Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trung Quốc: Cảnh báo dùng hóa chất trong nông nghiệp

Nhiều hộ nông dân ở tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc “tá hỏa” khi 46ha dưa hấu họ trồng bỗng nhiên tự vỡ hàng loạt. Các chuyên gia kết luận rằng việc sử dụng hóa chất để kích thích tăng trưởng cùng với mưa lớn bất ngờ có thể là nguyên nhân làm dưa hấu tự vỡ. Vụ việc này cùng với scandal thực phẩm nhiễm hóa chất là hồi chuông cảnh báo về an toàn thực phẩm ở Trung Quốc.

Cấm hay hạn chế?

Một hộ nông dân tại làng Đại Lư thuộc thành phố Đơn Dương cho biết, ông đã phun chất kích thích tăng trưởng forchlorfenuron và canxi hòa tan. Chỉ một ngày sau đó, có tới 180 quả dưa đã vỡ. Theo chuyên gia Vương Lương Cúc thuộc Đại học Nông nghiệp Nam Kinh, ông Lưu đã phun hóa chất này không đúng lúc, khi đã cuối vụ. Còn lượng canxi hòa tan mà ông dùng không phải là nguyên nhân vì chất này ngăn cản quá trình vỡ dưa. Hóa chất forchlorfenuron không bị cấm ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nông dân Trung Quốc đã lạm dụng, phun thuốc tăng trưởng quá nhiều để có thể đem hoa quả đi bán cho kịp mùa vụ, được giá và tăng lợi nhuận. Để hạn chế tình trạng này, Chính phủ Trung Quốc đã phê chuẩn việc sử dụng hóa chất tăng trưởng với liều lượng nhất định.

Dưa hấu bị vỡ hàng loạt ở tỉnh Giang Tô

China Daily ngày 18-5 cho biết, trong một nỗ lực hạn chế việc lạm dụng thuốc trừ sâu chứa độc tố cao gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe người sử dụng các sản phẩm nông nghiệp, chính quyền tỉnh Sơn Đông đang tính đến việc áp dụng hệ thống giấy phép sử dụng loại hóa chất này. Nếu được thông qua, luật mới yêu cầu những người buôn bán thuốc trừ sâu phải xin được giấy phép kinh doanh từ cơ quan phụ trách nông nghiệp.

Đây là lần đầu tiên, chính quyền tỉnh Sơn Đông, tỉnh xuất khẩu nông sản lớn nhất Trung Quốc siết chặt số người kinh doanh hóa chất nông nghiệp kể từ khi một hệ thống giấy phép tương tự như trên bị hủy bỏ vào năm 2004. Hiện số người kinh doanh thuốc trừ sâu có đăng ký ở tỉnh đã tăng vọt từ 20.000 (năm 2004) lên đến 55.000. Tuy nhiên, do công chúng ngày càng lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm, giới chuyên gia cho rằng như vậy vẫn chưa đủ. Nhà sản xuất cần có hệ thống theo dõi và ghi lại từng chi tiết ở mỗi công đoạn sản xuất và nuôi trồng để thông báo với người tiêu dùng và đảm bảo an toàn thực phẩm.

“Tự cung, tự cấp” để “tự cứu”

Trong khi chờ đợi chính quyền Trung Quốc có biện pháp thích đáng nhằm cải thiện vấn đề an toàn thực phẩm, người dân nước này, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, đã tự cứu lấy bữa ăn của mình bằng nhiều cách.

China Daily số ra mới đây cho biết có 4 phụ nữ làm chung tại một văn phòng ở Thượng Hải đã đầu tư tiền tiết kiệm và thời gian nhàn rỗi cuối tuần vào một trang trại hữu cơ tại một vùng nông thôn gần thành phố Thượng Hải. Những sản phẩm thu hoạch được từ trang trại này có thể nuôi đủ gia đình họ, thậm chí bán cho nhiều gia đình khác.Tờ People Daily cho biết hiện có khá nhiều doanh nghiệp lớn, công ty chứng khoán, tổ chức tiền tệ ở nước này tự thuê đất để trồng trọt, chăn nuôi cung cấp thức ăn sạch cho nhân viên. Nhân viên trước khi tan ca đều vào mạng nội bộ xem nông trường của nhà máy có bán rau quả gì. Thậm chí cả cơ quan nhà nước cũng nhập cuộc như Tòa án nhân dân tối cao Thiểm Tây thuê khu đất hơn 30 mẫu ở ngoại ô Tây An trồng rau gần 2 năm nay.Đó là việc làm cần thiết trước mắt để giải quyết vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho bữa ăn, nhưng xét về mặt xã hội thì “hành động tự cứu” này không phát huy hiệu quả và dường như đang quay về với thời kỳ kinh tế tiểu nông. Người tiêu dùng Trung Quốc yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa vì không thể “tự cung, tự cấp” mãi được. 

(Theo X.HẠNH/sggp)

  • Trung Quốc cấm xuất khẩu dầu điêzen: Phản ứng dây chuyền khắp châu Á
  • Kinh tế Nhật Bản quay trở lại suy thoái
  • Người giàu Trung Quốc ăn chơi ngày một 'tàn bạo'
  • Giá dầu cao: nỗi lo của Trung Quốc và Ấn Độ
  • Malaysia chi 20 tỷ USD xây liên hiệp lọc hóa dầu
  • Trung Quốc sẽ trở thành ứng cử viên cho vị trí đứng đầu IMF?
  • Nhiều nhân tố sẽ làm chậm tăng trưởng của Trung Quốc
  • “Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc còn quá thấp”