Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế Thái Lan tê liệt, kinh tế thế giới lao đao

Trong lúc Chính phủ Thái Lan đang vật lộn để tìm mọi cách thoát khỏi cơn đại hồng thủy lớn nhất 50 năm qua thì các nhà hoạch định kinh tế đang tính đến một viễn cảnh ảm đạm cho nền kinh tế của vương quốc này.

 

Xe hơi tại nhà máy Honda kẹt trong biển lũ từ ngày 16-10 đến nay - Ảnh: AFP

Những cánh đồng lúa ở hai tỉnh Pathum Thani, Nonthaburi và các tỉnh thành khác đã chìm trong biển nước từ nhiều ngày qua. Các nông trại chăn nuôi bỏ trống khiến nguồn cung thực phẩm cho những phần còn lại của Thái Lan gần như bị tê liệt vì dòng nước lũ.

Nông nghiệp, công nghiệp “chìm”

 

Công ty dịch vụ tài chính Moody’s ước tính tổng thiệt hại từ thiên tai của Thái Lan là 6,6 tỉ USD, tương đương 2% GDP của nước này.

Công nghiệp chế biến thực phẩm của Thái Lan, nước nổi tiếng là “nhà bếp của thế giới”, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nông nghiệp của Thái Lan, nước xuất khẩu hàng đầu về lúa gạo, đang bị đe dọa khi 12,5% đất trồng trọt đã bị ngập nước.

Du lịch, một trong những ngành mũi nhọn của Thái Lan, cũng đang bị lũ cuốn trôi khi Mỹ, Nhật Bản đã kêu gọi công dân của họ hạn chế đến Thái Lan trong thời điểm này. Hai nước này, vốn đứng trong bảng 10 nước hàng đầu cho ngành du lịch của Thái Lan, cho biết có khoảng nửa triệu đến 1 triệu du khách trong tổng số 19 triệu du khách dự tính sẽ thay đổi điểm đến.

“Khoảng 14.000-15.000 doanh nghiệp của Thái Lan, chiếm khoảng 40-45% GDP của nước này, đã ngừng hoạt động” - ông Paul Dumont, chủ tịch các nhà tư vấn ngoại thương của Pháp, ước tính.

Theo Ngân hàng Trung ương Thái Lan (Bot), lũ lụt đã gây ảnh hưởng rất “nghiêm trọng và lan rộng” đến kinh tế Thái Lan, đặc biệt là ngành nông nghiệp và công nghiệp của nước này. Bot đã phải giảm mức dự báo tăng trưởng của Thái Lan năm 2011 từ 4,1% xuống còn 2,6%.

“Đang có nguy cơ Bangkok sẽ còn chìm trong nước lâu hơn dự tính. Thương mại, các lĩnh vực dịch vụ và ngành du lịch có thể bị ảnh hưởng nặng nề nếu lũ tràn vào nội ô Bangkok” - trợ lý thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Paiboon Kittisrikangwan đánh giá.

Nhà phân tích của Credit Suisse, Santitarn Sathirathai nhận định tăng trưởng kinh tế của Thái Lan sẽ giảm xuống dưới 2,4% nếu lũ lụt tiếp tục cản trở các hoạt động kinh tế ở Bangkok.

 

Thất nghiệp do các nhà máy đã bị đóng cửa trong khu vực bị ảnh hưởng ở bắc Bangkok - Ảnh: Reuters

Tác động dây chuyền

Sự tê liệt của nền kinh tế Thái Lan đã vượt khỏi biên giới của nước này. Báo Wall Street Journal nhận định trong lúc các nhà sản xuất Nhật Bản vẫn còn phải chống chọi những khó khăn từ ba thảm họa (động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân) từ sau ngày 11-3 thì nay lại phải đối mặt với thảm họa thứ tư: lũ lụt ở Thái Lan.

Thái Lan là một trong những trung tâm công nghiệp của Đông Nam Á, nơi sản xuất 60% ổ cứng cho ngành công nghiệp máy tính toàn thế giới và là nơi đặt các nhà máy sản xuất linh kiện của các tập đoàn xe hơi Nhật Bản như Toyota, Honda... Ít nhất bảy khu công nghiệp của Thái Lan với hơn 10.000 nhà máy đã bị ngập lụt, 660.000 lao động đang đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, phần lớn là các doanh nghiệp của Nhật Bản.

Thiệt hại kinh tế ước tính cho các nhà máy ở bảy khu công nghiệp này lên đến 140 tỉ baht (4,6 tỉ USD).

Toyota hồi đầu tuần đã phải điều chỉnh sản xuất tại các nhà máy ở Nhật Bản do nguồn cung linh kiện từ Thái Lan bị thiếu hụt. Tập đoàn này đã quyết định tạm đóng cửa bốn nhà máy ở Bắc Mỹ và đang tính đến phương án đưa hàng ngàn lao động của Toyota ở Thái Lan sang Nhật làm việc trong sáu tháng.

Theo nhà phân tích của Ngân hàng BNP Paribas, Koichi Sugimoto, nhà máy sản xuất xe hơi Honda Thái Lan sẽ đóng cửa ít nhất sáu tháng, lợi nhuận sẽ giảm 12% trong năm tài khóa đến tháng 3-2012.

Hai nhà máy của Sony ở bắc Bangkok đã bị chìm trong nước. Các dây chuyền sản xuất tại Nhật Bản và các nơi khác trên thế giới cũng đã cắt giảm sản lượng do phụ thuộc nguồn cung linh kiện từ Thái Lan. Tập đoàn Honda ở tỉnh Ayutthaya cũng đã phải ngừng sản xuất từ ngày 4-10.

Các nhà sản xuất ổ cứng máy tính như Toshiba, Tập đoàn kỹ thuật số Western đang phải đánh vật với bài toán giảm sản lượng và doanh thu trong những tháng cuối năm do ảnh hưởng lũ lụt ở Thái Lan. Theo Bloomberg, sản lượng của nhà máy sản xuất ổ cứng của Toshiba ở Thái Lan chiếm hơn một nửa sản lượng ổ cứng toàn cầu.

Ngân hàng AG của Đức dự tính các công ty bảo hiểm của Nhật Bản có thể phải đối mặt với tổn thất 2,5 tỉ USD để trả cho những thiệt hại mà các tập đoàn Nhật Bản ở Thái Lan đang gánh chịu.

MỸ LOAN

---------------------------------------------

 

“Chỉ số dễ tổn thương” là gì?

Các siêu đô thị có tốc độ phát triển nhanh ở châu Á và châu Phi đang đối mặt với nguy cơ cao nhất từ nước biển dâng, lụt và các ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu khác. Đó là cảnh báo vừa được đưa ra trong báo cáo Chỉ số dễ thương tổn trước biến đổi khí hậu toàn cầu 2012, nhằm hướng dẫn các nhà hoạch định kế hoạch cho thành phố và nhà đầu tư khi phân tích các nguy cơ do Công ty tư vấn và đánh giá rủi ro Maplecroft thực hiện.

Trong báo cáo lần thứ tư ra mắt ngày 26-10, ở tầm quốc gia, Việt Nam (thứ 23) cùng với Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ đã lọt vào danh sách 30 nước “có nguy cơ cực lớn”. Mười nước tốp đầu danh sách là Haiti, Bangladesh, Sierra Leone, Zimbabwe, Madagascar, Campuchia, Mozambique, CHDC Congo, Malawi và Philippines.

Maplecroft nhận định: hạ tầng ở nhiều thành phố đang phải căng ra để chịu đựng mức dân số tăng nhanh, khiến ứng phó với thảm họa trở nên kém hiệu quả, trong khi tần suất của thảm họa lại có xu hướng tăng và ở mức độ mạnh hơn.

H.NGUYỄN
----------------------------
Nguồn: Tuổi Trẻ

  • Khi người Hàn hết kiên nhẫn với tham nhũng
  • Huyền thoại về Trung Quốc và Ấn Độ ở châu Phi
  • Trung Quốc: Tăng trưởng trên nền tảng… một kho bom nổ chậm?
  • “Công xưởng thế giới” đã hết thời?
  • Điểm mặt những gia đình giàu nhất châu Á
  • Singapore có môi trường kinh doanh thân thiện nhất
  • Cha mẹ đến 'chợ tình' kiếm bạn đời cho con
  • Ấn Độ cổ động sinh con gái