Nhu cầu nông sản của Trung Quốc đang tăng mạnh, trong khi nguồn cung từ trong nước bị hạn chế. |
Trung Quốc sẽ trở thành nước nhập khẩu nông sản hàng đầu thế giới trong vòng 5-10 năm nữa, do diện tích đất trồng trọt giảm sút và kỹ thuật nông nghiệp “tương đối thấp”, tờ Thời báo Bắc Kinh cho hay.
Dẫn lời ông Cheng Guoqiang, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu phát triển – Quốc vụ viện Trung Quốc, báo trên cho biết, diện tích đất canh tác trên đầu người của nước này hiện không đến 40% so với mức trung bình trên thế giới.
Bên cạnh đó là cơ cấu tổ chức kém phát triển, nông nghiệp thiếu sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật. Do vậy, sản lượng các loại hàng hóa nông nghiệp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt với tình trạng giảm sút lớn.
Hiện tại Trung Quốc đã là nước nhập khẩu đậu tương và bông vải lớn nhất thế giới. Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ ngô lớn vào hàng thứ nhì trên thế giới, và đang ngày càng tăng lượng đường nhập khẩu từ nước ngoài.
Theo một báo cáo riêng rẽ đăng trên trang web chính thức của Diễn đàn Bắc Kinh, chuyên gia Cheng đã mô tả việc nhập khẩu đậu tương là việc “bất khả kháng”.
Lượng nhập khẩu đậu tương đã bắt đầu tăng dần, sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001. Năm ngoái, lượng nhập khẩu đậu tương đã đạt mức kỷ lục là 54,8 triệu tấn khối, tương đương 80% lượng tiêu thụ nội địa.
Trung Quốc hiện cũng đã trở thành nước nhập khẩu ròng ngô, nguyên liệu chính làm thức ăn chăn nuôi. Theo Trung tâm Thông tin lúa gạo và xăng dầu Trung Quốc, lượng nhập khẩu ngô sẽ đạt tới 5 triệu tấn trong năm kinh doanh bắt đầu từ 1/10.
Hồi tháng 6, Ủy ban Ngũ cốc Quốc tế cũng từng đưa ra dự báo Trung Quốc có thể phải nhập đến 5 triệu tấn ngô trong năm 2011, do hạn hán và lạm phát cao. Hôm 13/10, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, Trung Quốc đã mua một lượng lớn ngô.
Trong thập niên 1990, Trung Quốc đã từng là nhà xuất khẩu ngô lớn trên thế giới, song việc xuất khẩu loại nông sản này đã bắt đầu giảm dần từ sau năm 2003 và đến năm 2009 thì hầu như hết hẳn.
Khoảng 70% lượng tiêu thụ ngô ở Trung Quốc được dùng cho chăn nuôi gia súc, phần còn lại được sử dụng để sản xuất rượu, cồn, bột ngô và các sản phẩm khác. Chỉ có một lượng rất nhỏ là được người ăn trực tiếp.
Không chỉ thiếu nông sản, Trung Quốc cũng đang phải nhập khẩu rất nhiều các mặt hàng súc sản như thịt lợn, thịt gà từ các thị trường ngoài nước, nhằm đáp ứng được lượng tiêu thụ rất lớn từ trong nước.
Riêng mặt hàng thịt lợn, lượng nhập khẩu năm nay vào Trung Quốc sẽ đạt mức kỷ lục, do nguồn cung trong nước giảm sút giữa lúc nhu cầu và giá cả tăng vọt. Nguồn nhập mà Trung Quốc chú trọng là Mỹ, bởi giá ở đây rẻ hơn so với các nguồn khác.
Theo Feng Yonghui, Tổng giám đốc Soozhu.com, hãng nghiên cứu về thịt lợn tư nhân lớn nhất của Trung Quốc, nước này sẽ nhập hơn 400.000 tấn thịt trong năm nay. Tính cả phụ phẩm và nội tạng, con số có thể lên tới tổng cộng 850.000 - 900.000 tấn.
Trong 9 tháng đầu năm, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, lượng nhập đã lên tới 250.123 tấn thịt lợn, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy đúng theo dự đoán thì nước này sẽ nhập khoảng 150.000 tấn nữa trong 3 tháng cuối năm.
Nhập khẩu thịt lợn và phụ phẩm cùng nội tạng trong 9 tháng qua ước đạt 620.598 tấn, gần bằng mức nhập của cả năm ngoái.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, cùng với việc dân số tăng trưởng và kinh tế được cải thiện, đời sống người dân được nâng lên, người Trung Quốc sẽ nhập khẩu thịt nhiều hơn nữa, lên gần 500.000 tấn theo trong năm tới.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về sản phẩm nông nghiệp, công ty kinh doanh nông sản lớn nhất Trung Quốc - COFCO, sẽ dành hơn 10 tỷ USD để mua lại cổ phần các công ty nước ngoài trong 5 năm tới, tờ China Daily cho biết hồi tuần trước.
“Do các nguồn nông sản trong nước bị hạn chế, nên chúng ta phải tìm kiếm ở nước ngoài”, tờ báo dẫn lời ông Jiang Hua, một lãnh đạo COFCO cho hay, “10 năm tới, nhu cầu thực phẩm của Trung Quốc sẽ tăng mạnh, nhất là gia cầm, gia súc, trứng, sữa”.
Tờ báo viết, COFCO sẽ mua cổ phần trong công ty Mỹ, Australia và Đông Nam Á. Tháng 7/2011, COFCO mua 99% cổ phần của hãng đường Tully (Australia), hay năm 2008 đã mua 4,95% cổ phần Smithfield Foods, nhà sản xuất thịt lợn hàng đầu ở Mỹ.
“Chúng tôi dự kiến Chính phủ Trung Quốc sẽ cung cấp các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang thiết tha đầu tư ra nước ngoài, như COFCO, để có thể tham gia nhiều hơn vào các cuộc cạnh tranh toàn cầu”, ông Jiang nói.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com