Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

'Mặt trái' của đầu tư Trung Quốc ở châu Phi

Bắc Kinh không ngừng gia tăng đầu tư vào châu Phi, nhưng bản chất đầu tư cũng như cung cách hành xử của các ông chủ người Trung Quốc đang làm dấy lên “làn sóng bài Hoa” ở châu lục này.

 

Nhân vụ thợ mỏ Zambia giết chết giám đốc người Trung Quốc ở mỏ than Collum Coal ở Zambia ngày 4/8, báo chí Pháp cho rằng vụ việc này không phải là cá biệt và có không ít mặt trái của đầu tư Trung Quốc ở châu Phi.
 

Các ông chủ người Hoa chỉ trả lương bằng một nửa so với
các công ty nước ngoài. Ảnh Financial Times

Báo Le Monde cho rằng đây không phải là lần đầu tiên diễn ra những vụ bạo động nhắm vào các ông chủ người Trung Quốc tại mỏ than này. Báo này nhắc lại sự cố diễn ra vào năm 2010, khi 2 ông chủ Trung Quốc của mỏ than đã bị truy tố vì đã ra lệnh bắn vào người biểu tình, làm 12 người bị thương. Theo tờ báo, thái độ hoài nghi với đầu tư Trung Quốc ngày càng gia tăng ở Zambia, một phần cũng vì hàng hóa giá rẻ đến từ Trung Quốc tràn ngâp thị trường nước này, bóp chết một số ngành nghề  thủ công bản địa.

Các sự kiện trên cho thấy “mặt trái” của hợp tác Trung Quốc-châu Phi và nêu bật những rủi ro đi kèm theo tiến trình gia tăng đầu tư của Trung Quốc vào lục địa đen. Ngày càng có nhiều chỉ trích rằng Trung Quốc chỉ biết trục lợi, cung cách điều hành không tốt, đầu tư và trợ giúp còn thiếu minh bạch, không phù hợp với những chuẩn mực quốc tế.

Le Monde nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Zambia, Michael Sata: “Đầu tư của Trung Quốc vào Zambia phải là con đường hai chiều”.

Trong khi đó, Le Figaro đăng bài phóng sự nói về quan hệ căng thẳng giữa cộng đồng người Hoa và dân bản xứ. Sau Congo, Guinea và Sudan, bạo động lại diễn ra tại Zambia khi một giám đốc người Trung Quốc bị các thợ mỏ người châu Phi đánh chết. Trong vụ ẩu đả này, phụ tá của ông cũng bị đánh trọng thương. Cảnh sát đã bắt giữ 12 người Zambia có liên can đến vụ này.

Theo báo Le Figaro, đây không phải là một trường hợp cá biệt. Xung đột thường xuyên diễn ra giữa giới chủ Trung Quốc và các thợ mỏ châu Phi. Tranh chấp nảy sinh từ sự bất công. Giới chủ Trung Quốc ít khi tôn trọng các điều kiện hợp đồng hay nâng lương tối thiểu.

Theo một bản báo cáo gần đây, các công ty khai khoáng Trung Quốc chỉ trả lương bằng một nửa so với các công ty nước ngoài, chủ yếu là Ấn Độ và Thụy Sĩ. Nếu thợ mỏ phàn nàn hay lên tiếng phản đối, họ bị đuổi việc ngay lập tức. Các hành vi lạm dụng, ngược đãi nhân công thường thấy ở Trung Quốc nay lại xuất hiện ở miền nam Zambia.
Trung Quốc tăng cường đầu tư vào châu Phi để khai thác nguyên liệu.
Ảnh china.org

Cung cách quản lý, điều hành nhân công của các ông chủ Trung Quốc bắt đầu trở thành một đề tài nóng bỏng, kể từ khi Bắc Kinh tăng cường đầu tư vào châu Phi để khai thác nguyên liệu. Trong trường hợp của Zambia, trao đổi mậu dịch với Trung Quốc là 100 triệu USD năm 2000. Một thập niên sau, kim ngạch thương mại lên tới 2,8 tỷ USD, tăng gần gấp 30 lần chỉ trong vòng 10 năm. Chỉ riêng trong năm 2010, Bắc Kinh đã đầu tư vào Zambia 1  tỷ USD, chủ yếu là để khai thác các mỏ than và mỏ chì.

Tại Lusaka, thủ đô Zambia, các doanh nhân đến từ Trung Quốc đại lục ngày càng trở nên đông đảo. Ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh ở châu Phi ngày càng sâu đậm, nhưng đồng thời nó cũng kích động sự nghi ngờ trong chính giới và dân chúng châu Phi. Các đảng đối lập châu Phi thường khai thác chủ đề này trong các cuộc vận động tranh cử để lên nắm quyền. Năm 2011, ông Michael Sata được bầu làm Tổng thống Zambia, nhờ có cương lĩnh chính trị chĩa mũi dùi vào cộng đồng người Hoa.

Theo các nhà quan sát, chuyến công du 7 nước châu Phi mới đây của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhằm mục đích nối lại quan hệ với các nước trong khu vực và khoanh vùng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh, tránh để châu Phi biến thành “sân sau của Trung Quốc”. Ngay lập tức, Tân Hoa Xã bình luận rằng chuyến đi của ngoại trưởng Mỹ là một “mưu đồ nhằm gieo rắc mầm mống bất đồng” trong quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi.
-------------
Minh Châu (tổng hợp)
(Theo báo Đất Việt)

  • Kinh tế Trung Quốc bi quan tới mức nào?
  • Trung Quốc đang cạn tiền?
  • Công nghiệp đẻ thuê bùng nổ tại Ấn Độ
  • Khôi phục nghề sản xuất quạt giấy "siêu đắt"
  • "Vấn đề Biển Đông là bài học cho ASEAN"
  • Nhận dạng một Trung Quốc mâu thuẫn
  • Khủng hoảng: Đổ xô đến Trung Đông tìm cơ may
  • Đổi thay ở đô thị “ma” nổi tiếng Trung Quốc