Hôm nay, Nhà Trắng kỷ niệm một năm cầm quyền của Tổng thống Barack Obama (20-1-2009 – 20-1-2010). Suốt một năm qua, những gì ông Obama đã thực hiện được hoặc chưa so với lời hứa khi tranh cử đã được cử tri đánh giá qua cuộc thăm dò dư luận.
Theo kết quả cuộc thăm dò do hãng tin ABC News và báo Washington Post tổ chức mới đây, tỷ lệ ủng hộ cách điều hành của ông Obama là 53%, giảm 15% so với lúc ông mới tuyên thệ nhậm chức. Riêng về cách điều hành kinh tế, vấn đề quan trọng nhất nhằm đưa Mỹ thoát khủng hoảng, hiện tỷ lệ ủng hộ ông đã giảm từ mức 60% vào tháng 2-2009 xuống còn 47%.
Vấn đề kinh tế luôn đóng vai trò chính đối với mức độ tán thành của công chúng đối với tổng thống Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ vẫn chưa hoàn toàn thoát cơn khủng hoảng tài chính-kinh tế như hiện nay. Chính sách kích cầu kinh tế đem lại một tín hiệu tích cực là nền kinh tế ngừng xuống dốc. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp cao, thâm hụt ngân sách kỷ lục và nguy cơ tái diễn cuộc khủng hoảng ngân hàng vẫn là những thách thức lớn với ông Obama, có thể xóa bỏ các thành tựu khác.
Riêng về biện pháp chống khủng bố, tỷ lệ ủng hộ ông Obama là 55%, đặc biệt, có đến 62% ủng hộ cách Tổng thống Obama đối phó với vụ đánh bom hụt trên chuyến bay của hãng Northwest Airlines dịp Giáng sinh 2009. Dự luật cải cách y tế mà nhiều đời tổng thống vẫn mong ước nay đang chuẩn bị được Quốc hội thông qua.
Về đối ngoại, ông Obama đã thực hiện chính sách ngoại giao đa phương như đã cam kết mặc dù mức độ thành công vẫn còn là dấu hỏi lớn. Ông đã giải tỏa căng thẳng quan hệ ngoại giao với Nga vốn căng như dây đàn thời kỳ Tổng thống Bush. Quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh cũng trở nên bình đẳng hơn. Ở các diễn đàn quốc tế, Mỹ cũng đã giảm bớt cường độ áp đặt các quan điểm đơn phương của mình như trước.
Thế nhưng, chính sách ngoại giao “quyền lực mềm” này vẫn chưa mang đến thay đổi trong quan hệ giữa Mỹ với Cuba, Iran và CHDCND Triều Tiên. Washington vẫn tiếp tục bao vây cấm vận kinh tế Cuba mặc dù có một số nới lỏng chút ít. Nhà Trắng cũng chưa tìm ra giải pháp nào khác cho vấn đề hạt nhân của Iran ngoại trừ áp dụng chính sách cũ là siết chặt lệnh cấm vận.
Còn vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên vẫn bế tắc khi Mỹ tiếp tục bác bỏ yêu sách của Bình Nhưỡng là ký kết hiệp ước hòa bình trước khi “nói chuyện”. Về hòa bình Trung Đông, Mỹ vẫn không thể gây sức ép để Israel ngừng xây dựng các khu định cư trên đất của Palestine và chưa thể đưa hai bên trở lại bàn hòa đàm.
Cuộc chiến của Mỹ tại Iraq và Afghanistan vẫn chưa có lối ra khi thương vong của binh sĩ Mỹ gần đây lại tăng lên.
Một phần tư đoạn đường trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama phần nào cho thấy ông chủ Nhà Trắng vẫn đang ở giai đoạn dò dẫm cho những chính sách mới về đối nội lẫn đối ngoại của ông. Cái được và cái chưa được trong những chính sách này vẫn chưa rõ ràng.
Dù vậy, những người ủng hộ ông vẫn sẽ tiếp tục chờ đợi và hy vọng có thêm thời gian để ông chủ Nhà Trắng thực hiện các lời hứa của mình.
(Theo Vũ Minh // SGGP online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com