Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trung Quốc: Thành phố công nghệ cao sắp phá sản

Quảng Đông là một trong những tỉnh giàu có nhất Trung Quốc, là một bộ phận kinh tế tối quan trọng của nền kinh tế thứ hai thế giới này. Đông Quản - một thành phố của tỉnh này đã từng bùng nổ vô cùng mạnh mẽ nhờ phát triển công nghệ cap, trở thành một đô thị phồn hoa nhưng nay đang bẽ bàng với những khoản nợ công khổng lồ và có nguy cơ phá sản.

Phồn hoa và nợ nần

Sau 3 thập kỷ phát triển ấn tượng, một Đông Quản bùng nổ lại đang đứng bên bờ vực phá sản. Có đến 60% số xã của Đông Quản đang trong tình trạng thâm hụt ngân sách và chẳng bao lâu họ sẽ phải cần đến những gói cứu trị từ chính quyền thành phố, các nhà nghiên cứu tại đại học Sun Yat-sen cho biết.

Đó là một sự chuyển biến đầy kịch tính về tài sản đối của Đông Quản, một trong những thành phố giàu có bậc nhất Trung Quốc và thậm chí có thể báo trước một cuộc khủng hoảng tài chính quy mô rộng lớn khi mà kinh tế nước này đang hạ nhiệt mạnh.

Tính đến cuối năm 2010, khoản nợ của hệ thống chính quyền địa phương trên cả nước đã lên tới con số 10,7 ngàn tỷ nhân dân tệ, tương đương với khoảng 27% GDP. Moody’s ước tính con số thực có thể lên tới 14,2 ngàn tỷ tệ.

Ông Bai Jingming, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Bộ Tài chính ước tính, năm 2009, tổng số nợ của các chính quyền địa phương có thể bằng 10% GDP cả nước.

Các chuyên gia cho rằng, có hai nguyên nhân cơ bản khiến cho Đông Quản rơi vào tình thế hiện nay: Một là nền kinh tế “địa chủ” thời hiện đại đang có nguy cơ lâm vào khủng hoảng vì sự rời bỏ của người thuê đất khi mà mạng lưới nhà máy sản xuất lao đao trong bối cảnh suy thoái toàn cầu. Hai là sức ép chính trị khiến các nhà lãnh đạo địa phương cam kết sẽ mang lại của cải cho người dân.

"Vấn đề tài chính của các địa phương nghiêm trọng hơn nhiều so với dự đoán", ông Shao Gongjun, chủ nhân của một công ty in ấn tại Đông Quản. Ông Shao cho rằng, nguyên nhân quan trọng của cuộc khủng hoảng chính là sự phụ thuộc cả các chính quyền địa phương vào nguồn thu nhập từ hoạt động cho thuê.

Đổ vỡ vì BĐS

Từ một miền đất nông nghiệp tù túng vào những năm 1980, Đông Quản đã chuyển mình thành một trong những trung tâm sản xuất công nghệ cao quan trong của thế giới.

Thậm chí một phó chủ tịch của tập đoàn IBM đã có một câu nói nổi tiếng: chỉ cần 15 phút kẹt xe trên đường cao tốc tại thành phố cũng có thể khiến giá máy tính trên toàn thế giới biến động.

Nền công nghiệp phát triển như vũ bão khiến dân số tại thành phố này tăng chóng mặt từ 1,8 triệu dân vào những năm 1980 lên hơn 8 triệu.

Người dân đổ tiền xây nhà cho công nhân thuê trong khi đó chính quyền địa phương thì cũng cho doanh nghiệp, nhà máy thuê mặt bằng và tiền cho thuê đất chính là nguồn thu nhập chủ yếu.

Điều này đã diễn ra một cách vô cùng hoàn hảo cho đến giai đoạn suy thoái kinh tế gần đây. Ông Shao nói, nhiều nhà máy đã hoặc đóng cửa hoặc di dời vào các tỉnh đất liên trong vòng 5 năm qua để giảm bớt chi phí.

Số lượng nhà máy từ Hong Kong tại Đông Quản đã giảm 15% kể từ năm 2007. Khi nhà máy và công nhân rời đi thì đương nhiên thu nhập từ việc cho thuê nhà, bất động sản lao dốc.

Bà Luo, 61 tuổi cho hay: "Tôi thực sự lo lắng trước thảm kịch người thuê nhà rời đi hết và những căn phòng cho thuê bị bỏ hoang".  Bà Luo đã dồn 2 triệu nhân dân tệ từ số tiền tiết kiệm 10 năm và khoản vay ngân hàng để xây căn hộ 6 tầng ở quận Zhangmutou. Gia đình bà sinh hoạt tại tầng 1 và 5 tầng còn lại là dành cho công nhân thuê.

Mỗi tháng bà Luo thu được 15.000 tệ từ việc cho thuê nhà ở, gấp gần 10 lần thu nhập trung bình của một công nhân. Tuy nhiên khoản thu này đã giảm 1/3 kể từ năm 2007.

Sự sụt giảm thu nhập từ hoạt động cho thuê bất động sản đã buộc 60% trong tổng số 584 xã của thành phố Đông Quản lâm vào tình trạng thâm hụt ngân sách, theo nghiên cứu của giáo sư Lin Jiang, khoa tài chính thuế trường đại học Sun Yat- Sen.

Dự báo của giáo sư Lin dựa trên cơ sở nghiên cứu 30 xã tại những quận huyện tương đối giàu có như Tangxia, Houjie và Humen hồi tháng 5 vừa qua.

Đương nhiên nó có thể không phản ánh được toàn bộ bức tranh của cả nền kinh tế thành phố nhưng lại đưa ra được một cái nhìn khá đúng về những vấn đề mà các nhà chức trách đang phải đối mặt. “Họ đang bị thâm hụt vì thu nhập giảm trong khi các khoản chi dùng liên tục gia tăng”, ông Lin cho biết.

Các quan chức địa phương thường bắt đầu nhiệm kỳ mới bằng cam kết các hành động cải thiện đời sống cho người dân. Tất nhiên, để thực hiện điều này phải trông chờ vào các khoản đầu tư công của chính quyền địa phương và nguồn thu từ hoạt động cho thuê bất động sản.

Tuy nhiên, do những khó khăn về huy động nguồn lực và nóng vội thực hiện mục tiêu, nhiều địa phương đã tìm đến các tổ chức tài chính để thực hiện những khoản vay ngắn hạn.

Các ngân hàng đang sẵn sàng cho vay bởi họ biết là chính quyền thành phố sẽ phải bảo lãnh các địa phương nếu như tình hình có diễn biến xấu. "Một số lãnh đạo địa phương đang thực sự lo lắng. Họ lo rằng ngân hàng có thể sớm đòi các khoản nợ. Nếu như các địa phương vỡ nợ, gánh nặng sẽ được chuyển sang quận huyện và thành phố", ông Lin nói.

Chính quyền thành phố Đông Quản đang trong tình trạng yếu ớt và khó có thể giải quyết một cuộc khủng hoảng. GDP giảm về mức 2,5% trong nửa đầu năm nay. Trong khi mức tăng trung bình trong 8 năm qua là 11%.

Ước tính, chỉ riêng các nhà chức trách huyện Zhangmutou đã nợ đến 1,6 tỷ tệ trong khi doanh thu hàng năm chỉ la 600 triệu tệ. Và theo ông chính quyền Đông Quản cần phải đổi mới cấu trúc để giảm sự phụ thuộc vào khoản thu nhập từ tiền cho thuê. Nếu không có sự thay đổi triệt để và quyết liệt trong cấu trúc xã hội thì quá trình cải cách kinh tế sẽ không bao giờ thành công.

(Theo VEF)

  • Trung Quốc - IMF: giận cá chém thớt
  • Gangnam Style thổi bùng thương hiệu Hàn Quốc
  • Lào sắp gia nhập WTO
  • Vụ Bạc Hy Lai là “điển hình chống tham nhũng”
  • Trung Quốc vận binh pháp Tôn Tử, Nhật cơ cấu lại lực lượng
  • Hàng hiệu “gặp hạn” ở Trung Quốc
  • Trung Quốc: Thành phố công nghệ cao sắp phá sản
  • “Quý tử” nhà họ Bạc nói gì về người cha?