Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lạm phát Trung Quốc sẽ theo xu hướng dài hạn

Các nhà kinh tế cho biết, lạm phát ở Trung Quốc, thay vì giảm xuống, sẽ có xu hướng đi cùng tăng trưởng kinh tế của nước này trong một thời gian dài.

Lạm phát của Trung Quốc vẫn ở mức cao trong tháng 4, bất chấp những nỗ lực của chính phủ nước này. Chỉ số giá tiêu dùng, thước đo chính của lạm phát, đã tăng 5,3% trong tháng 4, thấp hơn mức 5,4% trong tháng 3, song vẫn cao hơn so với dự đoán.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Zhang Xiajing thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng, lạm phát là kết quả không thể tránh khỏi đối với Trung Quốc trong giai đoạn phát triển hiện nay.

Theo ông, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng của Trung Quốc đã đẩy giá của các nguồn tài nguyên như lao động, đất đai tăng cao, từ đó thúc đẩy lạm phát gia tăng.

Trong khi đó, các yếu tố bên ngoài bao gồm giá cả tăng cao của các loại hàng hóa như ngũ cốc, tài nguyên và năng lượng trên thị trường toàn cầu gây ra lạm phát và là dấu hiệu của việc thực hiện các chính sách nới lỏng trong thời gian tới.

Ông Xu Lianzhong, giám đốc Phòng Phân tích và Dự báo thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) lại cho rằng, tiền lương mới là nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng lạm phát tại Trung Quốc.

Trong những thập kỷ qua, sự bùng nổ của kinh tế Trung Quốc phần lớn được tạo ra trên cơ sở lao động rẻ và khai thác quá mức các nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, một thế hệ công nhân nhập cư mới vào Trung Quốc đã yêu cầu mức lương cao hơn, khiến chi phí lao động tại nước này tăng lên.

Ông Xu cho biết, để chuyển dịch nền kinh tế theo định hướng tăng trưởng tiêu thụ trong nước, chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực nâng cao thu nhập cho nông dân và những nhóm lao động có thu nhập thấp và trung bình tại thành phố. Việc làm này sẽ giúp tăng cường sức mua của người dân, song cũng đẩy giá tiêu dùng tăng cao tại Trung Quốc.

Năm ngoái, thu nhập bình quân đầu người của người dân cư đô thị tại Trung Quốc đã tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước đó. Đây được coi là dấu hiệu thay đổi rõ nét nhất trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc (2011 – 2015) mà chính phủ nước này đã tuyên bố sẽ làm cho tiền lương vượt tốc so với tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Wang Jian, tổng thư ký của NDRC, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát từ 5 – 10% trong một thời gian dài và đây có thể sẽ là điều kiện cần thiết để nước này duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.

Ông nhấn mạnh, mặc dù Trung Quốc phải đối mặt với cuộc chiến chống lạm phát khó khăn, song kinh tế nước này sẽ không vượt tầm kiểm soát.

Ông cũng lưu ý rằng, Trung Quốc sẽ không rơi vào vòng xoáy lạm phát, bởi lạm phát của nước này chủ yếu gây ra bởi lạm phát nhập khẩu và giá thực phẩm, tiền lương tăng cao.

Các nhà kinh tế cho biết, thu hoạch ngũ cốc của Trung Quốc bội thu trong 7 năm liên tiếp cùng với cân bằng tổng thể công nghiệp và dư thừa sản xuất trên một số lĩnh vực cũng sẽ giảm bớt nguy cơ siêu lạm phát cho Trung Quốc.

(Vitinfo)

  • Trung Quốc: kỷ nguyên hàng hoá giá rẻ sẽ kết thúc
  • Mô hình sản xuất tri thức trong các nước ASEAN
  • Châu Á sẽ trở thành khu vực thịnh vượng vào 2050
  • Trung Quốc ngày càng “trội” hơn Nhật Bản
  • Suy thoái đòi hỏi Nhật phải đẩy nhanh kích thích kinh tế
  • Trung Quốc: Cảnh báo dùng hóa chất trong nông nghiệp
  • Trung Quốc cấm xuất khẩu dầu điêzen: Phản ứng dây chuyền khắp châu Á
  • Kinh tế Nhật Bản quay trở lại suy thoái