Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nước Mỹ vẫn “mò mẫm” tìm lối thoát

Tác giả thế giới phẳng Thommas Friedman cho rằng quyết định gia hạn chương trình cắt giảm thuế từ thời ông Bush của Tổng thống Obama chỉ là giải pháp nhượng bộ hơn là tạo ra sự thay đổi cách mạng cho tương lai nước Mỹ.

Ở bối cảnh hiện tại, Tổng thống Obama gần như chẳng còn sự lựa chọn tốt hơn là thỏa hiệp với yêu sách của đảng Cộng hòa về việc cắt giảm thuế cho bộ phận giàu có nhất nước Mỹ. Trong thời kỳ suy thoái, chính quyền thật khó có thể tăng thuế trong khi đảng Cộng hòa cũng từng gây sức ép với chủ trương này.

Tuy nhiên, cùng với việc chấp nhận giảm thuế này này, Tổng thống Mỹ dường như thêm một lần ru ngủ nước Mỹ - quốc gia vốn có sứ mạng phải vượt qua những thử thách chông gai và làm nên điều thần kỳ vẫn cứ mãi tránh né và chỉ biết chọn những giải pháp an toàn, thiển cận.

Với bản thân tôi, động thái vừa qua của Tổng thống Obama chỉ có thể rút ngắn khoảng cách giữa hai đảng nhưng không thể tạo ra bước chuyển lớn cho đất nước.

Ở nước Mỹ ngày nay, chúng ta không khó gặp một gia đình trung lưu lâm phải tình trạng điêu đứng với người chồng vừa mất việc trong khi họ vẫn phải lo cho hai con đang học trung học, các khoản thế chấp và thẻ tín dụng tới hạn thanh toán. Bên cạnh đó, họ vừa phải cưu mang người họ hàng có cuộc sống bấp bênh. Cùng lúc, cô bảo mẫu của gia đình sắp thôi việc trong nay mai để theo đuổi việc học. Vậy họ phải làm gì?

Giải pháp khắc nghiệt hơn cả buộc họ phải cắt giảm triệt để các khoản chi không thiết yếu và dồn toàn bộ chi tiêu cho thực phẩm, trang trải các khoản thế chấp và trả các khoản nợ thẻ tín dụng đến hạn.

Tính khả thi của giải pháp này không cao. Ở giải pháp khác, họ có thể mượn tiền từ bảo hiểm nhân thọ để bù đắp cho khoản thu nhập vừa mất đi, duy trì mức sống hiện tại và cầu cho người chồng có thể tìm được việc làm mới trước khi khoản trợ cấp thất nghiệp bị cắt.

Giải pháp thứ ba thiết thực hơn cả là phát đi thông điệp tới tất cả thành viên trong gia đình "cả nhà biết đấy, chúng ta đang lâm vào thế bí bởi bố vừa bị thất nghiệp. Nếu muốn cuộc sống khá lên, chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện cùng lúc cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm và tái đầu tư một cách hợp lý.

Năm nay thay vì đi Disney World, chúng ta sẽ đi cắm trại trong công viên và dồn khoản tiết kiệm này giúp bố học tiếp lấy bằng thạc sỹ. Chúng ta cũng sẽ hạn chế mua sắm các món đồ không cần thiết như điện thoại thời trang, máy chơi trò chơi..và dành khoản tiết kiệm cho chi phí học tập của các con. Cuối cùng, người họ hàng của chúng ta phải thấy rằng đã đến lúc, anh ấy phải tự lập và có cuộc sống của riêng mình."

Từ câu chuyện về một gia đình, rộng ra với một đất nước, chúng ta cần có kế hoạch cải tổ thực sự chứ không thể trông vào những liều thuốc giảm đau chốc lát.

Bình luận về kế hoạch cắt giảm thuế mà chính quyền tiền nhiệm từng có ý định áp dụng một thập kỷ trước, cựu phát ngôn viên dưới thời tổng thống Bush - ông Dan Bartlett nói rằng: "Về mặt chính trị, khi một dự luật được đưa vào thành luật, chúng ta gần như không thể xóa bỏ được nó. Đó là một thực tế xấu."

Ông Bartlett không bình luận thêm liệu quyết định cắt giảm thuế gây thâm hụt ngân sách này có thể giải quyết được những yếu kém hiện tại của đất nước hay chỉ là thắng lợi duy nhất trên vũ đài chính trị khi đảng Cộng hòa đã thỏa hiệp được với Tổng thống Obama.

Dường như, chúng ta không nhận ra mình đã rơi xuống hố và vẫn đang mò mẫm tìm lối thoát. Trình độ học vấn của người Mỹ đang chững lại trong khi cơ sở hạ tầng ngày càng xuống cấp. Chúng ta không có đủ nguồn động lực để thúc đẩy cả quá trình sáng tạo và sản xuất; chúng ta đang thiếu hụt nhân lực chất lượng ở thời điểm phải cạnh tranh gay gắt với lực lượng nhân công chi phí thấp nhưng có kỹ năng cao của Ấn Độ và Trung Quốc - và các khoản nợ thì ngày càng chồng chất.

Để giải quyết được những vấn đề này, chúng ta cần có một nền chính trị với bầu sinh khí mới để đưa ra lựa chọn sáng suốt về việc cần cắt giảm ở đâu, tiết kiệm những gì và đầu tư vào đâu cũng như đối tượng và phạm vi đánh thuế, giảm thuế.

Tôi vẫn đặt trọn niềm tin rằng Tổng thống Obama sẽ là người nắm vai trò cách mạng tạo ra nền chính trị như thế.

Trong cuộc phỏng vấn trên tờ Washington Post, nghị sỹ đảng Dân chủ bang Virginia nói "cử tri vẫn coi trọng người có khả năng cầm trịch và phát đi tiếng nói của đảng mình đứng đầu hơn người theo đường lối dung hòa hai đảng phái. Sở dĩ như vậy là vì người dân trông đợi những người có khả năng giải quyết triệt để các vấn đề hơn là chỉ theo đuổi sự dung hòa, đưa ra các biện pháp nửa vời mang tính thỏa hiệp giữa hai đảng.

Mục giáo dục tờ New York Times ra ngày 7/12 công bố kết quả ấn tượng: trước sự ngỡ ngàng của các chuyên gia giáo dục quốc tế, học sinh Thượng Hải, Trung Quốc đã vượt các bạn đồng lứa đến từ nhiều quốc gia ở khả năng đọc cũng như toán và khoa học dựa trên đánh giá uy tín của Chương Trình Đánh Giá Sinh Viên Quốc Tế  (PISA) đối với các học sinh ở độ tuổi 15 đến từ 65 quốc gia.

Thượng Hải là biểu tượng đỉnh cao của Trung Quốc và giờ đây tinh hoa của người Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới. Trong khi, học sinh Mỹ lại ở dưới mức trung bình; các em chỉ xếp thứ 14 về kỹ năng đọc, thứ 17 ở lĩnh vực khoa học và thứ 25 ở môn toán

Kinh tế không phải là chiến tranh. Nền kinh tế thế giới có sự bổ trợ lẫn nhau nên kinh tế thế giới sẽ sáng sủa lên nếu nền kinh tế Trung Quốc có bước khởi sắc. Tuy nhiên, về phần mình, nước Mỹ cần cảm thấy nóng ruột khi chúng ta luôn phải đưa ra quyết định khó khăn: mượn tiền từ một quốc gia không chỉ biết thắt chặt chi tiêu và phát triển mạnh mẽ hơn chúng ta mà còn bắt đầu vượt chúng ta về phương diện giáo dục.

Liệu chúng ta có thể chần chừ đưa ra kế hoạch cải tổ thêm nữa không?

 

Tác giả: ĐÌNH NGÂN//VEF (THEO BÁO NƯỚC NGOÀI)