tự do thương mại Doha là rất rộng lớn và phức tạp, với nhiều vướng mắc còn tồn tại khiến việc hoàn tất nó là rất khó khả thi. Tuy nhiên, một số nội dung của thỏa thuận Đôha có thể dễ dàng được giải quyết và các nước cần ưu tiên cho các nội dung này.
   
Đối với các chủ đề như chính sách cạnh tranh, đầu tư, biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng, Bộ trưởng Emerson kêu gọi các bị đồng cấp ở các nước khác cân nhắc việc thống nhất đàm phán các chủ đề đã được xác định, chứ không chỉ trong khuôn khổ Vòng đàm phán Doha hiện tại. Điều này sẽ tạo ra cơ chế để hiện đại hóa cách thức hoạt động của WTO và đảm bảo theo kịp nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu năng động.

Bất chấp sự phản đối của nhiều quốc gia châu Phi, ý tưởng của Bộ trưởng Emerson đã nhận được sự ủng hộ của không ít nền kinh tế phát triển.  


Việt Khoa  (theo IPS) // Nguồn: Tầm Nhìn

  • Kinh tế Thái Lan tê liệt, kinh tế thế giới lao đao
  • Khi người Hàn hết kiên nhẫn với tham nhũng
  • Huyền thoại về Trung Quốc và Ấn Độ ở châu Phi
  • Trung Quốc: Tăng trưởng trên nền tảng… một kho bom nổ chậm?
  • “Công xưởng thế giới” đã hết thời?
  • Điểm mặt những gia đình giàu nhất châu Á
  • Singapore có môi trường kinh doanh thân thiện nhất
  • Cha mẹ đến 'chợ tình' kiếm bạn đời cho con