Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trung Quốc được lợi gì từ thảm họa ở Nhật?

Trung Quốc cử đội cứu hộ sang Nhật Bản.

Tờ China Daily dẫn lời các chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, việc tăng giá dầu mỏ, khí đốt và các mặt hàng khác, do nhu cầu tăng cao khi Nhật Bản tiến hành các hoạt động tái thiết, sẽ khiến áp lực lạm phát của Trung Quốc trở nên nặng nề hơn.

Theo ông Vikram Nehru, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB, nhu cầu lớn về hàng hóa của Nhật Bản để khắc phục hậu quả thiên tai, sẽ làm gia tăng mạnh nhu cầu hàng hóa vốn đã ở mức cao trên toàn thế giới.

Ông Nehru cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục thắt chắt chính sách tiền tệ trong năm nay. Để hấp thụ được thanh khoản và kiểm soát lạm phát, ngân hàng Trung ương của Trung Quốc đã tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc 9 lần kể từ đầu năm 2010.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, thảm họa động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản cũng mang lại cho Trung Quốc những lợi ích không hề nhỏ về mặt chính trị, chưa kể còn mang lại khả năng hàn gắn mối quan hệ ở khu vực Đông Á, vốn đã trở nên "căng như dây đàn" do các tranh chấp về lãnh thổ gây ra trước đây.

Nâng hình ảnh quốc tế

Theo tờ South China Morning Post ngày 21/3, trong vài tuần qua, thế giới đã chứng kiến một nước Trung Quốc tự tin hơn, quyết đoán hơn, qua những chiến dịch quy mô lớn bảo vệ công dân nước này ở nước ngoài, từ việc sơ tán người lao động khỏi Lybia cho tới những khu vực gánh chịu thiên tai ở Nhật Bản.

Không chỉ có thế, giữa tuần trước, hôm 18/3, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bất ngờ tuyên bố nước này sẽ hoãn lại kế hoạch xây dựng cơ sở năng lượng hạt nhân mới. Theo đó, kế hoạch trung hạn và dài hạn phát triển các nhà máy hạt nhân ở nước này cũng sẽ được “điều chỉnh và cải thiện”.

Trung Quốc cũng gấp rút kiểm tra những lò phản ứng hạt nhân còn hoạt động trong nước. Hiện tại, Trung Quốc có 27 nhà máy điện hạt nhân mới đang trong quá trình quy hoạch và xây dựng, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào, chiếm 40% trong số những nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng trên toàn thế giới.

Đây được coi là phản ứng nhanh chóng sau khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản, bất chấp vài ngày trước đó, các quan chức cao cấp thuộc ngành công nghiệp Trung Quốc còn khẳng định chương trình năng lượng hạt nhân đầy tham vọng của nước này sẽ không thay đổi.

Các nhà phân tích cho rằng, những động thái trên, một số hoàn toàn đi trước hầu hết các quốc gia khác, chắc chắn sẽ giúp Trung Quốc nâng cao hình ảnh quốc tế của mình, trong bối cảnh thế giới đang có nhiều quan ngại về sự trỗi dậy cũng như tham vọng của cường quốc này.

Hành động bảo vệ công nhân nhanh chóng cũng giúp tăng sự ủng hộ của dư luận trong nước với hệ thống chính trị hiện nay. Trong vụ việc ở Lybia, Trung Quốc đã điều động tàu hộ tống Từ Châu, có trang bị giàn phóng tên lửa cùng nhiều máy bay vận tại quân sự đến khu vực. Đây là lần đầu tiên, Bắc Kinh sử dụng các phương tiện quân sự để cứu giúp kiều dân của mình ở một vùng xa xôi như vậy.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu khi đó nhận định, chiến dịch sơ tán kiều dân Trung Quốc ra khỏi Lybia là minh chứng cho sức mạnh ngày càng gia tăng của nền kinh tế đứng hàng thứ hai trên thế giới, "thu hút sự chú ý của toàn thế giới", làm tăng thêm sự kính nể đối với Trung Quốc, "kể cả từ phía các nước phát triển".

Hãng tin AFP dẫn lời giáo sư khoa học chính trị Hồ Vĩnh Tinh, trường đại học Hồng Kông, thừa nhận là kế hoạch di tản của Trung Quốc rất hiệu quả. "Trong vòng ba bốn ngày, họ đã đưa được đa số người lao động ra khỏi Lybia".

Hồ Tinh Đẩu, Giáo sư kinh tế thuộc Viện Công nghệ Bắc Kinh, cho rằng, trước đây Trung Quốc không làm tốt khâu quản lý khủng hoảng quốc tế. Nhưng hiện tại, Bắc Kinh đang ửng xử có trách nhiệm với công dân của mình. Theo ông Hồ, điều này đánh dấu sự tiến bộ của Trung Quốc.

Các chuyên gia khác cho rằng, những động thái trên phản ánh một đặc trưng mới của Chính phủ Trung Quốc. Mao Thọ Long, Giáo sư khoa học chính trị trường Quản lý công thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định: "tất cả phản ánh chính trị vì dân, coi trọng hơn tính mạng, cuộc sống của người dân và điều này được khen ngợi ở khắp mọi nơi".

Một giáo sư khác thuộc trường Đại học Nhân dân, Kim Xán Vinh, cho rằng việc tập trung vào chính sách vì dân là một phản ứng của lãnh đạo nước này trước những yêu cầu, đòi hỏi của giới trung lưu thành thị vốn đang ngày càng tăng, được giáo dục cao và có xu hướng gắn kết hệ thống.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích khác bình luận, với sức mạnh kinh tế tăng nhanh, Bắc kinh cần đóng một vai trò tích cực hơn trong các vấn đề quốc tế. Vì cơn khát năng lượng và nguyên liệu thô cho tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đang đầu tư ra nước ngoài nhiều tỷ USD mỗi năm, thường ở các quốc gia dễ nảy sinh biến động. Do vậy, Bắc Kinh buộc phải nhanh nhẹ hơn trong việc bảo vệ các đầu tư và lợi ích của mình.

Theo số liệu chính thức, tính cho đến cuối 2010, có khoảng 847.000 người Trung Quốc làm việc ở nước ngoài, tức là cao hơn năm 2009 khoảng 69.000 người. 30% làm việc trong lĩnh vực xây dựng, hạ tầng cơ sở.

Trong khoảng 10 năm lại đây, sự hiện diện của lao động Trung Quốc ngày càng đông đảo tại châu Phi, đặc biệt là Angola, Nam Phi, Sudan, Nigeria. Cũng tại châu lục này, Bắc Kinh đầu tư nhiều vào lĩnh vực dầu lửa, quặng mỏ, nông nghiệp và chế biến sản phẩm. Năm 2009, Trung Quốc là đối tác thương mại chủ yếu của châu Phi.

Theo giới phân tích, do vậy, chính quyền Bắc Kinh cần phải chứng minh rằng họ sẽ hành động bảo vệ công dân của mình, nhất là trong những trường hợp nghiêm trọng như tình hình tại Lybia hay Nhật Bản.

Thời báo Hoàn Cầu bình luận, việc sơ tán lao động Trung Quốc ra khỏi Lybia đã được khởi động ngay lập tức, điều này minh chứng cho khả năng hành động nhanh chóng của chính phủ trước tình hình khẩn cấp.

Trên một khía cạnh khác, tờ South China Morning Post dẫn lời ông Vương Dật Châu, giáo sư quan hệ quốc tế tại trường Đại học Bắc Kinh, cho rằng các hành động mạnh mẽ vừa qua của Trung Quốc cũng bắt nguồn từ sức ép xã hội. Sự quan tâm sâu sát của truyền thông truyền thống và các cư dân mạng đã buộc các nhà chức trách phải thể hiện rõ hơn tinh thần trách nhiệm.

Quan hệ Đông Á bớt căng

Trong một bài viết khác, cũng trên tờ South China Morning Post, cuộc họp ba bên cuối tuần qua giữa Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ba nước Trung, Nhật, Hàn đã cho thấy cơ hội cải thiện quan hệ tại khu vực Đông Á này, cho dù giữa các bên vẫn còn những khác biệt phức tạp.

Các quan chức Nhật Bản đã đánh giá cao các phiên họp ở Kyoto, trong đó có cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì và người đồng nhiệm Nhật Bản Takeaki Matsumoto. Ông Dương Khiết Trì chia sẻ sự cảm thông và đề nghị giúp đỡ Nhật Bản nhiều hơn sau trận động đất, sóng thần và thảm họa phóng xạ.

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc không tỏ ra nhượng bộ khi ông Matsumoto ngỏ ý muốn khởi động lại đàm phán về cùng phát triển các mỏ khí đốt ở khu vực hai bên đang tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông. Theo hãng tin Kyodo, ông Dương Khiết Trì nói rằng, trước tiên, cần tạo ra một không khí thích hợp cho các cuộc đàm phán như vậy.

Các quan chức Nhật Bản liên tục nhấn mạnh về sự cởi mở, thân thiện, không hề có thái độ thù nghịch trong cuộc họp ba bên cuối tuần qua. Đây là một hình ảnh hoàn toàn ngược với tình hình vài tháng trước, khi Nhật Bản và Trung Quốc căng thẳng sau vụ Nhật Bản bắt giữ một thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc gần quần đảo tranh chấp Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư).

Những căng thẳng đó từng khiến Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hủy một cuộc họp chính thức với người đồng cấp Nhật Bản Naoto Kan bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Đông Á hồi tháng 10/2010.

"Nếu thảm họa hiện nay có thể làm quan hệ hai bên dịu bớt, thì sau cùng sẽ có những kết quả tốt, nhưng giờ mới là giai đoạn đầu... và không ai cho rằng, những bất đồng giữa các bên sẽ bị triệt tiêu. Tuy nhiên, chúng tôi thực sự đánh giá cao sự giúp đỡ nhiệt tình của Trung Quốc và Hàn Quốc", một quan chức Nhật Bản cho hay.

Kể từ khi xảy ra động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản, Trung Quốc đã có những động thái tích cực, góp phần nào vào việc làm quan hệ song phương trở nên hòa hoãn hơn, như hỗ trợ chuyên gia giải cứu nạn nhân, hỗ trợ chăn màn, nước uống.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt cũng đã có cuộc đối thoại được đánh giá là "hiếm có" với người đồng cấp Nhật Bản. Ở chiều ngược lại, Tokyo cũng chủ động đề nghị Bắc Kinh gửi giúp một máy bơm khổng lồ để làm lạnh khẩn cấp các lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Theo kênh truyền hình CNN, sự giúp đỡ của Trung Quốc tại Nhật Bản cũng được thể hiện qua hành động của học sinh, sinh viên Trung Quốc. Jing Yao, sinh viên trường Học viện Văn hóa và Ngôn ngữ Bắc Kinh cho hay, “tình hình ở Nhật Bản hiện rất nguy kịch. Vì vậy, chúng tôi hy vọng hoạt động (quyên góp) này có thể bù đắp phần nào sự mất mát của người dân Nhật. Chúng tôi cũng muốn họ biết rằng, triệu triệu người Trung Quốc đang hướng về họ”.

Các sinh viên tại trường Học viện Văn hóa và Ngôn ngữ Bắc Kinh cho hay, chiến dịch từ thiện hướng tới người dân Nhật của họ có ý nghĩa hơn nhiều so với số tiền họ quyên góp được. “Trong những lúc hoạn nạn này, tình người có thể vượt qua mọi rào cản, qua đó có thể hàn gắn được mối quan hệ sứt mẻ”, Jing Yao nói.

CNN dẫn lời David Kelly, giáo sư thuộc trường Đại học Công nghệ Sydney, nhấn mạnh, "đây là cơ hội hiếm có để Trung Quốc gợi lại những giá trị lâu đời trong mối quan hệ hợp tác Trung Quốc và Nhật Bản”.

(Theo Vneconomy)