Sự đổi mới trong chính sách kinh tế của Trung Quốc có thể gây ra những mâu thuẫn căng thẳng về lãi suất trên thị trường thế giới.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc không chỉ có ý nghĩa kinh tế đối với nước này mà nó có ý nghĩa quan trọng cho nền kinh tế toàn cầu.
Đặc điểm chính của kế hoạch này là sẽ thay đổi chính sách kinh tế từ tối đa hóa tốc độ tăng trưởng GDP sang đẩy mạnh tiêu thụ và nâng cao đời sống của người dân. Một điều đáng ngạc nhiên là sự thay đổi này có thể sẽ gây ra một tác động đáng kể tới các dòng vốn và lãi suất trên toàn thế giới.
Tỷ lệ tăng trưởng GDP cao của Trung Quốc trong thập kỷ qua đã làm tăng thu nhập thực tế của hàng trăm triệu người Trung Quốc. Nhưng mức lương thực tế và số tiền trong hoạt động tiêu dùng đã tăng chậm hơn so với tổng GDP của Trung Quốc.
Phần lớn thu nhập từ tăng trưởng GDP đều đổ vào các doanh nghiệp lớn của nhà nước để tăng cường sức mạnh độc quyền của họ. Và một phần đáng kể sản lượng của Trung Quốc được xuất khẩu ra nước ngoài. Khối lượng xuất khẩu lớn đã vượt nhập khẩu và tạo ra thặng dư tài khoản vãng lai trị giá hơn 350 tỷ USD trong năm qua.
Trung Quốc đang có kế hoạch nâng cao tốc độ tăng tiền lương thực tế và khuyến khích chi tiêu tiêu dùng, đồng thời chú trọng mở rộng các ngành dịch vụ và ít tập trung hơn vào hoạt động sản xuất.
Đồng Nhân dân tệ (NDT) tăng giá sẽ khiến các nhà sản xuất Trung Quốc chuyển trọng tâm từ thị trường xuất khẩu vào thị trường sản xuất nội địa. Tất cả điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ giảm tiết kiệm quốc gia và tăng chi tiêu của hộ gia đình. Trung Quốc hiện có tỷ lệ tiết kiệm cao nhất thế giới, có thể chiếm tới gần 50% GDP cả nước. Nó đóng một vai trò quan trọng đối với quốc gia này nói riêng và cả thế giới nói chung, bởi nó ảnh hưởng mạnh tới thặng dư tài khoản vãng lai của đất nước.
Hãy nhìn vào 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới để thấy sự khác biệt và tầm quan trọng của thặng dư tài khoản vãng lai. Trung Quốc, một đất nước tiết kiệm nhiều hơn đầu tư, có hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ và thặng dư tài khoản vãng lai lớn, rải vốn cho vay khắp thế giới, nhiều hơn cả World Bank. Trong khi Mỹ, một quốc gia đầu tư nhiều hơn tiết kiệm phải tìm mọi cách để thu hẹp thâm hụt thương mại do nhập khẩu quá nhiều và đang phải đi vay nợ khắp nơi để giải quyết các khó khăn tài chính. Và sự thật là Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất thế giới của Mỹ.
Chính xác hơn, số dư tài khoản vãng lai của một quốc gia phản ánh sự chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư của quốc gia này.
Trung Quốc giảm tiết kiệm có nghĩa là sẽ giảm thặng dư tài khoản vãng lai, và do đó sẽ giảm khả năng cho vay đối với Mỹ và các nước khác. Nếu tỷ lệ tiết kiệm giảm 5% GDP, Trung Quốc vẫn sẽ là nước có tỷ lệ tiết kiệm cao nhất thế giới, nhưng nó lại ảnh hưởng rất nhiều tới thặng dư tài khoản vãng lai khổng lồ mà Trung Quốc đã đạt được trong nhiều năm.
Điều đó rất có thể xảy ra khi kế hoạch 5 năm lần thứ 12 kết thúc. Nó sẽ tác động rất lớn đến thị trường vốn toàn cầu.
Giảm thặng dư tài khoản vãng lai, Trung Quốc sẽ không còn là nước mua ròng trái phiếu chính phủ Mỹ và các nước khác. Hơn nữa, nếu Chính phủ Trung Quốc và các công ty Trung Quốc muốn tiếp tục đầu tư vào các nguồn tài nguyên dầu mỏ ở nước ngoài, Trung Quốc sẽ phải bán trái phiếu Mỹ hoặc các khoản nợ có chủ quyền khác từ danh mục đầu tư của mình. Kết quả cuối cùng sẽ là mức lãi suất trái phiếu Mỹ và các nước khác trên thế giới tăng cao.
Nếu nhu cầu nhà ở của người Mỹ tăng lên và các doanh nghiệp muốn tăng đầu tư, điều này sẽ gây ra một mâu thuẫn lớn giữa tỷ lệ tiết kiệm ngày một thấp ở Trung Quốc và thâm hụt tài chính ngày càng cao ở Mỹ. Kết quả là, lãi suất toàn cầu sẽ tăng đáng kể.
--------------------
Tuyết Mai
Theo ProjectSyndicate// DVT
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com