Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chiến lược hơn một Trung Quốc

GE đầu tư 61 triệu USD làm nhà máy sản xuất turbin gió ở Hải Phòng (VN) trong năm 2010

Việc Google rời bỏ Trung Quốc khiến cho hàng loạt Cty đa quốc gia phải hoạch định lại chính sách kinh doanh ở Trung Quốc theo hướng không chỉ tập trung vào một Trung Quốc.

Việc Google rút lui khỏi thị trường Trung Quốc với lý do là môi trường kinh doanh không được chào đón có thể sẽ là hành động khiến cho các Cty đa quốc gia cần phải nhìn xa hơn trong chiến lược kinh doanh tại Châu Á. Cụ thể là không chỉ tập trung tại nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới Trung Quốc.
Trung Quốc + ...

Google đã rút trang web Google bằng tiếng Trung Quốc trên mạng, tuy nhiên duy trì trang Google Hong Kong. Từ vấn đề này, bà Susan Schwab, đại diện thương mại Mỹ giai đoạn 2006-2009 cho rằng tuy Trung Quốc vẫn là thị trường lớn bậc nhất với nhiều hấp dẫn nhưng có nhiều Cty Mỹ đang tính đến các phương án hỗn hợp, thay thế. Các hãng như General Electric Co., L'Oreal và New Balance đều thuộc nhóm có hoạt động kinh doanh từ lâu tại Trung Quốc nhưng giờ đang mở rộng hoạt động sản xuất, thương mại sang các nước khác như VN và Indonesia. Những thị trường mới nổi của Châu Á ngoài Trung Quốc có dân số hơn 2 tỷ người và có tốc độ tăng trưởng thuộc loại hàng đầu, nổi tiếng thế giới. Bên cạnh đó, chi phí ở Trung Quốc ngày một tăng càng làm cho các Cty xuyên quốc gia cần đa dạng địa điểm đầu tư. Cty VF Corp, chủ nhân của thương hiệu đồ trang sức North Face và quần bò Lee & Wrangler quyết định mở rộng thị trường ngoài Trung Quốc.

Không bỏ trứng vào một giỏ

Những yếu tố vướng mắc, khó khăn liên quan đến thuế, lạm phát tăng, luật lao động nghiêm khắc, thiếu hụt nhân công ở vùng duyên hải và Nhân dân tệ có thể được định giá cao trong thời gian tới làm cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc trở nên đắt đỏ và buộc các Cty phải tìm kiếm các vùng đất mới để đầu tư. Các chiến lược dạng Trung Quốc +1; Trung Quốc +2... đang thịnh hành trong báo cáo của hầu hết các tập đoàn có thương hiệu lớn. Hãng New Balance chuyên về giày thể thao đang có kế hoạch tìm các Cty gia công tại Indonesia và mở một nhà máy tại VN khi mở bốn nhà máy tại Trung Quốc. Indonesia là nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ ba của Châu Á sau Trung Quốc và Ấn Độ năm 2009, với dân số 248 triệu người Indonesia có dân số lớn thứ tư trên thế giới. VN có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh thứ tư Châu Á và có dân số gần 90 triệu người.

Theo phương hướng không bỏ hết trứng vào một giỏ Trung Quốc và để duy trì tốc độ tăng trưởng tại Châu Á, Hãng Ford Motor Co. đã đầu tư 1 tỷ USD vào nhà máy ôtô liên doanh với Mazda Motor Corp tại Thái Lan trong tháng 3/2010. Hãng GE nhìn thấy tiềm năng bán thiết bị cho các nhà sản xuất điện địa nhiệt Indonesia. GE đầu tư 61 triệu USD làm nhà máy sản xuất tuabin gió ở Hải Phòng (VN) trong năm 2010. Intel xây dựng nhà máy kiểm tra bộ vi xử lý và lắp ráp sản phẩm trị giá 1 tỷ USD ở TP HCM. Hãng mỹ phẩm Pháp, L'Oreal đang đầu tư 50 triệu USD mở rộng nhà máy ở Jakarta để sản xuất sản phẩm mỹ phẩm đại trà dưới thương hiệu Garnier và L'Oreal Paris.

Như vậy, xu thế Trung Quốc +... đang ngày càng hiện hữu và nằm trong chiến lược của hầu hết các tập đoàn đa quốc gia, vấn đề giờ đây là quốc gia Châu Á nào tranh thủ được cơ hội này để thu hút các nhà đầu tư đầy tiềm năng trên.

(Theo Hoa Chi // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Bùa thiêng
  • Nhiều người Mỹ quay lưng với Toyota
  • Mỹ chỉ trích chính sách phân biệt đối xử của Trung Quốc
  • Cuộc chiến cải cách y tế ở Mỹ
  • Bạo lực ám ảnh Mexico
  • Mỹ bán 27% cổ phần của Citigroup
  • Mỹ: Luật cải cách y tế bị kiện
  • Tổng thống Obama ký đạo luật cải cách y tế: Hoàn thành giấc mơ 100 năm của bao đời Tổng thống Mỹ