Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Friedman: Nước Mỹ là số 1(1)!

Ngay lúc này, đạo Hindu và đạo Khổng có số tín đồ còn nhiều hơn hơn dân số Mỹ. Và chừng nào điều này còn diễn ra, Mỹ sẽ còn là số 11.

LTS: Bài viết dưới đây là của tác giả "Thế giới phẳng" Thomas Friedman. Cây bút bình luận nổi tiếng của tờ New York Times vẫn tiếp tục mạch chỉ trích sự lung lay về mặt hệ giá trị của nước Mỹ trong giai đoạn hậu khủng hoảng và cạnh tranh toàn cầu khốc liệt.

Mời các bạn đọc tham khảo bài viết này. Mọi ý kiến tranh luận xin gửi về hotline@vietnamnet.vn.

Tôi muốn chia sẻ vài bài báo tôi tình cờ đọc được nói về những nguyên nhân sâu xa chưa đuợc quan tâm đúng mức đang kìm hãm nước Mỹ ngày nay. Bài đầu tiên có nhan đề châm biếm "Chúng ta là số 11" đăng trên tờ Newsweek. Bài báo của Michael Hirsh đi vào vấn đề: "Liệu Mỹ đã mất đi vóc dáng của một siêu cường?"

"Người Mỹ sẽ không cam chịu vị trí thứ hai", Obama nói lớn tại một phiên họp chính trị đầu tháng tám. Vậy còn thứ 11 thì sao? Đó chính là vị trí của Mỹ trong danh sách 100 quốc gia tốt nhất thế giới của Newsweek. Mỹ thậm chí chưa cả lọt vào tốp 10".

Bài báo thứ hai, có tên "Tại sao chúng ta lại là số 11", của chủ bút mảng kinh tế tờ Washington Post, Robert Samuelson. Ông đặt câu hỏi, tại sao nước Mỹ đã chi không biết bao nhiêu tiền của vào cuộc cải cách trường học mà chưa có giải pháp đột phá nào giúp sinh viên có được kết quả học tập tốt hơn?

Có lẽ, ông tự trả lời, nguyên nhân không phải chỉ vì giáo viên yếu kém, hiệu trưởng thiếu năng lực hay do người Mỹ keo kiệt.

Samuelson viết: "Nguyên nhân lớn hơn dẫn đến thất bại gần như chưa hề được nhắc tới: học sinh không còn động lực. Dù thế nào, học sinh vẫn phải giữ nhiệm vụ học tập. Nếu họ không có động lực, ngay cả những giáo viên có năng lực nhất cũng chào thua. Động lực bắt nguồn từ nhiều yếu tố: sự tò mò và tham vọng; kỳ vọng của cha mẹ; khao khát đỗ vào một trường đại học tốt, giáo viên thú vị và biết cách truyền cảm hứng; áp lực cạnh tranh từ bạn bè.

Tuy nhiên, đa số mọi người vẫn nhìn nhận về cải cách trường học theo kiểu, nếu sinh sinh viên mất động lực, đó phần lớn là lỗi của nhà trường và giáo viên".

Samuelson không quan niệm thế. "Động lực yếu vì ngày càng nhiều học sinh (thuộc mọi chủng tộc và tầng lớp kinh tế) không thích đến trường học nữa, không học tập chăm chỉ, dẫn tới kết quả học tập thấp. Trong cuộc khảo sát năm 2008 đối với các giáo viên trung học công lập, 21% đánh giá "chủ nghĩa" trốn học của học sinh là vấn đề nghiêm trọng; 29% cho rằng đó là do "sự hờ hững của học sinh'.

Có rất nhiều điều hay trong quan điểm của Samuelson và đó chỉ là câu chuyện nhỏ của một vấn đề lớn hơn mà nước Mỹ đã không thành thật đối mặt, trong khi cố vượt qua cuộc suy thoái lần này. Vấn đề ấy là nước Mỹ đang xuất hiện những rạn nứt giá trị, một đại dịch quốc gia của chủ nghĩa làm giàu nhanh chóng và chủ nghĩa trục lợi, không muốn mất thứ gì.

Phố Wall đã đờ đẫn mất rồi, nhưng các nhà làm luật lại khuyến khích cái sự mất trí đó. Và quá nhiều người trong chúng ta háo hức mua các giấy tờ dot-com và nợ dưới chuẩn để mong chóng giàu.

Hãy tự hỏi bản thân: Điều gì khiến thế hệ vĩ đại nhất của nước Mỹ trở nên vĩ đại?

Trước hết, các vấn đề họ gặp phải rất khổng lồ, gai góc và không thể tránh được: Suy thoái, Chủ nghĩa Phát-xít. Thứ hai, các nhà lãnh đạo của Thế hệ vĩ đại nhất không bao giờ ngại kêu gọi người Mỹ phải biết hy sinh. Thứ ba, thế hệ đó sẵn sàng hy sinh và đoàn kết với nhau vì lợi ích quốc gia. Và thứ tư, vì họ sẵn sàng làm những điều khó khăn, nên họ giành được sự lãnh đạo toàn cầu và nói với thế giới "Hãy theo tôi".

Nước Mỹ đang thiếu vắng sự gắn kết giá trị để tạo ra động lực như thời lập quốc.

Hãy so sánh với thế hệ thời bùng nổ dân số. Vấn đề lớn của nước Mỹ đang dần mở ra: giáo dục, tính cạnh tranh, cơ sở hạ tầng tất cả đều đi xuống, cùng với đó là cơn khát dầu và biến đổi khí hậu.

Thế hệ các nhà lãnh đạo hiện nay của Mỹ không dám thốt lên từ "hy sinh". Tất cả những giải pháp đều rất đau đớn. Bạn thích liều thuốc nào? Gói kích thích của đảng Dân chủ hay cắt giảm thuế của đảng Cộng hòa? Một chính sách năng lượng quốc gia? Quá khó.

Suốt một thập kỷ, Mỹ đã cử những trí tuệ thông thái nhất không phải để làm ra những con chip máy tính tại thung lũng Silicon mà để tạo ra những con chip đỏ đen tại Phố Wall. Trong khi, lãnh đạo nói với người dân, họ có thể đạt được giấc mơ Mỹ - một ngôi nhà - mà không cần tiết kiệm và đầu tư.

Thông điệp của giới lãnh đạo Mỹ hiện nay với thế giới (trừ các lính chiến dũng cảm): "Tôi đi sau các bạn".

David Rothkopf, cựu quan chức Bộ Thương mại và giờ là thành viên của Quỹ Hiến tặng vì Hoà bình Quốc tế Carnegie, đánh giá, quá nhiều phần trong cuộc tranh luận ngày nay tại Mỹ giữa hai đảng "nhằm để đổ lỗi cho nhau thay vì nhận lấy trách nhiệm".

Rothkopf và tôi đều đồng tình, người Mỹ đang hứng thú với các vấn đề chính trị khi cuộc tranh luận quốc gia giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa diễn ra. Một bên khẳng định, Mỹ không thể cắt giảm thâm hụt mà không vừa tăng thuế và vừa cắt giảm chi tiêu; một bên kiên quyết, Mỹ không thể cạnh tranh nếu không đòi hỏi cao hơn ở sinh viên, và sau đó tranh luận giữa vấn đề tăng số ngày đi học trong năm với tăng số năm học.

Trung Quốc và Ấn Độ đang dần đuổi kịp Mỹ không chỉ thông qua lao động giá rẻ và tiền tệ. Họ đang bắt kịp Mỹ vì họ có thị trường tự do như ở Mỹ, giáo dục giống người Mỹ, tiếp cận với vốn và công nghệ cũng như Mỹ, nhưng quan trọng nhất là, họ có cả những giá trị giống như Thế hệ vĩ đại nhất của Mỹ có.

Điều đó có nghĩa là, họ sẵn sàng trì hoãn lại sự thỏa mãn, đầu tư cho tương lai, làm việc chăm chỉ hơn cái "gã" phía trước (Mỹ) và đặt kỳ vọng cao nhất vào con trẻ.

Trong một thế giới phẳng nơi người ta có thể tiếp cận được bất cứ thứ gì, giá trị có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Ngay lúc này, đạo Hindu và đạo Khổng có số tín đồ còn nhiều hơn hơn người Mỹ, và chừng nào điều này còn diễn ra, Mỹ sẽ còn là số 11.

 

Tác giả: ĐÌNH NGÂN//VEF (DỊCH TỪ NEW YORK TIMES)