Đó là tuyên bố mở cửa khai thác dầu khí tại một số vùng biển dọc theo bờ Đại Tây Dương, cách bờ biển bang Virginia khoảng 80km, phía đông Vịnh Mêxicô và phía bắc bang Alaxca vào ngày 31-3. Đây là một tiếp cận mới, đảo ngược quyết sách không khoan dầu ngoài khơi của nước Mỹ từng được duy trì ngót 30 năm qua.
Tổng thống B.Ôbama đã không hề giấu giếm ý định táo bạo vừa được công khai khi cho rằng đã cân nhắc thiệt hơn trong suốt một năm nay và việc cho phép khai thác dầu khí ở một số vùng thềm lục địa của Mỹ là cần thiết.
Rõ ràng "cơn khát" năng lượng của nước Mỹ theo người đứng đầu Nhà Trắng sẽ không thể hóa giải khi "toa thuốc" chữa bệnh nằm trong tay những chủ dầu nước ngoài với sự đỏng đảnh thường nhật của thị trường nhiên liệu. Do vậy, quyết định của ông B. Ôbama được nhìn nhận là một nỗ lực nhằm giảm thiểu sản lượng nhập khẩu dầu mỏ từ nước ngoài và là một hạng mục trong chiến lược tổng thể hiện nay của Oasinhtơn nhằm duy trì ở mức cần thiết nguồn năng lượng cho đất nước.
Lựa chọn táo bạo của Tổng thống B.Ôbama sẽ giúp nước Mỹ dịch chuyển từ một nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và dầu mỏ từ nước ngoài thành một nền kinh tế dựa vào nguồn năng lượng vốn có, dù bị những người phản đối gọi là "sự hy sinh" tài nguyên. Mở thêm các giếng khoan là bước đi quyết định của Oasinhtơn nhằm vực dậy bằng được và duy trì sức mạnh nội lực của nền kinh tế đầu tàu thế giới trong thời gian nhanh nhất.
Luôn ủng hộ một quan điểm cứng rắn về sự cần thiết phải mở rộng hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi ngay từ những ngày đầu lên nắm quyền chèo lái con tàu Mỹ, Tổng thống Ôbama cho rằng đã đến thời điểm thích hợp để nước Mỹ bước vào một chính sách năng lượng mới. Theo chính sách này, chẳng những sẽ làm mới hơn nữa công nghệ cũng như các thành tựu khoa học trong lĩnh vực khai thác dầu, mà còn tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm cho người Mỹ. Đây là điểm cốt lõi mang ý nghĩa xã hội của một quyết sách khi nước Mỹ đang phải "chật vật" đối phó với tình trạng thất nghiệp tăng cao. Bên cạnh đó, việc duy trì một chiến lược nhiên liệu cân bằng cũng sẽ giúp các doanh nghiệp Mỹ tăng khả năng cạnh tranh nhằm đón nhận những thời cơ mới từ sự hồi phục của kinh tế toàn cầu. Cũng không ít người kỳ vọng rằng, động thái bổ sung nguồn nhiên liệu mang tính sống còn với các nền
kinh tế thế giới của Mỹ sẽ tạo thêm công cụ điều tiết thị trường dầu mỏ theo hướng bình ổn hơn cho dù giá vàng đen trong thời điểm hiện nay vẫn đang rập rình quanh ngưỡng 80 USD/thùng, mức giá được đánh giá là phù hợp cho cả người bán lẫn người mua.
Không thể phủ nhận thực tế giá dầu thô cùng các chế phẩm liên quan có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế thế giới hiện đại. Sự ảnh hưởng của loại hàng hóa này, theo dự báo của Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA), còn kéo dài trong thế kỷ XXI và giá dầu vẫn sẽ là một biến số kinh tế vĩ mô có thể hạ gục cũng như làm thất bại bất kỳ một nền kinh tế nào. Tại nước Mỹ, giá xăng dầu tăng cao đã từng khiến người tiêu dùng đau đầu và cuống cuồng thắt chặt chi tiêu và làm nhiều doanh nghiệp điêu đứng, kéo theo sự sụt giảm về tăng trưởng. Vì lý do này, quyết định mang tính đột phá của Tổng thống Ôbama được cho là sẽ nhận được sự hưởng ứng của dư luận, góp phần "lấy lòng" phe Cộng hòa luôn muốn thúc đẩy chính sách này và giành sự hậu thuẫn lớn hơn cho Dự luật Năng lượng và biến đổi khí hậu sắp được bàn thảo tại Oasinhtơn.
Đặc biệt khi trữ lượng 37.000 tỷ mét khối ga và 4 tỷ thùng dầu ở khu vực bờ biển Đại Tây Dương của Mỹ sẽ là "thực đơn" hấp dẫn cho nhiều tập đoàn dầu khí Mỹ từng làm khuynh đảo cả thế giới. Tuy nhiên, đây cũng không phải là một quyết sách dễ dàng do vấp phải sự phản đối gay gắt từ các nhà hoạt động môi trường. Nhiều chuyên gia cho rằng khai thác dầu khí ngoài khơi không phải là lời giải duy nhất đúng cho "cơn nghiện" dầu lửa của nước Mỹ khi nước này chỉ có chưa đầy 2% trữ lượng dầu khí thế giới, nhưng lại tiêu thụ tới 25% lượng dầu toàn cầu. Ngoài ra, những người quan tâm đến môi trường còn xem đây cũng là một biện pháp lợi bất cập hại khi các giếng khoan sẽ tạo nguy cơ rò rỉ dầu trong quá trình khai thác, gây ảnh hưởng đến môi trường sống.
Mặc dù vậy, sự kiện cho phép khai thác dầu ngoài khơi là một bước ngoặt lớn trong chính sách năng lượng của Mỹ và Tổng thống B.Ôbama hẳn sẽ còn nhiều việc phải làm để tăng thêm tính thuyết phục cho quyết định bước ngoặt này.