Ba quốc gia Trung Á là Kazakhstan, Turkmenistan và Azerbaidan đang nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn thu đến từ dầu mỏ và khí đốt và từng bước thu hút khách du lịch, những doanh nhân trên khắp thế giới bằng những kế hoạch đầy thạm vọng bên bờ biển Caspi.
Dinh cơ Pharaon thời hiện đại
Tại một số quốc gia Trung Á như Azerbaijan việc tung tiền những khoản tiền khổng lồ để đầu tư vào những kế hoạch đôi khi là hoang tưởng đã trở thành một điều bình thường. Gần đây cùng với Azerbaijan, 2 quốc gia giàu tài nguyên năng lượng của khu vực Trung Á khác là Kazakhstan, Turkmenistan đã công bố những kế hoạch khủng nhằm xây dựng bên bờ biển đóng lớn nhất thế giới những khu siêu đô thị giải trí và kinh doanh, được đánh giá là có thể bắt kịp và vượt xa những dự án đảo nhân tạo khổng lồ đã từng triển khai tại Dubai.
Năm ngoái, Azerbaijan đã tung ra ý tưởng xây dựng đảo nhân tạo với hình thức tương tự tại Tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE nhưng ở quy mô lớn hơn. Theo dự án này, một thành phố mới sẽ mọc lên giữa biển Caspi, cách đất liền khoảng 4 - 8 km, dự kiến dự án sẽ được thực hiện trong vòng 25 năm. Avesta, một tập đoàn tư nhân của Azerbaijan sẽ đảm nhiệm thực hiện dự án này và dự tính sẽ tạo ra một kỳ quan trên biển trên một diện tích rộng 30 000 m2. Ngoài những tòa cao ốc 25 tầng, khu kinh doanh và các trung tâm thương mại, các tác giả của siêu dự án còn dự tính xây dựng một tòa nhà cao nhất thế giới - một khách sạn 185 tầng có tên là Tháp Azerbaijan.
Tổng chi phí để triển khai dự án ước tính là 100 tỷ USD, lớn hơn cả GDP hàng năm của quốc gia Trung Á này. Để được vào sống ở khu nhà cao cấp này, người dân sẽ phải mua những căn nhà với giá... 4000 USD/m2. Đây sẽ là một trong những nguồn thu chính của dự án, cùng với doanh thu từ hoạt động du lịch, cho thuê văn phòng.
Không hề tỏ ra thua kém, người láng giềng Kazakhstan, một cường quốc dầu mỏ trong khu vực, cũng đã triển khai một dự án "khiêm nhường" khác bên bờ biển Caspi với tổng trị giá khoảng 2.8 tỷ USD. Có tên là Kenderli, dự án này sẽ bao gồm tổ hợp 23 khách sạn, 4000 căn biệt thự và nhà ở và có thể đón lượng khách tới 22 000 người. Khu tổ hợp này dự kiến sẽ thu hút về cho Kazakhstan nửa triệu lượt du khách mỗi năm. Các nhà thiết kế cũng hứa hẹn sẽ xây dựng những công trình độc đáo, mang đậm nét văn hóa đất nước như các lều du mục hiện đại, các bể kính, đường hầm cỡ lớn...
Kenderli sẽ được xây dựng trên diện tích 1700 hecta, trong đó có 700 ha thuộc đất của tư nhân mặc dù luật pháp của Kazakhstan chỉ cho phép thiết lập khu kinh tế tự do trên phần đất thuộc quản lý của nhà nước. Giới chức Kazakhstan khẳng định rằng Kenderli sẽ là điểm đến hàng đầu của các hoạt động giải trí sinh thái trong thế kỷ 21.
Tại Turkmenistan, ý tưởng thành lập một khu giải trí bên bờ biển ở thành phố Avaza, gần thành phố cảng Turkmenbachi được nguyên Tổng thống Saparmourat Niazov (đã mất năm 2006) thai nghén từ lâu. Tuy nhiên, phải đợi tới vị Tổng thống tiếp theo Gourbangouly Berdymoukhamedov, ý tưởng này mới được triển khai trên thực tế với một dự án mang tên khu vực du lịch quốc gia Avaza.
Với 5 tỷ USD đầu tư, 60 khách sạn sẽ được xây dựng tại Avaza. Một khi dự án được hoàn thành, theo như lời của vị Tổng thống đương nhiệm, Turkmenistan hoàn toàn có thể cạnh tranh với Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp trong ngành công nghiệp không khói. Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, ông tuyên bố sẽ dành nhiều ưu tiên cho các nhà đầu tư của tất cả các nước như hoàn lại lợi nhuận hay việc tự do chuyển đổi sang các loại ngoại tệ khác nhau.
Tính khả thi của dự án
Đánh giá về những dự án chưa từng có tại khu vực Trung Á như trên, nhiều người nghi ngờ về tính khả thi của chúng, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những cái giá phải trả cho việc triển khai chúng là khá đắt.
Làm thế nào để Azerbaijan thu lời được từ các hòn đảo nhân tạo trong khi lương trung bình của người lao động nước này mới chỉ khoảng 460 USD/tháng. Một người dân Azerbaijan bình thường sẽ phải nhịn ăn trong suốt 70 năm mới có thể mua được căn hộ 100m2 với giá 4000 USD sẽ được xây dựng. Với dự án của mình, Azerbaijan kỳ vọng có thể thu hút được 1 triệu người giàu trên thế giới. Đây có vẻ là một điều không hợp lý bởi liệu có thật cần thiết khi xây dựng một thành phố có sức chứa 1 triệu người ngay cạnh thủ đô Baku đã có 3 triệu người dân sinh sống (chiếm 1/3 dân số nước này)?
Với Turkmenistan, Avaza có vẻ sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tuy vậy, khả năng duy trì dự án này cũng khá khó khăn xét trong bối cảnh nền kinh tế đất nước và mức sống của người dân nước này. Với thu nhập bình quân khoảng 280 USD/tháng và tỷ lệ thất nghiệp lên tới gần 50%, Avaza có lẽ chỉ dành cho những khách ngoại quốc.
So với dự án của hai nước láng giềng, Kenderli của Kazakhstan có vẻ khả thi hơn cả. Song còn một số rào cản cần dỡ bỏ như việc hủy quy chế thị thực để thu hút những khách du lịch nước ngoài. Vấn đề sinh thái cũng cần hết sức quan tâm. Các nhà đầu tư yêu cầu khu vực 40 km xung quanh tổ hợp Kenderli phải hoàn toàn trong lành, không bị vấn nạn ô nhiễm môi trường đe dọa.
Nhiều ý kiến tỏ ra lạc quan khi cho rằng chính phủ Kazakhstan hoàn toàn có khả năng xây dựng một khu nghĩ dưỡng uy tín bên bờ biển sau khi đã thành công trong việc xây dựng một thành phố nổi tiếng như Astana giữa vùng hoang mạc Trung Á. Trong khi đó, nhiều người phản đối lo ngại rằng trong suốt 20 năm sau khi độc lập, ngoài việc xây dựng thành công thủ đô mới Astana kể trên, chưa từng có một dự án nhiều tỷ đô nào được triển khai thành công. Mặt khác, mặc dù là một trong những cường quốc về dầu mỏ (đứng 11 thế giới về trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên) nhưng quốc gia này chưa có được nhiều cơ sở tinh luyện dầu, mà vẫn phải phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng từ thời Xô viết để lại. Kazakhstan chỉ có 3 nhà máy lọc dầu và chúng không đủ năng lực xử lý tổng sản lượng dầu thô khai thác vì thế đa phần dầu thô được xuất khẩu sang Nga.
(Theo VEF)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com