Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giết người như trò chơi điện tử

Các học giả người Mỹ kêu gọi CIA dừng ngay các cuộc không kích bằng máy bay không người lái và gọi đó là hành động giết người.
 
Giáo sư Philip Alston, chuyên viên của Liên Hiệp Quốc, giáo sư Trường Đại học New York, đã kêu gọi ngừng các vụ không kích bằng máy bay không người lái do CIA trực tiếp điều hành nhắm vào những người bị tình nghi là quân nổi dậy Hồi giáo. Ông đã gửimột bản báo cáo dày 29 trang về vấn đề này lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
 
 
Giới trẻ Pakistan phản đối các cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ. Ảnh: ILIM
Tội phạm

Kể từ tháng 8-2008 đến nay, đã có hơn 900 người tử vong trong khoảng 100 cuộc không kích bằng máy bay không người lái ở Pakistan. Đặc biệt, theo các giới chức Pakistan, ít nhất 21 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã sát hại khoảng 120 công dân nước này trong tháng 9 vừa qua. Đó là con số tử vong cao nhất trong vòng một tháng.
Giáo sư Alston cảnh báo rằng các vụ bắn giết như trên được ra lệnh từ một nơi cách xa chiến trường có thể dẫn đến trạng thái tâm lý của người chơi trò chơi điện tử. Ông nhấn mạnh: “Những người điều khiển máy bay ở cách xa chiến trường hàng ngàn cây số và thực hiện các cuộc tấn công hoàn toàn qua màn hình máy tính. Do đó, ở đây có nguy cơ phát triển trạng thái tâm lý giết người như trong trò chơi điện tử”.
 
Theo hãng tin Reuters, ông Alston cho biết theo luật pháp quốc tế, trong các cuộc xung đột vũ trang, người ta được phép bắn giết khi chống lại các chiến binh hoặc thường dân liên quan trực tiếp đến các hành vi giống như chiến đấu. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng những vụ bắn giết xảy ra cách xa những khu vực chiến sự đang ngày càng tăng lên.
Ông kêu gọi hạn chế các lực lượng vũ trang sử dụng máy bay không người lái và hỏa lực của chúng. Giáo sư Alston nhận định các điệp viên CIA không hề bị cấm điều khiển máy bay từ xa nhưng thực tế đó đáng chê trách bởi vì CIA không tuân theo bất kỳ đòi hỏi nào như tính minh bạch và trách nhiệm giải trình vốn là trọng tâm trong luật nhân đạo quốc tế.
Bên cạnh đó, giáo sư David Glazier, Trường Luật Loyola ở Los Angeles, cho rằng các cuộc không kích bằng máy bay không người lái không phải là tội ác chiến tranh. Tuy nhiên, ông nói các phi công của CIA điều khiển máy bay không người lái có thể được xem là tội phạm. Theo ông, họ không có quyền bắn giết bất cứ ai. Chiếu theo luật Pakistan thì họ phạm tội giết người.
Hơn nữa, giáo sư Glazier nêu vấn đề binh sĩ trong quân đội có tổ chức là những người tham chiến có đặc quyền đặc lợi, họ không thể bị truy tố phạm tội ác chiến tranh nếu họ bắn giết đối phương nơi chiến trận. Trường hợp bị truy tố tội giết người là người không mặc quân phục hoặc không thuộc về một quân đội - chẳng hạn như thành viên của một tổ chức khủng bố hoặc phi công dân sự của CIA.
 
Giáo sư Philip Alston. Ảnh: TAMILWIN
 
Hành động gây hại

Nước Mỹ chưa bao giờ chính thức công nhận rằng CIA có chương trình sử dụng máy bay không người lái Predator và loại máy bay được điều khiển từ xa khác để tấn công các phần tử nổi dậy Taliban và Al-Qaeda. Thế nhưng, chương trình này được báo chí Mỹ thông tin rộng rãi.
Theo hãng thông tấn IPS, một số nhân viên CIA liên quan đến chương trình tấn công bằng máy bay không người lái của cơ quan này ở Pakistan và ở cả nơi khác đã lên tiếng phản đối. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của IPS, ông Jeffrey Addicott - cựu cố vấn pháp lý của lực lượng đặc biệt Mỹ, Giám đốc Trung tâm Luật Khủng bố tại Trường Đại học St Mary’s ở San Antonio, Texas - nhấn mạnh: “Một số nhân viên điều hành CIA quả quyết rằng cơ quan này đang làm nhiều điều có hại hơn điều tốt đẹp”.
 
Ông Addicott nói rằng các nhân viên CIA ông quen biết nhận định các thủ lĩnh Taliban và Al-Qaeda lợi dụng các cuộc không kích từ máy bay không người lái để tuyển mộ thêm nhiều phần tử mới. Các cuộc không kích này giết hại nhiều thường dân vô tội nên đã làm nam giới theo đạo Hồi phẫn nộ và càng khiến họ mong muốn tham gia phong trào thánh chiến chống Mỹ hơn nữa.
Theo báo The New York Times, người đàn ông có ý định kích nổ chiếc xe tải chở đầy thuốc nổ tại quảng trường Thời đại ở New York hồi tháng 5-2010 khẳng định rằng chiến dịch máy bay không người lái là một trong các yếu tố khiến y tấn công nước Mỹ.
Theo ông, các nhân viên CIA hiện rất không đồng tình với chương trình không kích không người lái. Ông Addicott khẳng định: “Họ làm những gì cấp trên ra lệnh nhưng họ coi đó là hành động gây hại”.
Những lời than phiền của các nhân viên CIA về tác hại từ các cuộc không kích không người lái kể trên giống với những lời cảnh báo của các giới chức quân sự và tình báo Mỹ năm 2009. Thêm vào đó, một giới chức tình báo nói Al-Qaeda và Taliban đã lợi dụng các cuộc không kích đó để tuyên truyền rằng người Mỹ là những người nhát gan, sợ phải đối mặt với kẻ thù và nguy cơ tử vong.

Ngày càng gia tăng

Theo báo The New York Times, CIA đã gia tăng chiến dịch ném bom vùng núi Afghanistan trong thời gian gần đây. Trong tháng 9 vừa qua, mỗi tuần, CIA đã tiến hành đến 5 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Pakistan, trước đây chỉ có 2-3 cuộc. Số cuộc không kích trong năm 2009 và 2010 đã tăng gấp 4 lần so với năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của cựu tổng thống Bush. Riêng năm 2010, đến thời điểm này, đã có 74 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Một giới chức tình báo Pakistan cho biết các cuộc không kích trong thời gian gần đây đã không hạ được một thủ lĩnh cấp cao nào của Taliban hoặc Al-Qaeda. Theo ông này, nhiều phần tử nổi dậy cao cấp đã rời khỏi khu vực Waziristan để tránh chiến dịch không kích bằng máy bay không người lái.

(Theo nld online)

  • Kinh tế Mỹ sẽ “đổi màu” thế nào sau bầu cử?
  • Mỹ: Gia đình thu nhập dưới 250.000 USD/năm có thể được giảm thuế vĩnh viễn
  • Vụ gian lận bảo hiểm y tế lớn nhất nước Mỹ
  • Mỹ bán 60 tỉ USD vũ khí cho Ả Rập Saudi
  • Niềm tin đảo chiều
  • Chỉ số niềm tin tiêu dùng Mỹ tăng cao nhất 5 tháng
  • Mỹ - Hàn hủy tập trận
  • Giấc mơ Mỹ... tàn phai?