Giới truyền thông quốc tế gần đây liên tục công bố những thông tin gây "sốc" về kinh tế Trung Quốc. Dù theo sau đó là những lời phản bác từ phía Bắc Kinh nhưng dư luận thế giới vẫn rất lưu tâm với những tin “giật gân” này.
‘Tin sốc’ dồn dập
Những lời “tiên đoán” về việc kinh tế Trung Quốc sẽ nhanh chóng soán ngôi nền kinh tế số 1 của Mỹ liên tục được đưa ra. Chỉ riêng trong hai tuần gần đây, giới chuyên gia thế giới đã “tung” tới hàng chục nhận định “giật gân” về “con rồng châu Á” này.
Mở màn cho làn sóng này là ông Takatoshi Ito, một chuyên gia kinh tế tại ĐH Tokyo. Trong tác phẩm “Đánh giá chính sách kinh tế châu Á”, ông Ito viết rằng, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào khoảng năm 2021 - 2027, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại. Một kịch bản nữa có thể xảy ra là Trung Quốc sẽ như Nhật Bản, đánh mất vị trí thứ 2, nhưng xác suất xảy ra rất thấp.
“Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới trước năm 2027. Có vẻ như điều đó rất chắc chắn”, ông Ito nhấn mạnh. Theo chuyên gia này, dân số Trung Quốc gấp bốn lần Mỹ, do vậy, Trung Quốc chỉ cần mức GDP bình quân đầu người bằng 1/4 của Mỹ là mọi chuyện thay đổi. Hiện nay, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc bằng 1/11 của Mỹ.
Nhận định của ông Ito thậm chí còn lạc quan hơn cả chuyên gia kinh tế Arvind Subramanian thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson, người cho rằng, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2030.
Bước đột phá trong nền kinh tế Trung Quốc khiến nhiều chuyên gia mường tượng đến một ngày không xa, Bắc Kinh sẽ soán ngôi Washington.
Chia sẻ quan điểm với hai chuyên gia trên, Giám đốc điều hành ngân hàng HSBC, Stuart Gulliver cho rằng, tính tới năm 2050, trong số 30 nền kinh tế hàng đầu thế giới, các quốc gia mới nổi sẽ chiếm tới 19 vị trí. Riêng Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngoài vấn đề thứ bậc kinh tế, sức mạnh của đồng nội tệ Trung Quốc cũng trở thành một đề tài “nóng hổi” của các nhà phân tích. Theo ông Stuart Gulliver, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ trở thành một trong ba đồng tiền chính trong thanh toán thương mại quốc tế.
Chuyên gia kinh tế Ito cũng cho rằng, Trung Quốc thành công trong việc biến nhân dân tệ thành loại tiền tệ quan trọng trong khu vực. Và bây giờ, họ đang bắt đầu tìm kiếm vị thế của nó trên thị trường tài chính quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những nhận định tích cực cũng có không ít “tin sốc” bi quan về nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới này.
Tập đoàn xếp hạng tín nhiệm Fitch cảnh báo, Bắc Kinh sẽ xảy ra khủng hoảng ngân hàng vào giữa năm 2013 do hậu quả của tăng trưởng tín dụng quá nóng và giá bất động sản tăng cao. Theo Fitch, nguy cơ xảy ra khủng hoảng là 60%.
Richard Fox, giám đốc của Fitch cho biết, cơ quan này nhìn thấy nguy cơ thâm hụt lớn trong bảng cân đối ngân hàng và một vụ nổ bong bóng tài sản.
Theo một cuộc giám sát của Fitch bắt đầu vào năm 2005, nguy cơ xảy ra khủng hoảng hệ thống tại Trung Quốc xếp ở mức MPI3, mức cao nhất trong ba loại rủi ro mà Fitch xếp hạng.
Nguy cơ về bong bóng bất động sản Trung Quốc cũng là một đề tài "hot".
Tháng 12/2010, giá bất động sản tại Trung Quốc tăng tháng thứ 19 liên tiếp, mức tăng đạt 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, giới truyền thông thế giới cũng dấy lên mối lo ngại về nguy cơ “bong bóng” bất động sản Trung Quốc. Theo nghiên cứu của Citigroup, thị trường nhà đất Trung Quốc nhiều khả năng đang hướng tới tình trạng bong bóng bởi kinh tế nước này quá phụ thuộc vào bất động sản. Mức độ phụ thuộc đã lên tương đương như thời kỳ bong bóng nhà đất căng thắng nhất tại Mỹ và Nhật.
Ngoài ra, tính toán mới đây từ Ngân hàng Morgan Stanley cũng cho thấy, giá nhà đất tại Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến tăng quá cao đến nỗi khoản tiền chi trả thế chấp chiếm tới hơn 80% thu nhập trung bình.
Thực hư ‘mập mèm’
Đối mặt với hàng loạt thông tin “giật gân” trên, giới chức và chuyên gia Trung Quốc gần đây phải liên tục lên tiếng.
Làn sóng “phản bác” dữ dội nhất liên quan đến thứ hạng kinh tế của Trung Quốc. Ông Cheng, lãnh đạo cơ quan hoạch định chính sách Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, Mỹ vẫn sẽ là cường quốc đứng đầu thế giới trong ít nhất 20 năm tới.
Theo ông, Bắc Kinh không cho rằng, Washington đang suy yếu đến mức không thể cải thiện được hoặc hai bên sẽ sớm gần ngang bằng. “Mỹ vẫn là Mỹ. Nước này chiếm 1/4 nền kinh tế thế giới, có sức mạnh quân sự, khoa học vượt trội và chúng ta không đánh giá thấp khả năng điều chỉnh và phục hồi của họ”, ông Cheng nhấn mạnh.
Trong khi đó, giới chuyên gia kinh tế thế giới thì đánh giá, các quốc gia về cơ bản sẽ không kéo dài được hiện tượng tăng trưởng nóng, một hiện tượng vốn là điểm xuất phát của mọi dự đoán. Cuối cùng thì các chi phí sẽ tăng dần, sức ép bên trong gia tăng và những giới hạn tự nhiên sẽ kìm hãm, thậm chí dẫn nền kinh tế quốc gia tăng trưởng theo chiều ngược lại.
Trung Quốc phủ nhận nguy cơ khủng hoảng ngân hàng.
Ngoài ra, trước nhận định về nguy cơ khủng hoảng ngân hàng, ông Xiao Gang, Chủ tịch ngân hàng Trung Quốc (BoC) tuyên bố: “Những khả năng về một sự gia tăng lớn các khoản nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng là rất nhỏ”.
Theo ông Xiao Gang, cho tới nay các ngân hàng Trung Quốc chưa chứng kiến bất kỳ ví dụ điển hình nào về những con nợ không thể hoàn trả các khoản vay.
Quan chức này cũng cho biết, việc các ngân hàng Trung Quốc mở rộng các khoản vay nhanh chóng trong những năm gần đây cho các khách hàng lẻ cá nhân để mua nhà và ô tô cũng đã làm giảm nguy cơ của một cuộc khủng hoảng ngân hàng. “Tất cả đều biết rằng người Trung Quốc có một truyền thống trả lại các khoản vay và sẽ chỉ vay khi họ có điều kiện hoàn trả trong tương lai”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nước ngoài cho rằng, những luận điểm phản bác của ông Xiao không thuyết phục.
... vẫn ‘hút’ dư luận
Dù độ xác thực của những thông tin “câu khách” về kinh tế Trung Quốc đến nay chưa được rõ ràng nhưng dư luận thế giới vẫn rất quan tâm.
Sau khi vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong năm ngoái, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 8% cho năm 2011 và 7% một năm cho giai đoạn từ 2011-2015.
Lý giải cho hiện tượng này, ông Joseph Stiglitz, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel cho rằng, Trung Quốc là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và cho đến nay đóng vai trò như một đầu máy chính kéo nền kinh tế thế giới thoát khỏi suy thoái.
“Theo dõi sức bật của nền kinh tế Trung Quốc, thế giới sẽ có cơ sở để nhận định về chiều hướng kinh tế thế giới”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, kết quả khảo sát của hơn 1.000 tổ chức đầu tư của Barclays Capital cho thấy, nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối thị trường tài chính. Nguy cơ đó còn lớn hơn cả biến động chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi hay cả mối lo ngại về khủng hoảng nợ công và lạm phát tăng vọt trên toàn thế giới.
Không chỉ tác động đến kinh tế thế giới nói chung, biến động trong nền kinh tế Trung Quốc cũng có thể ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của một số nước nhất định.
Chỉ riêng hai tháng đầu năm 2011, các công ty Trung Quốc đã đầu tư 5,27 tỷ USD vào 680 công ty ở nước ngoài. Vì vậy, sự gia tăng hay suy giảm của kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của nước sở tại. Đó cũng là lý do cho sự quan tâm của dư luận thế giới đối với nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới này.
---------------------
Bích Diệp (tổng hợp)// Báo Đất Việt
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com