Ngày càng có nhiều người Ấn giàu có chuyển sang dùng trang sức kim cương thay cho trang sức vàng. |
Ở Ấn Độ, quốc gia từ lâu vẫn là thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, dùng trang sức kim cương đang trở thành một trào lưu mới.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), năm nay, Trung Quốc đã vượt Ấn Độ về nhu cầu tiêu thụ vàng. Sự đổi ngôi này xuất phát chủ yếu từ thực tế là trong 6 tháng đầu năm, nhu cầu vàng nữ trang của Ấn giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ vàng của Ấn Độ ít nhiều đã gây áp lực giảm giá đối với vàng thế giới.
Đâu là nguyên nhân khiến người Ấn Độ dùng ít vàng đi? Trang CNBC cho rằng, đó là vì ngày càng có nhiều người Ấn Độ giàu có chuyển sang dùng trang sức kim cương thay cho trang sức vàng.
“Ấn Độ đã trở thành thị trường có tốc độ tăng trưởng doanh số nhanh nhất của De Beers. Hiện tại, đây là thị trường ưu tiên của chúng tôi”, Giám đốc điều hành (CEO) Stephen Lussier của Forevermark cho biết. Forevermark là một công ty con của hãng cung cấp kim cương lớn nhất thế giới De Beers Group.
“Ngoài ra, Ấn Độ cũng là một thị trường đòi hỏi những thiết kế kim cương xa xỉ. Phụ nữ thích Ấn đeo những món trang sức kim cương lớn. Bạn sẽ không nhìn thấy phụ nữ châu Âu đeo những món như thế trừ phi bạn dự dạ tiệc của nữ hoàng”, ông Lussier nói thêm.
“Cuộc phát hiện ra kim cương” của người Ấn Độ không đơn thuần chỉ xuất phát từ sở thích dành cho những món nữ trang đắt tiền. Xu hướng mới này còn được thúc đẩy bởi những biến động giá vàng và tỷ giá đồng Rupee. Giá vàng đã giữ ở mức cao trong năm qua, trong khi đồng Rupee rớt giá thảm.
Theo CNBC, đồng tiền của Ấn Độ đã giảm giá 25% so với đồng USD trong vòng 1 năm trở lại đây. Điều này khiến vàng càng trở nên đắt đỏ hơn đối với người Ấn, vì vàng được định giá bằng USD.
Trái lại, kim cương lại đang rẻ đi. Theo số liệu của Rapaport Diamond Trade Index, tính đến cuối quý 2 năm nay, giá chào bán kim cương 1 carat đã giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính bằng đồng USD, các nhà giao dịch kim cương hiện có thể mua những viên kim cương 1 carat với giá khoảng 8.348 USD, so với mức 9.175 USD cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, các kỹ thuật cắt khác nhau và chất lượng kim cương khiến việc xác định giá trị của mỗi viên kim cương trở thành một công việc phức tạp. Khác với vàng, kim cương không có một mức giá chính thức nào, và cũng không được báo giá theo ngày.
Biến động giá vàng không phải là nhân tố duy nhất khiến người Ấn Độ chuyển sang chuộng kim cương. Trong mấy năm trở lại đây, các chiến dịch quảng bá kim cương đã được đẩy mạnh nhằm vào thị trường phục vụ cho mùa cưới ở Ấn Độ.
“Trước khi De Beers bắt đầu quảng cáo ở Ấn Độ, thị trường này tập trung hoàn toàn vào vàng. Nhưng giờ đây, De Beers đã chi 4-5 triệu USD mỗi năm để quảng cáo ở Ấn Độ”, CEO Lussier của Forevermark nói. CEO này cũng cho biết, những khoản chi cho quảng cáo này đã đem lại hiệu quả không nhỏ, cụ thể là mức tăng trưởng doanh số 20-30% mỗi năm cho De Beers ở Ấn Độ.
Các hãng bán lẻ kim cương khác cũng đang tìm mọi cách giành giật chỗ đứng tại Ấn Độ trước khi quá muộn. Đối thủ cạnh tranh chính của De Beers tại thị trường này hiện nay là hãng nữ trang kim cương Ấn Tanishq vốn đã hiện diện rộng rãi ở các thành phố lớn nhất nước này như Mumbai và Delhi. Người Ấn thích nữ trang kim cương của Tanishq bởi thiết kế hiện đại, hấp dẫn các khách hàng trẻ tuổi.
“Nữ trang cưới của mẹ tôi chủ yếu là vàng. Bây giờ thì nữ trang cưới của Ấn Độ đã hiện đại hơn xưa nhiều, được gắn nhiều kim cương hơn”, cô dâu mới về nhà chồng Saniya Ghandi Bhardwaj cho biết.
Ở các gia đình Ấn Độ giàu có hiện nay, cha mẹ cô dâu thường tặng con gái những bộ nữ trang kim cương đặt làm riêng để làm của hồi môn. Cô Bhardwaj giải thích, tục lệ tặng nữ trang cho cô dâu trước khi về nhà chồng là truyền thống của người theo đạo Hindu nhằm nhấn mạnh việc cô dâu được gửi tới cho gia đình nhà chồng. Tùy theo độ giàu có của từng gia đình, của hồi môn có thể chỉ là vàng. Nhưng trong xu hướng hiện nay, kim cương đang được dùng phổ biến để làm của hồi môn cho cô dâu là con gái trong các gia đình giàu có.
“Trong lễ Sangeet vào đêm trước ngày diễn ra đám cưới của tôi, có 1.200 khách tới dự lễ. Trong buổi lễ đó, tôi đeo những bộ trang sức kim cương mà cha mẹ tặng”, cô Bhardwaj kể lại.
Trong khi người giàu ở Ấn Độ chạy theo trào lưu kim cương, nhiều nhà đầu tư vàng trên thế giới đang lo ngại rằng, không hiểu nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu có tiếp tục sa sút nữa hay không.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com