Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bước đi khởi động lại nền kinh tế Mỹ

Tổng thống Mỹ B. Obama  trong tuần này chính thức ký phê chuẩn, ban hành luật kích thích kinh tế  có tổng trị giá 787 tỷ USD. Trước đó, với 60 phiếu thuận và 38 phiếu chống, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật này. Dự luật cũng được Hạ viện tán thành với 246 phiếu thuận và 183 phiếu chống.

Như vậy, so các phiên bản dự luật được Hạ viện và Thượng viện phê chuẩn riêng biệt cũng như đề xuất ban đầu, gói kích thích kinh tế do hai viện QH Mỹ thống nhất trình Tổng thống Mỹ phê chuẩn giảm đáng kể về trị giá, trong khoảng từ 32 tỷ USD đến 51 tỷ USD.

 

Kế hoạch kích thích kinh tế ban đầu có giá trị hơn 825 tỷ USD, được Tổng thống Mỹ B.Obama công bố ngày 8-1 đặt mục tiêu đưa kinh tế Mỹ thoát khỏi cơn suy thoái đang ngày càng trầm trọng. Kế hoạch được các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đệ trình QH thảo luận dưới hình thức dự luật từ giữa tháng 1 có tên gọi chính thức là "Luật tái đầu tư và phục hồi Hoa Kỳ năm 2009", mang ký hiệu H.R.1. Dự luật  là tâm điểm các cuộc tranh luận tại QH Mỹ suốt những tuần qua  giữa các nghị sĩ của đảng Dân chủ (DC) và Cộng hòa (CH). Phía đảng CH cho rằng, kế hoạch kích thích kinh tế của Tổng thống B.Obama là quá tốn kém và  không đem lại hiệu quả. Trong khi đảng DC cho kế hoạch này là cần thiết để đưa nền kinh tế Mỹ thoát khỏi suy thoái, tránh nguy cơ xảy ra "thảm họa kinh tế". Những quan điểm khác nhau chung quanh dự luật khiến tồn tại song song một phiên bản dự luật được thông qua tại Hạ viện (tổng số tiền là 819 tỷ USD) và một phiên bản thông qua tại Thượng viện (838 tỷ USD), trước khi QH Mỹ có một dự luật thống nhất. Hai phiên bản có một vài điểm chưa đồng nhất như cách thức mở rộng chương trình y tế hay ưu tiên trong chi tiêu số tiền khoảng 800 tỷ USD này. Do không quá khác biệt giữa hai phiên bản, các nhà đàm phán Thượng viện và Hạ viện không mất nhiều thời gian tìm ra tiếng nói chung. Bản dự luật chung trình Tổng thống được 246 nghị sĩ đảng DC tại Hạ viện bỏ phiếu thuận, trong khi bảy nghị sĩ DC khác cùng toàn bộ 176 nghị sĩ đảng CH đã bỏ phiếu chống. Tại Thượng viện, dự luật được thông qua, tuy vậy, ngoài các nghị sĩ đảng DC và nghị sĩ độc lập, chỉ có ba nghị sĩ thuộc đảng CH ủng hộ.

 

Dự luật dài tới 1.071 trang vừa được phê chuẩn là một trong những bước đi quan trọng tạo ra khoảng từ ba đến bốn triệu việc làm mới, khởi động lại nền kinh tế và bắt đầu quá trình chuyển đổi nền kinh tế hướng vào thế kỷ 21 trong đó hơn 500 tỷ USD sẽ được chi cho các chương trình xã hội, các dự án công trình công cộng, khoa học, năng lượng và một số lĩnh vực khác (khoảng 64%) và hơn 280 tỷ USD (khoảng 36%) để cắt giảm thuế. Nghị sĩ thuộc hai viện nhất trí dành 54 tỷ USD cho các bang đối phó thâm hụt ngân sách, trong đó có khoản dành để hiện đại hóa  ngành giáo dục, 27,5 tỷ USD cho dự án đường quốc lộ, 8,4 tỷ USD cho giao thông công cộng, 9,3 tỷ USD phát triển dịch vụ đường sắt tốc độ cao, khoảng 20 tỷ USD phát triển năng lượng tái tạo, 11 tỷ USD hiện đại hóa đường dây tải điện... Gói kích thích dành một số tiền lớn để giảm thuế, được hy vọng đem lại lợi ích cho khoảng 95% số gia đình ở Mỹ. Theo đó, dự luật nhất trí với đề xuất của Tổng thống B.Obama giãn thuế thu nhập tới 400 USD cho mỗi công nhân và 800 USD cho mỗi gia đình công nhân, dành hơn 40 tỷ USD cho trợ cấp thất nghiệp, hoãn thuế  8.000 USD cho người mua nhà lần đầu từ ngày 1-1-2009 đến ngày 1-12-2009, dành ưu đãi về thuế nhằm tăng doanh số bán ra của ngành sản xuất ô-tô Mỹ... Mục tiêu cụ thể của dự luật là phát triển nguồn năng lượng sạch và hiệu quả cho nước Mỹ, chuyển đổi kinh tế gắn với khoa học và công nghệ, hiện đại hóa đường sá, cầu cống, đường thủy, phát triển nền giáo dục trong thế kỷ 21; giảm thuế, tạo thêm việc làm, giảm chi phí y tế, hỗ trợ công nhân bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, bảo đảm công ăn việc làm trong khu vực công và bảo trợ các dịch vụ cơ bản.

 

Việc QH Mỹ thông qua dự luật kích thích kinh tế Mỹ trị giá 787 tỷ USD, Chính quyền do Tổng thống Mỹ B. Obama lãnh đạo đã vượt qua thử thách đầu tiên kể từ khi điều hành đất nước. Tuy nhiên, niềm hy vọng của ông Obama về sự hợp tác hai đảng trong QH chưa thành hiện thực  khi hầu như toàn bộ nghị sĩ đảng CH tại hai viện QH không ủng hộ dự luật này. Bất đồng trong QH Mỹ chung quanh dự luật có khả năng sẽ là những trở ngại trong thời gian tới, khi diễn ra quá trình giải ngân và thực thi gói kích thích kinh tế. Cho đến nay, hiệu quả thật sự mà gói kích thích kinh tế mang lại vẫn là mối quan tâm lớn của đông đảo người dân Mỹ.

(Theo báo Nhân dân )

  • 2008-năm khốn đốn của ngành ô tô Mỹ
  • Canada trong cuộc khủng hoảng kép
  • Quốc hội Mỹ thông qua lần chót kế hoạch kích thích kinh tế
  • Tình tiết mới về vụ “mua quan bán tước” tại Mỹ
  • ASEAN+3 tìm giải pháp vực dậy nền kinh tế khu vực
  • Mỹ đối mặt vụ phá sản doanh nghiệp lớn nhất từ đầu năm
  • Chính quyền mới của Mỹ hướng về châu Á
  • Mỹ lún sâu vào khủng hoảng