“Giờ đây, đối với mỗi đảng, dường như sự thành công trên chính trường – tức giành phần thắng trong các cuộc bầu cử và nắm giữ quyền lực tại Washington – có ý nghĩa quan trọng hơn so với các vấn đề thực tế trong quản lý nhà nước.” Nhà báo Charles Gigson bình luận. Tác giả Charles Gibson là người dẫn chương trình nổi tiếng của kênh ABC, ông là nhà nghiên cứu năm 2010 tại Trung tâm báo chí, chính trị và chính sách công Shoreinstein thuộc Đại học Harvard. Diễn đàn Kinh tế Việt Nam trân trọng giới thiệu bài nghiên cứu nhiều kỳ của ông tại trung tâm Shoreinstein với chủ đề: Khôi phục bầu không khí hòa thuận trong Quốc hội Mỹ. Hậu quả của sự chia rẽ Hệ thống phát thanh truyền hình cũng đóng một vai trò ở đây khi cho ra đời các kênh phát sóng ủng hộ một quan điểm nhất định, để khán giả có thể chỉ tiếp cận với những thông tin góp phần củng cố thêm cho các thành kiến chính trị vốn đã định hình sẵn trong họ, từ đó khiến tư tưởng đảng phái của họ càng trở nên sâu sắc hơn. Các thay đổi về thể chế trong Quốc hội cũng làm hạ thấp vai trò của các ủy ban và thành viên cá nhân, đồng thời tập trung quyền lực vào tay những lãnh đạo có tư tưởng đảng phái mạnh hơn. Hai học giả King và Zeckauser của Harvard nhận xét: "Trong Hạ viện và Thượng viện, những người càng tỏ ra cực đoan càng có cơ hội được bầu vào vị trí lãnh đạo". Ngoài ra, các lãnh đạo cũng phải chịu trách nhiệm quyên góp tiền ủng hộ cho đảng mình và vạch ra cho cử tri một danh sách các ưu tiên của đảng trên toàn quốc - và điều này cũng phần nào làm trầm trọng thêm tình trạng bè phái. Tác động chính của tất cả những nguyên nhân trên là gia tăng mâu thuẫn và đẩy các đảng ngày càng lún sâu hơn vào cái khuôn tư tưởng cứng nhắc, giảm đi tinh thần sẵn sàng thỏa hiệp với nhau. Giờ đây, đối với mỗi đảng, dường như sự thành công trên chính trường - tức giành phần thắng trong các cuộc bầu cử và nắm giữ quyền lực tại Washington - có ý nghĩa quan trọng hơn so với các vấn đề thực tế trong quản lý nhà nước. Chính trị ngày nay khuyến khích đối đầu hơn thỏa hiệp. Nhiều vấn đề cần được giải quyết; và để giải quyết được vấn đề đôi khi cần phải nhân nhượng, phải chấp nhận hy sinh nhân danh sự đoàn kết trong đảng. Có vẻ như nếu thành viên các đảng kiên quyết bám giữ các nguyên tắc của đảng mình, thì họ sẽ gặt hái được thành công trong các cuộc bầu cử. Kết quả là, trong mấy năm gần đây, tình trạng bè phái này đã hạn chế Quốc hội trong việc cải thiện hàng loạt những vấn đề như thâm hụt, cân đối ngân sách, kiểm soát chi phí dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cải cách luật nhập cư, củng cố an ninh biên giới, điều chỉnh chế độ An sinh Xã hội và Chăm sóc người già nhằm bảo đảm ngân sách lâu dài cho các chương trình này, cải cách chế độ chi tiêu cho các chiến dịch tranh cử, giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn dầu nước ngoài, và tình trạng ấm lên toàn cầu. Thực ra, các đợt bầu cử lãnh đạo cấp thấp vào chính phủ liên bang có thể bị hoãn lại chỉ vì những mục đích thuần túy mang tính đảng phái chính trị. Khởi nguồn của sự chia rẽ Một số nhân vật gạo cội trên Đồi Capitol cho rằng sự tiếp quản Hạ viện của đảng Cộng hòa năm 1994, và cũng là giai đoạn Newt Gingrich làm phát ngôn viên cho Hạ viện (ông là người dẫn đầu làn sóng của đảng Cộng hòa, lên tiếng phản đối về nhiều chính sách của chính quyền tổng thống Bill Clinton - ND), là thời điểm bắt đầu bầu không khí thiếu thân thiện tràn ngập khắp Đồi Capitol cho tới tận ngày nay. Nhưng bầu không khí đó còn xuất hiện trước cả Gingrich. Ông chỉ là người sử dụng và tăng cường sử dụng nó vì các mục đích chính trị riêng. Các thành viên đảng Cộng hòa không tranh cãi về thời điểm bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn trên Đồi Capitol - tức những năm 1980 đầu thập niên 1990 - song họ cho rằng trách nhiệm của đảng Dân chủ cũng không ít hơn so với Gingrich. Theo họ, chính các thành viên đảng Dân chủ đã "tiếp tay" cho Gingrich. Mike Johnson đã có nhiều năm làm trợ lý cấp cao cho lãnh đạo khối thiểu số Bob Michel. Ông chia sẻ: "Có thể Newt mắc nhiều sai lầm, song nhiều chuyện tương tự cũng đã xảy ra từ cả trước đó, đặc biệt là với Jim Wright (thành viên đảng Dân chủ, Phát ngôn viên Hạ viện giai đoạn 1987 - 1989 - ND). Jim Wright là một kẻ lộng quyền. Ông ta thật kinh khủng. Jim Wright đã hạn chế quy trình ủy ban, làm giả các tỷ lệ, trói tay buộc chân Hạ viện, khiến họ khó có thể đưa ra các đề xuất sửa đổi, bổ sung. Về cung cách quản lý Hạ viện, ông ta đã thành công trong việc xây dựng nên tình trạng mâu thuẫn như hiện nay. Wright là một Phát ngôn viên hống hách. Đóng góp của ông ta vào bầu không khí gay gắt và thù địch trong Quốc hội cũng ngang ngửa như Newt. Còn Newt thì đủ thông minh để biết lợi dụng điều đó; ông ta tới trước mặt các nghị sĩ và hỏi: "Các ông có muốn tiếp tục được đối xử như thế này không?" Thực ra, Gingrich đã hết sức tức giận trước cái mà ông và các thành viên đảng Cộng hòa có tư tưởng như ông quan niệm là thái độ sẵn sàng chấp nhận vị trí thiểu số của đảng mình. Kể từ giữa thập niên 1950, đảng Dân chủ đã kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện trong trên dưới 30 năm. Thời êm dịu nay còn đâu? George Kundanis đã làm việc cho các lãnh đạo Hạ viện thuộc đảng Dân chủ trong nhiều năm; hiện nay ông là trợ lý cấp cao của Nancy Pelosi. Ông nói: "Trước kia chúng tôi thường hợp tác với lãnh đạo đảng Cộng hòa để giải quyết những đạo luật gây tranh cãi. Họ nói rằng mức độ mâu thuẫn sẽ giảm đi đáng kể nếu chúng tôi phụ trách việc sửa đổi đạo luật nào đó, vậy là chúng tôi làm thế bởi vì chẳng có lý do gì để gây hấn với họ nếu chúng tôi thấy rằng cuối cùng, đằng nào thì mình cũng thắng". Tuy nhiều lần bị đánh bại tại các cuộc bầu cử quốc hội, song đảng Cộng hòa cũng từng duy trì tinh thần hòa thuận, hợp tác với đảng Dân chủ; còn đảng Dân chủ cũng thể hiện thiện chí nhân nhượng khi để đảng Cộng hòa "khoe" các thành tựu của mình trong việc sửa chữa và tác động tới các đạo luật. Tinh thần hợp tác giữa lãnh đạo hai đảng cũng từng tồn tại từ thời tổng thống Eisenhower. Cựu lãnh đạo khối đa số tại Thượng viện, Tom Daschle, cho biết Ike (tên gọi thân mật của tổng thống Eisenhower - ND) thường mời lãnh đạo (đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ) tới chơi một lần mỗi tuần, vào các buổi sáng thứ Ba, và họ cùng nhau bàn bạc về những việc sẽ làm trong tuần đó". Có một luật bất thành văn là lãnh đạo đảng này không thực hiện chiến dịch chống lại lãnh đạo của đảng kia. Giữa Sam Rayburn và lãnh đạo khối thiểu số của đảng Cộng hòa, Joe Martin, bang Masachusetts, có mối quan hệ thân tình tới nỗi khi được hỏi liệu ông có tổ chức chiến dịch đối phó lại với Martin không, Rayburn đã trả lời: "Chà, nếu tôi mà sinh sống ở bang đó, chắc tôi sẽ bỏ phiếu bầu cho ông ấy". Khi quận bầu cử Illinois của lãnh đạo khối thiểu số đảng Cộng hòa Bob Michel bị thay đổi sau cuộc điều tra dân số năm 1990, người ta hỏi nghị sĩ Tip O'Neil (khi đó đã về hưu) rằng liệu ông có muốn Michel thất bại hay không, ông cho biết: "Nếu Bob thua cuộc với kết quả sít sao, tôi sẵn sàng bỏ tiền ra để yêu cầu người ta đếm lại phiếu bầu". Dan Rostenkowski kể về việc Ronald Reagan thường mời các lãnh đạo đảng Dân chủ tới nhà uống rượu - và những sinh hoạt kiểu này từng được các đời tổng thống và lãnh đạo quốc hội áp dụng trong suốt nhiều năm trời. Thượng nghị sĩ kiêm cựu ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, John McCain, chia sẻ: "Gần như tối nào họ cũng tập trung trong một căn phòng tại Tòa nhà Văn phòng Thượng viện Russell, hay tại nhà của Lyndon Johnson, Hubert Humphrey, Everett Dirksen, hay vài nhân vật khác [của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa]... Họ gọi đó là Hội đồng Giáo dục, và thường thì họ sẽ cùng nhau uống rượu, chuyện trò. Đôi khi họ còn... quá chén nữa. Nhưng họ sử dụng khoảng thời gian đó không chỉ để giao lưu mà còn để giải quyết công việc nữa". Còn đây là ý kiến của Charlie Johnson, người đã quan sát Hạ viện trong trên 30 năm từ văn phòng nghị sĩ, và cuối cùng trở thành nghị sĩ trong Hạ viện: "Năm 1964, John McCormick gặp gỡ với Charlie Halleck và rồi với Gerry Ford hàng tuần. Các "cặp đôi" khác như Carl Albert và John Rhodes, Tip và John Rhodes, Tip và Bob Michel cũng như vậy, và mọi chuyện đều diễn ra tốt đẹp cho tới khi Newt xuất hiện và Gephardt trở thành lãnh đạo khối thiểu số; kể từ đó giữa hai đảng nảy sinh nhiều mối nghi ngờ lẫn nhau." Bob Michel nhiều năm là lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Hạ viện. Ông nói: "Các lãnh đạo đảng Cộng hòa và Dân chủ đã thôi không còn gặp gỡ nhau thường xuyên, giống như việc tôi ngừng liên lạc với Phát ngôn viên Tom Foley và Tip O'Neil trong thập niên 1980 vậy; một số người thì lẳng lặng ngừng nói chuyện với nhau".
Tác giả: THỦY NGUYỆT DỊCH (THEO TRUNG TÂM SHOREINSTEIN, ĐẠI HỌC HARVARD // VEF)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com