Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quả bom nợ hẹn giờ của Trung Quốc

Trung Quốc vượt qua khủng hoảng toàn cầu tốt hơn các nước khác, nhưng nợ khổng lồ của chính quyền địa phương có thể khiến tăng trưởng chững lại.

Sự phục hồi kinh tế đáng kinh ngạc của Trung Quốc sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 - 2009 là nguồn gốc của đố kỵ và hoang mang cho phần còn lại của thế giới.

Thay vì suy thoái, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng tới 2 con số, và thực sự có dấu hiệu tăng trưởng quá nóng - tương phản rõ rệt với tình trạng trì tệ tại hầu hết các nước phương Tây.

Làm thế nào mà người Trung Quốc làm được điều đó? Có thể biện minh cho "ngoại lệ Trung Quốc" rằng Bắc Kinh đã tìm ra một công thức bí mật cho thành công kinh tế, ngoài tầm hiểu biết của các nước phương Tây.

Một phần của câu trả lời cho điều kỳ diệu này đã được chính phủ Trung Quốc đưa ra cuối tháng 6. Đó là Bắc Kinh đã xoay sở giữ nền kinh tế tăng trưởng trong suy thoái toàn cầu bằng cách cung cấp khoản vay ngân hàng lớn cho các chính quyền địa phương.

Nguyên nhân chủ yếu của khủng hoảng kinh tế tàn phá Mỹ và Tây Âu là sự bùng nổ của "quả bom tín dụng" - cho vay và vay quá nhiều làm bùng lên bong bóng nhà đất và tiêu dùng không bền vững. Trung Quốc dường như đang bị chịu ảnh hưởng tương tự, chỉ riêng một điểm là hầu hết nợ phát sinh tại Trung Quốc ở khu vực cơ sở hạ tầng, không phải tiêu dùng. Vì vậy, Trung Quốc trở thành ngoại lệ.

Căn cứ vào các số liệu do Cơ quan Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc (NAO) vào cuối tháng 6, các chính quyền địa phương đã có khoản nợ lên tới 10,7 nghìn tỷ nhân dân tệ (1.650 tỷ USD) - tương đương khoảng 27% GDP Trung Quốc năm 2010. Do các số liệu của NAO được dựa trên đại diện của 6.500 phương tiện giao thông do các chính quyền địa phương chi trả ( trên hơn 10.000 xe tương tự trên cả nước) nên con số nợ thực tế của các chính quyền địa phương lớn hơn nhiều.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc gần đây ước tính rằng nợ của các chính quyền địa phương nước này tổng cộng là 14 nghìn tỷ nhân dân tệ (hầu hết trong đó là nợ với các ngân hàng), cao hơn gần 30% so với số liệu của NAO.

Một vài câu hỏi thú vị được đặt ra khi nợ của các chính quyền địa phương tại Trung Quốc được công bố. Đầu tiên và trước hết, con số đó đã chỉ ra rằng tình hình tài chính công tại Trung Quốc trong tình trạng tồi tệ hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây. Trên giấy tờ, nợ của Trung Quốc chỉ dưới 20% GDP, biến Bắc Kinh thành một hình mẫu tài chính chuẩn mực so với các chính phủ tiêu xài hoang phí tại phương Tây. Tuy nhiên, nếu chúng ta xem xét các nghĩa vụ khác nhau của chính phủ - thường chỉ đơn thuần tính là nợ công, bức tranh của Trung Quốc không đẹp nữa.

Nếu tính các khoản nợ chính quyền địa phương, chi phí tái cấp vốn cho các ngân hàng nhà nước, trái phiếu do các ngân hàng nhà nước phát hành, và trái phiếu đường sắt, tổng nợ của Trung Quốc vào khoảng 70 - 80% GDP, gần tương đương với mức nợ công tại Mỹ và Anh.

Do hầu hết các khoản nợ của Trung Quốc phát sinh trong thập kỷ qua, Trung Quốc đang ở trong quỹ đạo không bền vững với tốc độ tích lũy nợ hiện nay, đặc biệt khi tăng trưởng chậm lại, điều được dự kiến diễn ra trong thập kỷ tới.

Câu hỏi thứ hai được đặt ra là liệu các chính quyền địa phương có thể cung cấp các khoản nợ và hoàn trả các khoản vay hay không. Nếu họ đã tiến hành đầu tư cơ sở hạ tầng tạo ra các dòng thu nhập, nợ tăng lên không phải là vấn đề. Thật không may, đó không phải là trường hợp với hầu hết các dự án cơ sở hạ tầng được các chính quyền địa phương xây dựng. Thông thường, các dự án có đòn bẩy cao, các chính quyền địa phương đầu tư ít vốn và đi vay gần như toàn bộ chi phí. Điều này khiến hoạt động cho vay nợ trở thành gánh nặng lớn.

Chỉ có 2 nguồn thu nhập để cung cấp các khoản vay như vậy. Một là bán đất do các chính quyền địa phương kiểm soát (đất được sử dụng làm vật thế chấp vay tiền tại các ngân hàng). Và nguồn khác là sử dụng dòng tiền được tạo ra bởi các dự án (các nhà máy điện, cầu cảng và phí cầu đường). Với tình trạng bất động sản bấp bênh, các chính quyền địa phương sẽ không tính tới việc bán đất để giải cứu cho họ. Khả năng sinh lời của các dự án cơ sở hạ tầng mới đầu tư thậm chí còn tệ hơn. Một nhà quản lý ngân hàng tiết lộ rằng chỉ 1/3 các dự án kể trên có thể hoàn trả đủ vốn đã vay. Điều này đồng nghĩa rằng các chính quyền địa phương sẽ không thể thu hồi lượng lớn tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng của mình - hay hoàn trả cho các ngân hàng.

Vậy quả bom nổ chậm này sẽ mang tới những hậu quả kinh tế gì?

Vì khoảng một nửa các khoản vay ngân hàng của chính quyền địa phương sẽ đáo hạn trong 2 năm tới, một cuộc khủng hoảng chi trả ngắn hạn dự kiến diễn ra. Các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc sẽ phải gia hạn cho các khoản vay này, vờ như chúng vẫn đang thực hiện. Họ thậm chí có thể phải cho các chính quyền địa phương vay thêm tiền để trả lãi cho các khoản vay này. Những tác động ròng của các thủ thuật kế toán này sẽ giảm lợi nhuận của các ngân hàng Trung Quốc, được thừa nhận không gây ra lo ngại thực sự. Nhưng các thủ thuật kế toán đó có thể tạm thời trì hoãn việc không thể tránh khỏi.   

Những khoản nợ xấu cực lớn trong dài hạn của các chính quyền địa phương mà các ngân hàng nhà nước đang nắm giữ có thể không gây ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng, nhưng mang tới những tác hại ghê gớm hơn. Bởi chính phủ Trung Quốc sở hữu hàng nghìn tỷ nhân dân tệ tài sản (đất, tài nguyên thiên nhiên, các tài sản nhà nước độc quyền, và 3.000 tỷ USD ngoại hối). Bắc Kinh có đủ nguồn lực để bảo lãnh cho các chính quyền địa phương khi các khoản vay đến kỳ phải hoàn trả.
Nhưng không có gì là miễn phí.

Hỗ trợ cho các chính quyền địa phương với nguồn tài chính đáng giá trong thập kỷ tới - thập kỷ Trung Quốc sẽ trải qua với sự kết thúc của nguồn lợi nhân khẩu học, tăng chi phí chăm sóc sức khỏe và lương hưu, tăng trưởng kinh tế chậm hơn - đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ có ít vốn để đầu tư hơn. Với một nền kinh tế được dẫn dắt bởi đầu tư, điều này thậm chí khiến tăng trưởng chậm chạp hơn.

Thật dễ dàng để đổ lỗi cho các quan chức chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm và tham nhũng gây lãng phí nguồn vốn quý giá của quốc gia. Nhưng như thế sẽ không công bằng. Trong khi không có gì phải nghi ngờ rằng các quan chức địa phương vô đạo đức đã xem kế hoạch kích thích kinh tế của Bắc Kinh như một cơ hội hàng để đút tiền vào túi mình, cách xử lý của chính quyền địa phương hoàn toàn hợp lý: sẽ thật ngu ngốc nếu không nhảy lên con tàu với các khoản vay sẵn có trong 2 năm.

Từ quan điểm của họ, hệ thống tài chính công của Trung Quốc hết sức bất công với các chính quyền địa phương. Bắc Kinh thu một lượng lớn các loại thuế (60% của tất cả các loại thuế), nhưng chi tiêu ít cho các dịch vụ xã hội, khoản mà các chính quyền địa phương buộc phải chi. Không giống như ở các nước phương Tây, chính quyền địa phương Trung Quốc không thể phát hành trái phiếu để vay tiền. Vì vậy, nếu họ muốn xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương (khi Bắc Kinh không tài trợ), chỉ còn một cách duy nhất là vay vốn từ các ngân hàng.

Với tất cả các mục đích, khoản vay ngân hàng của các chính quyền địa phương thực tế là tiền miễn phí - không cần phải hoàn trả lại. Bắc Kinh luôn luôn tới để giải cứu, điều các quan chức chính quyền địa phương hoàn toàn nhận thức được. 

(Báo Doanh nhân Việt Nam Toàn cầu)