Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Iran "cứng rắn" trước sức ép của Mỹ và phương Tây

 
- Bất chấp việc Mỹ và phương Tây dọa áp đặt những biện pháp trừng phạt mới nhằm gây sức ép đối với Chính phủ và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố nước này tiếp tục bảo vệ các quyền hợp pháp theo đuổi chương trình hạt nhân với mục đích hòa bình.

Bỏ qua thời hạn chót ngày 31-12-2009 mà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đưa ra, theo đó Iran phải chuyển phần lớn uranium làm giàu ở cấp độ thấp sang Nga và Pháp để làm giàu lên cấp độ cao hơn, sau đó chuyển trở lại Iran phục vụ lò phản ứng nghiên cứu, Iran đã đưa ra "tối hậu thư" đòi phương Tây bán nhiên liệu hạt nhân cho Tehran hoặc đổi nhiên liệu hạt nhân lấy uranium làm giàu ở cấp độ thấp của nước này và việc trao đổi phải được thực hiện thành nhiều giai đoạn. Tehran ra điều kiện đến cuối tháng 1, phương Tây phải chấp thuận những đề xuất mới của Iran về kế hoạch trao đổi uranium, nếu không nước này sẽ tự sản xuất nhiên liệu hạt nhân và xúc tiến kế hoạch xây dựng thêm mười nhà máy làm giàu uranium mới. Phản ứng trước thái độ được coi là "thách thức" và "không hợp tác" của Tehran, đồng thời lo ngại Iran có đủ nhiên liệu để sản xuất vũ khí hạt nhân, Mỹ và phương Tây đã thảo luận các biện pháp trừng phạt mới đối với nước này. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Mike Hammer cho rằng, Iran đang "nhất quyết theo ý mình" khi đòi các cường quốc phải chấp nhận những đề xuất của Tehran về kế hoạch trao đổi uranium. Ðức khẳng định, "tối hậu thư" của Iran là không có gì thay đổi trong chính sách của Tehran. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H. Clinton tuyên bố, Washington vẫn tiếp tục cách tiếp cận "hai gọng kìm", vừa tìm cách chấm dứt chương trình hạt nhân của Tehran thông qua đàm phán, vừa cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung để buộc nước này thay đổi chính sách. Tuy nhiên, Mỹ tuyên bố "cánh cửa vẫn mở" cho Iran đáp ứng các yêu cầu của thế giới đối với những mục đích hạt nhân của nước này. Trong khi đó, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad vẫn thể hiện thái độ cứng rắn, tuyên bố các biện pháp trừng phạt tiếp theo của Hội đồng Bảo an LHQ sẽ không thể ngăn cản nước này theo đuổi chương trình hạt nhân. Người đứng đầu Nhà nước Hồi giáo Iran khẳng định, Tehran không lùi bước trước sức ép liên quan chương trình hạt nhân. Iran chính thức bác bỏ vai trò trung gian của LHQ về các trợ giúp kinh tế để ngừng chương trình sản xuất nhiên liệu hạt nhân.

Lo ngại diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa Iran với Mỹ và phương Tây, Trung Quốc, nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ cho rằng, "vẫn còn cơ hội" cho nỗ lực ngoại giao, kêu gọi các bên tiếp tục đối thoại với chính sách mềm dẻo và thiết thực hơn để giải quyết chương trình hạt nhân của Iran. Trung Quốc kêu gọi Iran nhất trí với đề xuất của LHQ liên quan vấn đề cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho các lò phản ứng nghiên cứu của Tehran. Nhật Bản cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc trước những diễn biến gần đây và khẳng định sẽ không để yên nếu Tehran trang bị vũ khí hạt nhân.
Theo các nguồn tin, chính quyền của Tổng thống Mỹ B. Obama khẳng định thông tin báo cáo tình báo của Mỹ năm 2007 khi cho rằng Iran đã ngừng phát triển vũ khí hạt nhân từ bốn năm trước đây. Sau khi xem xét tài liệu mới, các cố vấn của Tổng thống Obama cho rằng, Tehran vẫn thúc đẩy hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân nhưng ở quy mô nhỏ hơn. Ðây cũng là đánh giá tình báo của các nước Anh, Pháp, Ðức và Israel. Phương Tây cho rằng, Iran cần ít nhất một năm nữa để có thể phát triển được một vũ khí hạt nhân loại nhỏ. Tờ Thời báo New York dẫn nguồn tin của quan chức cao cấp chính quyền Obama nhận định, Iran chưa có một giải pháp đột phá nào đáng tin cậy và vì vậy, phải cần ít nhất 18 tháng hoặc hai đến ba năm nữa, nước này mới có thể chế tạo vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, tình hình nội bộ Iran ngày càng trở nên căng thẳng. Các lực lượng chính phủ đã dùng vũ lực trấn áp người biểu tình ủng hộ phe đối lập. Chính quyền Iran đã tiến hành xét xử những người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình chống chính phủ. Iran tố cáo phương Tây kích động các vụ bạo lực chống Tehran và cho biết trong những đối tượng bị bắt giữ có một số phần tử nước ngoài cầm đầu một cuộc chiến tranh tuyên truyền chống Chính phủ Iran.

Quan hệ giữa Mỹ và phương Tây với Iran gia tăng căng thẳng. Trong khi đó, hơn sáu tháng sau khi tiến hành cuộc bầu cử tổng thống, tình hình nội bộ Iran vẫn rối ren và ngày càng diễn biến phức tạp. Những động thái này cho thấy, các bên liên quan khó có thể tiến gần đến một giải pháp và việc giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi kéo dài của Iran tiếp tục lâm vào bế tắc.

(Theo HÀ LÂM // Báo Nhân dân điện tử)

  • Ma-rốc xếp vị trí thứ 55 về hội nhập và mở cửa thương mại quốc tế
  • Mỹ lạc quan về triển vọng chuyển biến kinh tế năm 2010
  • Anh: Đại gia Trung Quốc lùng nhà tại London
  • Khẩn cấp giúp nạn nhân động đất ở Haiti
  • Một năm dò dẫm
  • Số vụ tịch biên nhà ở Mỹ cao kỷ lục
  • Mỹ lên kế hoạch mạnh tay đánh thuế Phố Wall
  • Từ hy vọng đến hiện thực