Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mỹ: Làm thế nào để giảm thâm hụt ngân sách?

Các chuyên gia kinh tế cho rằng nước Mỹ sẽ không thể giải quyết được “vấn đề kinh niên” là thâm hụt ngân sách khổng lồ, nếu chỉ đơn thuần dựa vào tăng thuế và cắt giảm chi tiêu.

Chính quyền Obama đã đề ra nhiều kế hoạch khác nhau nhằm đưa nợ quốc gia về mức có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, theo giới phân tích, ngaycả những đề xuất được coi là “thận trọng và toàn diện nhất” xem ra cũng chỉ nhằm giải quyết vấn đề này bằng sự kết hợp giữa tăng thuế, cắt giảm chi tiêu. Cách giải quyết vấn đề một cách đơn giản như vậy sẽ không đem lại kết quả mong muốn và trước tiên nước Mỹ cần thảo luận kỹ về các ưu tiên chính.

Khó khăn ngân sách của Mỹ là một vấn đề phức tạp. Trước khi có thể đưa ra một giải pháp có tính khả thi, nước Mỹ cần phải đánh giá các giá trị và ưu tiên chính của quốc gia. Thay vì chỉ tìm kiếm thuần túy chỗ nào có thể cắt giảm và làm thế nào để tăng thu ngân sách, nước Mỹ cần chú ý cái gì là quan trọng, cần thiết để tiếp tục chi tiêu và cái gì là không cần thiết, có thể cắt bỏ.

Vấn đề trung tâm trong cuộc thảo luận này là sự công bằng. Nước Mỹ có sẵn sàng nhìn người dân vừa mất việc làm vừa mất nhà cửa, trong khi tiếp tục duy trì mức thuế thấp cho những người giàu có hay không?

Trong hai thập niên qua, sự vững mạnh của nền kinh tế dựa vào tiêu dùng và sẵn sàng nợ hàng nghìn tỷ USD đã giúp người dân Mỹ sống với ảo tưởng rằng họ có thể "có tất cả". Tuy nhiên, giờ đây mọi thứ đã trở nên rõ ràng và người Mỹ không thể tiếp tục thói quen “đi vay để tiêu dùng” như trước đây.

Mặc dù không nên cắt giảm chi tiêu liên bang trong bối cảnh kinh tế suy thoái, Mỹ cần phải có một kế hoạch tin cậy giúp cân bằng ngân sách trong dài hạn - trong những năm thuận lợi thì phải thặng dư, khi khó khăn thì đi vay và chi tiêu để nền kinh tế tiếp tục hoạt động. Tình hình của  nước Mỹ hiện nay chưa phải là  bước đường cùng.  Không giống như Ireland, Mỹ vẫn có thể vay tiền với lãi suất tương đổi thấp. Tất nhiên điều này không phải là mãi mãi, nhưng trong ngắn hạn, Mỹ nên tiếp tục chi tiêu nhiều hơn giúp nền kinh tế hồi sinh, đồng thời xây dựng cơ chế “thắt lưng buộc bụng” trong dài hạn để dần giảm nợ. Tuy nhiên, có vẻ như Washington đang né tránh giải pháp này vì một số lý do.

Trước hết, Quốc hội Mỹ vẫn bị trói buộc bởi tư duy chính trị nhiệm kỳ chính trị thiển cận. Ví dụ như Ủy ban lưỡng đảng do Simpson-Bowles đứng đầu đề xuất đánh thuế xăng dầu 15 cent để chi trả cho các dự án đường cao tốc liên bang. Ý tưởng này giúp có tiền cho các dự án quan trọng thay vì vay mượn và làm tăng thâm hụt. Tuy nhiên chẳng có mấy nghị sỹ ủng hộ, vì nó sẽ tác động trực tiếp đến các cử tri, những người mà họ cần thu hút phiếu bầu trong kỳ bầu cử tiếp theo.
 
Hơn nữa, việc giải quyết vấn đề này còn bị cản trở bới một hệ thống kiểm toán không chính xác của chính phủ. Hệ thống kiểm toán này chủ yếu tập trung vào các chi phí trước mắt mà không tính đến những chi phí lâu dài. Ví dụ như khi ký một  hợp đồng đóng tàu sân bay mới, hệ thống kiểm toán chỉ tính đến những chi phí ban đầu mà không tính đến chi phí duy trì con tàu đó trong thập niên tới. Hay như chính phủ đưa ra con số rằng các cuộc chiến tại Irắc và Ápganixtan tiêu tốn 1.000 tỷ USD mà không hề tính đến chi phí chăm sóc y tế, phúc lợi cho các cựu chiến binh tàn tật và thay thế các khí tài sẽ tiếu tốn thêm hàng nghìn tỷ USD nữa trong những năm sau.

Bên cạnh đó, Quốc hội Mỹ cũng không mấy hào hứng với việc đầu tư vào những dự án mà lợi ích của nó chỉ có thể thấy được về lâu dài. Ví dụ, các dự án đường sắt cao tốc có lợi ích rõ ràng, nhưng hệ thống kiểm toán chăm chú vào chi phí xây dựng mà không tính đến những tác dụng tích cực của việc giảm tắc nghẽn giao thông đường bộ và tạo công ăn việc làm trong thời buổi thất nghiệp cao hiện nay. Sự phức tạp còn đến từ thực tế là các chương trình liên bang thường được cung cấp tài chính một phần từ các bang và các thành phố.

Do đó, để giải quyết được vấn đề nợ quốc gia, nước Mỹ cần phải bàn bạc kỹ và xác định được những ưu tiên quốc gia. Chính phủ Mỹ cần tập trung vào một số vấn đề cốt yếu vốn là giá trị cơ bản của nước Mỹ. Nước Mỹ cần trả lời các câu hỏi như: Chi cho quốc phòng bao nhiêu là đủ để đảm bảo an ninh? Nên chi bao nhiêu cho chương trình chăm sóc y tế  và các chương trình khác của chính phủ? Chăm sóc cho người già thông qua phúc lợi xã hội ở mức độ nào?

Và có lẽ, câu hỏi quan trọng nhất là gánh nặng tài trợ cho các chương trình đó được chia sẻ như thế nào giữa người giàu và người nghèo ở nước Mỹ?

(tamnhin)