Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hạn hán tại Trung Quốc nặng nề nhất 50 năm qua

Người nông dân ở Hồ Bắc đang phải vật lộn với hạn hán. (Nguồn: Getty Images)
Miền Trung Trung Quốc đang trải qua đợt khô hạn nặng nề nhất trong hơn 50 năm qua, khiến lượng nước trong các hồ chứa giảm mạnh, ảnh hưởng đến trồng trọt và đe dọa nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng trong mùa Hè này.

Theo thống kê, từ tháng Giêng đến tháng Tư năm nay, lượng nước mưa tại lưu vực sông Dương Tử - con sông dài nhất và có ý nghĩa kinh tế quan trọng nhất ở Trung Quốc - đã giảm hơn 40% so với mức trung bình trong 50 năm qua.

Lượng nước mưa ở một số vùng khác cũng thấp hơn 80% so với trung bình hàng năm, trong khi mực nước tại hơn 1.300 hồ chứa ở tỉnh Hồ Bắc đã hạ xuống dưới mức có thể xả nước để phục vụ nông nghiệp.

Các tỉnh An Huy, Giang Tô, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Triết Giang và thành phố Thượng Hải cũng lâm vào cảnh hạn hán nghiêm trọng nhất kể từ năm 1954, khiến nhiều diện tích đất trồng không thể canh tác.

Theo cơ quan phân phối điện lực quốc gia Trung Quốc, hạn hán đang gây ra tình trạng thiếu điện nghiêm trọng trên 10 mạng lưới điện cấp tỉnh, trong đó có thành phố Thượng Hải và vùng Trùng Khánh đông dân cư ở Tây Nam Trung Quốc.

Theo tính toán, Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu tới 30GW điện trong mùa Hè này, mức cao nhất kể từ năm 2004.

Ngoài ra, hạn hán cũng đe dọa sự sống của nhiều loại thủy sinh trên sông Dương Tử, đặc biệt là loài cá heo nước ngọt đang có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Trước tình trạng trên, cơ quan phòng chống hạn hán và lũ lụt Trung Quốc đã ra lệnh tăng lượng nước xả tại đập Tam Hiệp thêm 10-20% trong hai tuần tới để cung cấp thêm lượng nước phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu cho vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử.
 
(TTXVN/Vietnam+)