Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế Nhật sẽ “quật khởi” nhờ rượu sake?

picture
Với lịch sử trên 2.000 năm, sake đã trở thành một phần của nước Nhật giống như môn vật sumo hay món ăn sushi.

Nhật Bản từ lâu đã được biết đến là một nước xuất khẩu xe hơi và hàng công nghệ cao. Tuy nhiên, hiện tại quốc gia này đang tính biến thức uống truyền thống, rượu sake, thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực để hỗ trợ nền kinh tế.

Theo hãng tin CNBC, Nhật Bản đang muốn đưa loại rượu gạo truyền thống của họ thành một phần trong chiến lược tăng trưởng quốc gia. Sản phẩm này sẽ được hướng ra các thị trường nước ngoài để thúc đẩy du lịch và đầu tư, từ đó hỗ trợ cho các vùng nông thôn đang phải vật lộn với khó khăn.

Kế hoạch trên là ý tưởng của Bộ trưởng Bộ Kinh tế Motohisa Furukawa. Ông đã nảy ra sáng kiến này khi nhận ra rằng các khách mời tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos rất quen thuộc với rượu sake. Do đó, ông đã quyết định lập ban dự án “Thưởng thức rượu truyền thống Nhật Bản” với 6 thành viên.

Cuộc họp đầu tiên của nhóm cố vấn dự án này đã diễn ra vào cuối tháng 5 vừa qua. Nội dung cơ bản của dự án là thúc đẩy sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế đối với rượu sake cũng như shochu, những thức uống có cồn được tinh chế từ lúa mạch hay khoai tây, và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm này ra nước ngoài.

Nhiều chuyên gia về rượu sake đã ủng hộ ý tưởng của ông Furukawa. “Thứ thực sự có giá trị đối với các nước là những gì độc đáo, chỉ có ở quốc gia đó. Ở Nhật, đó chính là sake”, Philip Harper, một chuyên gia về rượu sake đến từ Anh quốc cho biết. Tôi nghĩ coi sake là chiến lược quốc gia là một việc rất ý nghĩa”.

Với lịch sử trên 2.000 năm, sake đã trở thành một phần của nước Nhật giống như môn vật sumo hay món ăn sushi. Song, những năm gần đây, loại rượu này không còn được ưa chuộng ngay ở quê nhà, do ngày càng có nhiều người chọn rượu vang, bia, cocktail. Vì thế, nhiều hãng sản xuất sake đã chuyển hướng ra nước ngoài.

Họ hy vọng sẽ khiến người dân Nhật Bản thấy được sự phổ biến của loại rượu truyền thống này ở những nước như Mỹ, và từ đó sẽ quay lại với sake. Điều này sẽ giúp cho việc kinh doanh sake tại quê nhà trở nên khá khẩm hơn.

Chuyên gia Harper là một bằng chứng sống về mức độ nổi tiếng của rượu sake ở phần thế giới bên ngoài nước Nhật. Ông đã từng tự làm rượu sake và biếu Thủ tướng Anh David Cameron khi ông Cameron tới thăm Nhật Bản hồi tháng 4.

Tuy nhiên, theo CNBC, để vượt qua được cái bóng lớn của vang Pháp hay rượu whisky của Scotland, sake còn phải trải qua một chặng đường dài. Do đó, theo Harper, sự tham dự của Chính phủ Nhật Bản là điều hết sức cần thiết, bởi nhiều hãng sản xuất sake Nhật Bản quá nhỏ để tự đưa sản phẩm của họ ra các thị trường thế giới.

Theo thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản, sản lượng xuất khẩu sake đã tăng gấp đôi trong thập niên vừa qua và chạm mức kỷ lục 14 triệu lít trong năm ngoái, mang lại doanh thu 110 triệu USD. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng một phần nhỏ so với mức tiêu thụ nội địa đạt trên 600 triệu lít trong năm tài khóa vừa qua.

(Theo Vneconomy)

  • Mỹ -Trung: Đối đầu hay đối thoại
  • Điện hạt nhân: Cứu cánh kinh tế Nhật Bản?
  • Trung Quốc ngày càng nhiều “tàu ma”
  • Những thay đổi khác thường ở Triều Tiên
  • Người Trung Quốc mê hàng hiệu 'fake' và đồ nhái
  • Malaysia: Đi lên từ thương mại hóa R&D
  • Kinh tế Triều Tiên bất ngờ khởi sắc
  • Kinh tế Trung Quốc: Voi cưỡi xe đạp lao dốc?