Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những “quả bom hẹn giờ” ở Trung Quốc

Tuy vẫn tăng trưởng ở mức trên 9%, nhưng nợ xấu, giá nhà cao ngất ngưởng và cho vay phi pháp... đang trở thành “những quả bom hẹn giờ” đối với kinh tế-xã hội Trung Quốc.

 

 
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã chậm lại quý thứ ba liên tiếp, giữa lúc Bắc Kinh thắt chặt các hoạt động cho vay và tăng lãi suất do lo ngại lạm phát ngày một gia tăng

Theo các số liệu vừa công bố ngày 18/10 của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm 9,1% trong quý III/2011, thấp hơn mức tăng 9,5% của quý II và là mức tăng thấp nhất trong hai năm qua

Khi Trung Quốc công bố gói giải cứu gần 600 tỷ USD để chống đỡ tác động của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nhà hoạch định chính sách của nước này đã hào hứng lao vào các dự án cơ sở hạ tầng, mà cho đến nay vấn đề hiệu quả của một số dự án vẫn còn gây tranh cãi. Kết quả là họ đã tạo ra một núi nợ lên tới 10,7 nghìn tỷ nhân dân tệ (CNY) tính đến cuối năm 2010. Chính phủ Trung Quốc dự đoán 2,5 nghìn tỷ đến 3 nghìn tỷ CNY trong đó sẽ trở thành nợ xấu, trong khi Standard & Poor's cảnh báo khoảng 8 nghìn tỷ đến 9 nghìn tỷ NDT, tương đương khoảng 1,2 nghìn đến 1,4 nghìn tỷ USD, không thể thu hồi được. Hay nói cách khác, nguy cơ vỡ nợ tiềm ẩn thậm chí còn lớn hơn chương trình giải cứu 700 tỷ USD của Mỹ trong cuộc khủng hoảng 2008.     
 
Giá nhà cao có thể tạo ra mối đe dọa đối với sự ổn định xã hội lớn hơn là về tài chính. Điều này giải thích tại sao hơn 18 tháng qua, Trung Quốc đã mạnh tay xử lý những nhà đầu cơ bất động sản để cố gắng hạ nhiệt giá nhà. Hồi tháng 7, Trung Quốc đã mở rộng danh sách các thành phố bị hạn chế số căn hộ mà một gia đình có thể mua, lên khoảng 40 thành phố, trong đó có Bắc Kinh và Thượng Hải. Trước đó, trong tháng 1/2011, Trung Quốc đã nâng tỷ lệ nộp tiền mặt tối thiểu khi mua căn nhà thứ hai từ 50% lên 60% giá trị ngôi nhà. Ngoài ra, Trung Quốc còn yêu cầu các ngân hàng quốc doanh cắt giảm cho vay. Nếu tiếp tục tiến trình đó, Trung Quốc có thể trở thành một trong số vài nước làm bong bóng bất động sản "xì hơi" thành công. Song nếu kinh tế toàn cầu suy thoái, những vấn đề nhà đất của Trung Quốc sẽ nghiêm trọng hơn.    
 
Khảo sát của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC – Ngân hàng Trung ương) hồi giữa tháng 9 cho thấy 76% cư dân đô thị cho rằng giá bất động sản quá cao và 38% dự đoán giá sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, cả hai tỷ lệ này đều cao hơn so với kết quả thăm dò giữa tháng 6. Theo số liệu của IMF, một căn hộ 70 m2 ở Bắc Kinh có giá gấp khoảng 20 lần thu nhập khả dụng trung bình hàng năm của một hộ gia đình, gấp bốn lần tỷ lệ này của cả nước và cao hơn 7 lần so với Mỹ. Ở Trung Quốc, người dân có xu hướng đầu tư vào bất động sản vì họ chỉ có một số ít lựa chọn khi thị trường chứng khoán biến động mạnh, thị trường vốn chưa phát triển còn lãi suất tiền gửi ngân hàng lại quá thấp không bù nổi mức lạm phát đang gia tăng.    
 
Ngành bất động sản chiếm khoảng 12% GDP của Trung Quốc, nhưng nó lại có ảnh hưởng rất rộng. Xây dựng nhà ở tạo ra nguồn nhu cầu quan trọng về thép, xi măng, đồng và các hàng hóa khác. Điều này có nghĩa giá nhà sụt giảm 10% có thể cắt giảm 1,2 điểm phần trăm tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bất động sản - cả thế chấp và vốn vay cho các nhà phát triển - chiếm khoảng 18% hồ sơ tín dụng của các ngân hàng. Nhiều nhà kinh tế đã đưa viễn cảnh thị trường nhà đất ảm đạm vào những dự báo năm 2012 của họ, những dự báo cho thấy tốc độ tăng trưởng Trung Quốc sẽ giảm từ mức 9,5% hiện tại xuống khoảng 8,5%. Nhà kinh tế Jian Chang của Barclays Capital dự đoán đến cuối năm nay, giá bất động sản ở Trung Quốc có thể giảm 10% so với mức đỉnh 2011

Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's hồi tháng 9 nhận định nếu giá nhà ở Trung Quốc giảm 30% sẽ là một điểm chuyển ngoặt đối với nhiều nhà phát triển bất động sản. Điều này sẽ trở thành nguy cơ lớn đối với các chủ nợ, cả ngân hàng và những nhà cho vay không chính thức. Các nhà phát triển bất động sản sẽ chần chừ trong việc mua đất của chính quyền địa phương vì tốc độ bán nhà mới chậm lại. Nhưng cho dù tốc độ xây dựng nhà ở thương mại có giảm thì Trung Quốc vẫn tăng cường phát triển "nhà ở xã hội" cho những hộ gia đình thu nhập thấp, với mục tiêu xây 10 triệu căn hộ trong năm nay và 36 triệu căn vào năm 2015.  

Còn theo Credit Suisse, sự tăng trưởng mạnh các khoản cho vay không chính thức là "quả bom hẹn giờ", tạo ra nguy cơ lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc hơn cả việc nợ của các chính quyền địa phương gia tăng. Credit Suisse ước tính đến nay quy mô cho vay không chính thức của Trung Quốc lên tới 4 nghìn tỷ NDT, tương đương khoảng 8% cho vay ngân hàng. Lãi suất đối với những khoản cho vay này cao tới 70% và những khoản vay này tăng với tốc độ 50% mỗi năm. Năm nay, các ngân hàng "đen" - các nhà cho vay ngầm và các công ty tín thác mở rộng tín dụng cho các cá nhân và doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn để vay tiền - đã cho các nhà phát triển bất động sản vay 208 tỷ NDT, gần bằng mức cho vay ngân hàng chính thức 211 tỷ NDT. Theo các nhà phân tích, nguy cơ là ngay cả các nhà phát triển bất động sản lành mạnh cũng trở nên dễ bị tổn thương hơn trước cuộc khủng hoảng về thanh khoản, trong bối cảnh lãi suất của những khoản vay này cao trong khi kỳ hạn lại ngắn

Barclays cho rằng suy giảm kinh tế toàn cầu có thể đẩy tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm xuống 7%, mức được coi là "hạ cánh cứng" vì nó quá yếu để tạo ra đủ việc làm theo kịp với tốc độ di dân đô thị. Sự sụt giảm mạnh như vậy có thể tạo ra vòng tác động tiêu cực, khuyến khích các nhà đầu tư bán mọi thứ - kể cả bất động sản. Tình trạng bán tháo có thể đẩy giá nhà tụt giảm hơn, và tác động sâu rộng hơn tới tốc độ tăng trưởng kinh tế. Và nguy cơ mất ổn định tài chính sẽ lớn hơn nếu hàng trăm nghìn doanh nghiệp phát triển bất động sản phá sản, các ngân hàng ngần ngại cho vay, có thể tạo ra vòng xoáy đi xuống

Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng Trung Quốc sẽ tránh để cho các “quả bom hẹn giờ” nói trên phát nổ.  Bắc Kinh có thể nới lỏng một số hạn chế về mua nhà được ban hành trước đây hoặc cắt giảm yêu cầu dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, hiện ở mức cao kỷ lục 21,5% đối với các ngân hàng lớn. Sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu sẽ phát đi tín hiệu mạnh mẽ đối với Bắc Kinh trong việc nới lỏng các điều kiện tín dụng đối với toàn bộ nền kinh tế chứ không chỉ trong lĩnh vực nhà đất. Hồi đầu năm, IMF đã đưa ra những đề xuất về chính sách nhà ở đối với Bắc Kinh. Đó là tăng lãi suất, phát triển các thị trường tài chính và áp dụng thuế bất động sản trên quy mô lớn


 Hải Yến

  (tổng hợp)// Theo Tầm Nhìn

 

  • Bất động sản Đà Nẵng: Thanh khoản kém, giá vẫn tăng
  • Vòng đàm phán Doha: Đấu trường giữa các nước phát triển và đang phát triển
  • Kinh tế Thái Lan tê liệt, kinh tế thế giới lao đao
  • Khi người Hàn hết kiên nhẫn với tham nhũng
  • Huyền thoại về Trung Quốc và Ấn Độ ở châu Phi
  • Trung Quốc: Tăng trưởng trên nền tảng… một kho bom nổ chậm?
  • “Công xưởng thế giới” đã hết thời?
  • Điểm mặt những gia đình giàu nhất châu Á