Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tư liệu nghiên cứu: Trung Quốc cách tân như thế nào?

 Tuần Việt Nam giới thiệu loạt bài viết của John Kao - Chủ tịch Viện Cách tân Quy mô Lớn (ILSI), Mỹ – nói về sự cách tân của Trung Quốc, kết quả của chuyến làm việc của ông tại Trung Quốc vừa qua.

 

Loạt bài này sẽ lần lượt giới thiệu về nỗ lực cách tân của Trung Quốc trong bối cảnh nước này đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong thế giới. Tiếp đến, sẽ phân tích tại sau cách tân lại quan trọng đối với Trung Quốc, và trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có trở thành một quốc gia cách tân thực sự hay không. Bên cạnh đó, tác giả cũng phân tích mối quan hệ giữa giới chủ và cách tân, các đặc điểm, khả năng và chướng ngại trong mối quan hệ này. Đặc biệt, ông sẽ bàn về khả năng xảy ra một sự va chạm giữa Trung Quốc với Mỹ trong một cuộc "chiến tranh cách tân"...

John Kao cũng là tác giả cuốn "Quốc gia Cách tân" (Innovation Nation). Ông được tạp chí The Economist gọi là "Ngài Sáng tạo".

Tôi vừa có chuyến du lịch Trung Quốc với tư cách thành viên một nhóm chuyên gia Mỹ về sự đổi mới, cách tân của Trung Quốc. Chuyến đi nằm trong khuôn khổ một thỏa thuận giữa Chính phủ Mỹ và Chính phủ Trung Quốc nhằm đóng góp cho một "cuộc đối thoại cách tân" đang diễn ra từ hai năm nay, vì lợi ích của hai nước.

Hành trình này đã cho phép chúng tôi tiếp xúc với một loại các tác nhân trong hệ thống cách tân của Trung Quốc, bao gồm các nhà hoạch định chính sách ở trung ương và địa phương, các nhà doanh nghiệp, những nhà quản lý doanh nghiệp nhà nước, các viện sĩ hàn lâm, đại diện các nhóm cố vấn... tại nhiều "điểm nóng" cách tân ở Bắc Kinh, Nam Kinh và Thượng Hải. Chúng tôi đã được thăm các công viên khoa học, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp tiềm năng (venture incubators), các phòng thí nghiệm tập thể của các công ty đa quốc gia, cũng như các công ty mới thành lập trong lĩnh vực sinh học và truyền thông kỹ thuật số. Chúng tôi cũng đã có nhiều buổi thảo luận với các đồng nghiệp Trung Quốc về nhiều vấn đề. Điều nổi lên sau chuyến đi là một bức tranh đáng ngạc nhiên về một quốc gia đang chuyển động, với ngọn lửa mang tên.... cách tân.

Trong cuốn sách mới nhất của tôi, tôi đã định nghĩa một quốc gia đang đổi mới là "một quốc gia huy động các nguồn lực của mình một cách sáng tạo và toàn diện... một quốc gia cam kết liên tục làm mới bản chất của các khả năng cách tân của mình để cải thiện số phận nhân loại". Sau đó tôi đã thấy rằng "đến giờ không còn Quốc gia Cách tân nào. Nhưng Mỹ có tiềm năng trở thành nước đi đầu...". Và sau chuyến đi Trung Quốc vừa qua, tôi tự hỏi liệu giả định của tôi có cần xem lại, và phải chăng Trung Quốc hiện là một đối thủ để trở thành quốc gia cách tân hàng đầu?

Điều khiến tôi phải tự hỏi như vậy là việc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho rằng Trung Quốc đang trở thành một "quốc gia dựa vào cách tân" tức là "cách tân đã trở thành một động lực chính cho phát triển và với sự phát triển sáng tạo cao và khả năng đổi mới mạnh mẽ".

Mọi tranh luận về Trung Quốc phải bắt đầu từ một vài con số thống kê chung để có được toàn cảnh cái mà chúng ta nói. Với một dân số gần đạt 1,4 tỷ người, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Gần như không bị tổn thương bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc hiện đang hưởng quỹ dự trữ ngoại hối lên tới hơn 2.500 tỷ USD, trong đó hơn 1.000 tỷ USD là trái phiếu kho bạc Mỹ.

Ảnh minh họa: theo phapluatxahoi

Một số người có thể chỉ ra một số nhân tố đã thay đổi Trung Quốc trong vài thập kỷ qua để  thành công xưởng của thế giới: Người Trung Quốc làm việc rất quy tắc và tiết kiệm nhiều, cách định giá đồng nhân dân tệ (NDT) có lợi hơn USD, và các lợi ích của việc có khả năng thỏa hiệp xã hội với một nền kinh tế kế hoạch tập trung. Tất cả các nhân tố này có thể thúc đẩy sản lượng trong các lĩnh vực mục tiêu.

Có cách giải thích nào khác? Người Trung Quốc làm việc chăm chỉ để làm ra những cái mà chúng ta (những người khác) mua nợ. Những cái này ngày càng được cung cấp bởi một nền kinh tế Trung Quốc với chiến lược gia tăng thặng dư kinh tế nhờ tăng tiết kiệm và giảm tiêu dùng, và giảm các quyền xã hội mà ở Mỹ chúng ta tự trao cho mình.

Nhìn vào các đặc điểm của cách tân, Trung Quốc hiện đã cho ra đời thêm nhiều kỹ sư và nhà khoa học hơn Mỹ. Chi tiêu của Trung Quốc cho nghiên cứu và phát triển khoa học (R&D) chiếm 12% chi tiêu của toàn cầu cho lĩnh vực này, trở thành quốc gia chi tiêu nhiều thứ hai thế giới vào mục đích này. Chưa hết, đầu tư cho R&D của Trung Quốc đã tăng đến mức chiếm 1,6% GDP nước này và Trung Quốc có kế hoạch tăng con số này lên tới 2,5% vào năm 2020. Trung Quốc được cho là đang xây dựng hơn 100 trường đại học mới. Các công viên khoa học đang mọc lên như nấm sau mưa trên khắp cả nước. Và nếu như trước đây sự cô lập vì rào cản ngôn ngữ từng đặt ra khó khăn cho quá trình toàn cầu hóa, thì nay điều đáng nói là Trung Quốc đang trên đường trở thành một trong những quốc gia nói tiếng Anh lớn nhất thế giới.

Đáng chú ý nhất, giới lãnh đạo Trung Quốc đều công khai nhấn mạnh tới tầm quan trọng của cách tân, coi đây như một động lực cơ bản cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc. Điều này được phản ánh trong một tiến trình kế hoạch năng động; kế hoạch 5 năm lần thứ XI (2006-2010) của Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tân và kế hoạch 5 năm lần thứ XII hiện nay tiếp tục đề cao hơn nữa. Kế hoạch này đặt ra các nỗ lực thúc đẩy một loạt các ngành công nghiệp chiến lược mới nổi như năng lượng, bảo vệ môi trường, công nghệ thông tin thế hệ mới, khoa học vật chất và các dạng phương tiện giao thông mới. Các mô hình phát triển tài năng mới và các chế độ tài chính của chính phủ cũng là một phần câu chuyện này.

Và điều này không chỉ là lời nói suông. Cách tân được quản lý tích cực ở các cấp chính quyền. Phát triển một thế hệ mới gồm cách lãnh đạo hiểu biết về cách tân là ưu tiên hàng đầu. Đây cũng là một sự sẵn sàng thử nghiệm - cả trong các dạng venture incubators mới, các liên minh toàn cầu hay các mô hình đầu tư. Dường như tất cả đều được đặt lên bàn cân nhắc. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cố vấn về phát triển kinh tế Trung Quốc đang tích cực nghiên cứu các chiến lược cách tân và các mô hình phát triển của nước khác, đặc biệt là Mỹ.

Và trong khi mọi người hùa nhau phê bình việc Trung Quốc coi cách tân là ưu tiên tập trung vào nghiên cứu lý thuyết và đưa ra các sáng chế, thì cách nghĩ ở Bắc Kinh và các thành phố khác tinh vi hơn nhiều. Trên thực tế, Viện hàn lâm các môn Khoa học Trung Quốc định nghĩa cách tân là "một quá trình phức tạp của việc sáng tạo giá trị, bao gồm giá trị khoa học và công nghệ, giá trị văn hóa, giá trị kinh tế và giá trị xã hội, liên quan đến các hoạt động đa dạng từ khám phá khoa học, phát minh công nghệ, cách tân mô hình kinh doanh và các ứng dụng của chúng vào xã hội". Đây hẳn không phải là một định nghĩa tồi.

Như đã nói ở trên, có lẽ là quá mỉa mai nếu cuốn sách "Quốc gia cách tân" của tôi, vừa được dịch sang tiếng Trung, lại được bạn đọc Trung Quốc ưa chuộng hơn ở Mỹ, dù nó vốn được viết ra để dành cho độc giả Mỹ với mục đích thúc đẩy cuộc đối thoại của nước Mỹ về việc làm thế nào cải thiện khả năng cách tân quốc gia của nước Mỹ chúng tôi./.

Tác giả: JOHN KAO // Nguồn: Tuần Việt Nam

  • Châu Giang dịch theo CNN