Tháng 6 tới đây, Tổng thống Mỹ Obama thăm Indonesia. Chuyến đi thăm kéo dài ba ngày này sẽ củng cố quan hệ hai nước, nhưng dường như không nhắc gì đến hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), dù Indonesia là một quốc gia lớn trong khối Đông Á.
Hiệp định TPP bao gồm tám nước hiện là “bộ mặt” chính trong chính sách thương mại của Chính phủ Mỹ. Các thành viên TPP bao gồm Úc, Brunei, Chile, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Tuy nhiên, TPP hiện nay chỉ có bốn thành viên chính thức, bao gồm Singapore, New Zealand, Chile và Brunei. Việt Nam chỉ mới là một thành viên liên kết của TPP.
Trong năm ngoái, tổng giá trị thương mại hàng hoá của TPP đạt 110 tỉ USD, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Mỹ là 2.600 tỉ USD. Vậy TPP chỉ chiếm 4,2% trong tổng giá trị thương mại toàn cầu của Mỹ. Nhà nghiên cứu Sallie James thuộc viện Cato lưu ý hiện không có nước nào trong TPP nằm trong nhóm 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ.
Xét trên những thực tế đó, câu hỏi cần đặt ra là: tại sao Tổng thống Obama muốn tham gia TPP? Theo quan điểm của chính phủ Mỹ, đó là một sự chọn lựa duy nhất.
Ông Berbard K. Gordon, giáo sư danh dự của trường Đại học New Hampshire (Mỹ) cho rằng việc Mỹ tham gia đàm phán TPP là một sự thay thế kém cỏi cho một chính sách thương mại tự do thực sự của nước này. Tuy nhiên, động thái này cho thấy Mỹ muốn hạn chế vai trò thống lĩnh kinh tế của Trung Quốc ở Đông Á.
Hãy bắt đầu bằng tình hình của vòng đàm phán Doha về thương mại toàn cầu. Sau hơn một năm cầm quyền, ông Obama đã không mặn mà với việc tạo ra những nỗ lực lớn – nhất là trong lĩnh vực trợ cấp nông sản – để đưa các cuộc đàm phán đó đến hồi kết thúc.
Rồi Tổng thống Obama đã công bố kế hoạch thương mại mới của ông với mục tiêu năm năm nhằm tăng gấp đôi lượng hàng xuất khẩu của Mỹ. Thông điệp cho các đối tác thương mại của Mỹ đã rõ: cung cách mới của Mỹ sẽ là hiện thân của chủ nghĩa trọng thương được nguỵ trang một cách vụng về và trong đó hầu như không có chỗ dành cho Doha. Giáo sư Berbard K. Gordon kể ông từng nghe bộ trưởng Thương mại và mậu dịch Ấn Độ nói: “Chúng tôi lo ngại về hành vi của Mỹ”.
Yếu tố thứ hai khiến Mỹ muốn tham gia TPP là nhận thức rõ rệt của Mỹ về vai trò thống lĩnh thương mại Đông Á ngày càng tăng của Trung Quốc. Tình hình đó được phản ánh qua nhiều hiệp định thương mại tự do được Trung Quốc ký ở khắp Đông Á.
Một câu hỏi nảy sinh là liệu TPP có phải là phương tiện tốt nhất để khẳng định lợi ích kinh tế và địa lý chiến lược của 300 triệu người dân Mỹ đang và sẽ bám rễ vững chắc ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương. Câu trả lời là: Với thành phần hiện nay, TPP là một cơ cấu quá mỏng và không ổn định để có thể tạo ra một nền tảng cho lợi ích quốc gia cơ bản đó của Mỹ.
Như đã nói ở trên, cả Nhật, Hàn Quốc, lẫn Indonesia những cường quốc châu Á có quan hệ mật thiết với Mỹ, đều không tham gia TPP. Do đó, một số người chỉ xem TPP như một trạm dừng chân hướng tới một mục tiêu thậm chí lớn hơn là “Khu vực thương mại tự do của châu Á và Thái Bình Dương”.
Hiện nay, dù phòng Thương mại Mỹ đang muốn đạt được một hiệp định thương mại tự do toàn diện thông qua TPP dựa trên tiêu chuẩn của Hiệp định thương mại tự do Mỹ – Singapore, nhưng điều đó khó có thể được Quốc hội Mỹ chấp nhận. Gần đây, hơn 100 thành viên Quốc hội khẳng định sự phản đối của họ đối với các vùng thương mại tự do. Riêng Hiệp định thương mại tự do Mỹ – Hàn thì chắc là sẽ được thông qua, nhưng hầu như những hiệp định tương tự khác sẽ không được thực hiện.
Vì vậy, giáo sư Gordon kết luận: “Đối với một nước hầu như một mình khởi xướng hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch rồi đến tổ chức Thương mại thế giới, sự ủng hộ được nhìn thấy gần đây của Mỹ đối với “Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương” nhỏ bé là một nỗi thất vọng”.
( Theo Trúc Thịnh (Wall Street Journal) // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com