Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trung Quốc: kỷ nguyên hàng hoá giá rẻ sẽ kết thúc

Trong 30 năm qua, Li & Fung - một trong những công ty gia công sản xuất lớn nhất thế giới, thường được khách hàng đặt làm những sản phẩm như áo thun, quần jean với giá rẻ nhờ lực lượng lao động dường như vô hạn của Trung Quốc - luôn làm hài lòng khách hàng với mức giá thấp. Tuy nhiên, hiện nay, lương cho hàng chục ngàn công nhân của công ty đang gia tăng, đồng nghĩa giá hàng hoá của Li & Fung cũng sẽ tăng lên.

Ông William Fung, giám đốc công ty, nói rằng thời đại đang thay đổi. Ông dự đoán tổng thể lương nhân công của Trung Quốc sẽ tăng 80% trong năm năm tiếp theo. Theo ông, vấn đề mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong 30 năm tới là lạm phát.

Đây cũng là một trong những vấn đề lơ lửng tại Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ-Trung lần III diễn ra tại Washington (Mỹ) từ ngày 9-5. Tiền tệ và các vấn đề về nợ dự kiến ​​sẽ chi phối chương trình nghị sự. Ngoài ra, vấn đề chi phí nhân công thấp và tiền tệ rẻ dẫn đến thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc với Mỹ cũng sẽ được đề cập. Trong nhiều thập kỷ qua, nguồn lao động phong phú Trung Quốc đã làm hạ chi phí một loạt hàng hoá xuất sang Mỹ. Các chính trị gia Mỹ tại Washington cáo buộc Trung Quốc gây lũng đoạn lĩnh vực sản xuất của Mỹ. Đầu DVD, áo len và thịt nướng rẻ tiền làm người tiêu dùng quen với giá thấp hơn.

Lương tăng góp phần tăng giá hàng hoá

Sự khởi đầu của việc tăng lương đến từ "hiệu ứng Foxconn". Foxconn là tên thương mại của tập đoàn Hon Hai, hãng sản xuất linh kiện cho IPads của Apple Inc và máy tính của HP. Sau nhiều vụ tự tử của công nhân tại một trong các nhà máy ở Trung Quốc, Foxconn phải tăng lương trên 30% nhằm cải thiện điều kiện lao động.

Lương cũng được tăng khi công nhân tại các nhà máy khác, gồm cả nhân viên tại một nhà máy của Honda Motor, đình công đòi lương cao hơn.

Kể từ đó, chính phủ Trung Quốc hỗ trợ tiền lương cao hơn, không chỉ như một phần trong số các nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng bất ổn lao động mà còn là cách thúc đẩy tiêu dùng trong nước và giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu để mở rộng nền kinh tế.

Tiền lương tăng cao ảnh hưởng đến các công ty cả trong và nước ngoài. Tiền lương tăng là một trong những yếu tố đẩy giá hàng hoá tăng lên. Công nhân Trung Quốc bắt đầu mua nhiều hàng hoá hơn với tiền lương cao hơn, góp phần tăng giá các hàng hóa như bông và dầu.

Việc tăng mức sống tại các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc sẽ làm giá các nguồn tài nguyên thiên nhiên tăng cao khi cầu vượt cung. Trong khi đó, việc để cho nhân dân tệ bị định giá thấp giống như đổ thêm dầu vào lửa. Nhân dân tệ mạnh hơn sẽ giúp Trung Quốc nhập khẩu các nguyên liệu cần thiết như sắt và đậu nành với giả rẻ hơn, giúp kiềm chế lạm phát trong nước... nhưng lại làm cho hàng hoá của Trung Quốc đắt hơn trên thị trường thế giới.

Mất lợi thế do thiếu hụt lao động trẻ

Theo các chuyên gia kinh tế, Trung Quốc đã chuyển từ nước có điều kiện giảm phát dễ dàng thành nuớc có lạm phát cao. Trong suốt 30 năm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, hàng trăm triệu nhà máy và công ăn việc làm đô thị đã lấy đi số lao động nông thôn dư thừa.

Trong ba hoặc bốn năm qua, lao động thừa đã cạn kiệt. Nhiều nhà phân tích dự đoán lực lượng lao động lớn của Trung Quốc sẽ bắt đầu suy giảm trong một hoặc hai năm tới, đó cũng là kết quả của chính sách kế hoạch hóa gia đình. Các nhà máy sẽ thiếu hụt công nhân từ 15 đến 34 tuổi.

Hiển nhiên, lực lượng lao động thu hẹp sẽ cần mức lương cao hơn để hỗ trợ cho số người cao tuổi đang ngày càng tăng.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn // WSJ)

  • Mô hình sản xuất tri thức trong các nước ASEAN
  • Châu Á sẽ trở thành khu vực thịnh vượng vào 2050
  • Trung Quốc ngày càng “trội” hơn Nhật Bản
  • Suy thoái đòi hỏi Nhật phải đẩy nhanh kích thích kinh tế
  • Trung Quốc: Cảnh báo dùng hóa chất trong nông nghiệp
  • Trung Quốc cấm xuất khẩu dầu điêzen: Phản ứng dây chuyền khắp châu Á
  • Kinh tế Nhật Bản quay trở lại suy thoái
  • Người giàu Trung Quốc ăn chơi ngày một 'tàn bạo'