Giữa lúc thị trường tài chính toàn cầu tập trung cao độ sự chú ý vào cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp, một chiến lược gia ngân hàng cho rằng, tình hình nợ nần của Trung Quốc cũng nguy hiểm không kém quốc gia châu Âu này là mấy.
Trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC, nhà phân tích Jim Antos thuộc Công ty Mizuho Securities Asia cho rằng, tính trên thang điểm từ 1 đến 10 về mức độ nguy hiểm của nợ nần, thì Trung Quốc đang ở cấp độ 8.
“Tôi lo ngại về các ngân hàng Trung Quốc. Có rất ít thông tin thật và quá nhiều nỗi lo về hoạt động cho vay “ngầm” của họ”, ông Antos nói.
Trong khoảng thời gian từ tháng 12/2007 - 5/2011, lượng vốn tín dụng cấp mới của các ngân hàng Trung Quốc tăng gấp đôi. Chuyên gia Antos xem đây là “một ví dụ tiêu biểu về bong bóng tín dụng”.
Mặc dù trong hai năm qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc đã giảm một nửa, còn 15%, lượng vốn được cấp trong suốt khoảng thời gian này vẫn khiến chuyên gia Antos cảm thấy âu lo. Số vốn tín dụng tính trên đầu người của Trung Quốc trong năm 2010 là 6.500 USD, so với GDP đầu người là 4.400 USD. Theo ông Antos, đây là một con số không bền vững.
“Những khoản vay cấp ồ ạt trong hai năm qua sẽ đáo hạn trong 2-3 năm tới, và sẽ là đáng ngạc nhiên nếu không xảy ra một cú sốc tín dụng nào”, ông Antos phát biểu. Chuyên gia này cũng cảnh báo, tỷ lệ nợ xấu hiện ở mức 1% tổng dư nợ của các ngân hàng Trung Quốc sẽ tăng trong thời gian tới.
“Một số chuyên gia ước tính, tỷ lệ nợ xấu này sẽ tăng lên đến mức 6-10%, thậm chí là 15% tổng dư nợ trong thời gian vài năm tới. Mặc dù những dự báo này có phần phi thực tế, tôi tin là tỷ lệ nợ xấu trong các ngân hàng Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi trong 3 năm tới”, ông Santos dự báo.
Mặc dù tin là tỷ lệ vốn nòng cốt của các nhà băng Trung Quốc không kém nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế theo sự điều chỉnh mới đây, ông Santos vẫn cho rằng, các ngân hàng ở Trung Quốc đại lục không có đủ vốn để ngăn chặn rủi ro mà bảng cân đối kế toán của họ đem lại.
Với quan điểm tương tự, nhà phân tích cấp cao Davi Marshall thuộc Công ty Asia-Pacific Financials CreditSights nhận định, mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng ở Trung Quốc đã chậm lại, sự phát triển kinh tế bùng nổ của nước này đã khiến các ngân hàng chật vật trong việc đạt tỷ lệ đủ vốn bắt buộc.
“Tôi cho là các ngân hàng Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại ở các khoản cho vay dành cho các chính quyền địa phương và lĩnh vực bất động sản, vì sau thời kỳ tín dụng bùng nổ, các điều kiện tín dụng trở nên thắt chặt hơn, thị trường tài sản cũng không mấy thuận lợi. Tôi chắc là những khoản nợ xấu sẽ xuất hiện”, ông Marshall nói.
----------------------------
Tác giả: An Huy // Theo Vneconomy
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com