Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, gần 18.000 quan chức tham ô Trung Quốc đã trốn ra nước ngoài, mang theo 800 tỉ nhân dân tệ, tương đương 123 tỉ USD. Họ đã chuyển số tiền ăn cắp khổng lồ này qua biên giới như thế nào?
Trung tâm phân tích và giám sát chống rửa tiền của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết từ năm 1990 đến nay, khoảng 16.000-18.000 quan chức các cấp, cảnh sát, lãnh đạo và quản lý các tập đoàn nhà nước Trung Quốc... đã âm thầm trốn ra nước ngoài. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nhấn mạnh 123 tỉ USD chỉ là ước tính. Con số này tương đương với tổng đầu tư cho giáo dục Trung Quốc từ năm 1978-1998, bằng 2% GDP nước này năm 2010.
Trung bình mỗi quan chức đánh cắp khoảng 50 triệu nhân dân tệ (hơn 7 triệu USD). Một số tờ báo đưa tin vợ của Trương Thụ Quang, một quan chức cao cấp trong Bộ Đường sắt Trung Quốc mới bị bắt vì tội tham nhũng, sở hữu tới ba biệt thự sang trọng ở Los Angeles (Mỹ) và gửi tiết kiệm 2,8 tỉ USD ở các ngân hàng tại Mỹ và Thụy Sĩ. Điều đó cho thấy số tiền bị đánh cắp thực tế có thể còn cao hơn nhiều lần.
Địa điểm ưa thích: Mỹ
Mỹ là địa điểm được ưa chuộng nhất, tiếp theo là các nước như Canada, Úc và Hà Lan. Các quan chức cấp thấp chọn những nước gần Trung Quốc hơn như Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Mông Cổ và Nga. Những người không lấy được thị thực đi các nước phương Tây giàu có thường lẩn trốn ở châu Phi, Mỹ Latin và Đông Âu, nơi chưa ký hiệp ước dẫn độ tội phạm với Trung Quốc, để ẩn náu và chờ cơ hội đi tiếp đến các “thiên đường” như mong muốn.
Dù Mỹ chưa ký hiệp ước dẫn độ tội phạm với Trung Quốc nhưng trong vài năm gần đây, Bộ Tư pháp Mỹ đã dẫn độ vài công dân Trung Quốc bị buộc tội tham nhũng. Tháng 8-2008, một tòa án liên bang ở Las Vegas đã ra phán quyết kết án hai cựu quan chức ngân hàng ở Quảng Đông các tội tham nhũng, rửa tiền và giả mạo giấy tờ. Từ Siêu Phàm, Từ Quốc Tuấn và gia đình họ bị cáo buộc lừa đảo của Ngân hàng Trung Quốc 485 triệu USD trong vòng 10 năm. Cả hai đều là quản lý chi nhánh của Ngân hàng Trung Quốc ở Quảng Đông và bỏ trốn sang Mỹ bảy năm trước khi bị truy tố.
|
Hàng trăm tỉ nhân dân tệ đã biến thành USD gửi trong các tài khoản nước ngoài. Ảnh: Getty Images |
Theo thống kê, tỉnh Quảng Đông có số quan tham trốn ra nước ngoài cao nhất Trung Quốc với 1.240 người. Trong đó phải kể đến Dư Chấn Đông, giám đốc chi nhánh Ngân hàng Khai Bình, một ngân hàng con của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ở Quảng Đông. Người này đã chạy sang Mỹ với số tiền 48,3 triệu USD. Sau đó là quan tham Trần Mạn Hùng, tổng giám đốc Công ty Công thương nghiệp thành phố Trung Sơn, đã ôm 6,48 triệu USD chạy sang Thái Lan.
Đầu năm 2001, số lượng quan tham Trung Quốc trốn ra nước ngoài hơn 4.000 người và số tiền hơn 5 tỉ nhân dân tệ. Thế nhưng chỉ bảy năm sau, con số này tăng hơn 4 lần và số tài sản tham nhũng chảy ra nước ngoài đã tăng gấp 160 lần. Các ngành nghề xuất hiện “cá sấu lớn” trốn ra nước ngoài thường tập trung ở lĩnh vực giao thông, quản lý nhà đất, xây dựng - kiến trúc cùng với các lĩnh vực nhạy cảm của Nhà nước Trung Quốc như ngành thuế, tài chính và quản lý đầu tư.
Kiến tha lâu đầy tổ
Nhóm “cá sấu lớn” ở Trung Quốc thường sử dụng tám phương thức để chuyển tài sản phi pháp ra nước ngoài. Trong đó cách thức giấu tiền trong hành lý và trực tiếp mang theo bên mình khi đào tẩu thường được các quan tham sử dụng. Tuy nhiên, cách thức này khá nguy hiểm vì số tiền đem theo dễ bị lộ khi qua kiểm tra hải quan ở biên giới.
Do đó các quan tham chuyển hướng sử dụng phương pháp “kiến tha lâu đầy tổ”. Khi đã đánh hơi sẽ bị cơ quan pháp luật sờ gáy, các quan tham thông qua đại lý chuyển tiền lậu để chuyển thành nhiều đợt ra khỏi biên giới Trung Quốc. Nơi đến trước tiên thường là Macau và Hong Kong, sau đó chuyển đi tiếp. Khi đã cảm thấy an toàn, các quan tham lập tức thay tên đổi họ để đem số tiền trên gửi vào ngân hàng và ung dung hưởng thụ. Ví dụ như Thành Khắc Kiệt, phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc, cho tình nhân định cư ở Hong Kong và đều đặn gửi tiền cho cô ta.
Cách thức lấy tiền công đã tinh vi, cách thức sử dụng tiền tham nhũng ở nước ngoài cũng gian xảo không kém. Để che mắt thiên hạ, phần lớn quan tham Trung Quốc đã sử dụng số tài sản do tham nhũng thành lập công ty. Một số khác đem cả gia đình và tình nhân ra nước ngoài để họ đứng tên mua tài sản bằng số tiền tham nhũng và thiết lập tài khoản ngân hàng ở các nước. Quan tham sau khi đã sắp xếp con đường hạ cánh an toàn sẽ ung dung xách hành lý chuồn êm mà không bị sự truy bắt của cơ quan chức năng.
Thậm chí có quan tham đã cao chạy xa bay từ rất lâu nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa nắm được số của công bị rút ruột đem đi bao nhiêu. Ví dụ như trường hợp Đồng Ngôn Bạch, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Phát triển đường cao tốc Hà Nam, và Đổng Minh Ngọc, tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thời trang Hà Nam, đã hạ cánh xuống Úc và Mỹ rất lâu, song không ai biết hai nhân vật này ôm đi bao nhiêu tài sản.
Báo cáo trên thẳng thừng cảnh báo hiện trạng tuồn tiền tham nhũng ra nước ngoài có thể “làm xói mòn kỷ luật Đảng và đã gây hại cho nền kinh tế Trung Quốc”. Báo cáo khẳng định: “Việc kiên quyết trừng trị và ngăn chặn tham nhũng hiệu quả là vấn đề sống còn để lấy được lòng tin của công chúng, hoặc là chúng ta sẽ mất tất cả”.
(Theo BeeNet/Tuổi trẻ/THX, Nhân Dân Nhật Báo)