Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mỹ “xanh hóa” cao ốc cũ

Cao ốc Empire State ở quận Manhattan được xem là biểu tượng của sức mạnh tài chính và trái tim của thành phố New York (Mỹ). Nhưng sau 78 năm, tòa nhà mà nhiều người mơ ước đến làm việc nhất đã đánh mất “thời hoàng kim” của nó. Để giành lại uy danh, chủ nhân Empire State Building quyết định chi 120 triệu USD để cải tạo tòa nhà theo hướng thân thiện môi trường, một mặt để tiết kiệm năng lượng, mặt khác để thu hút khách thuê văn phòng.

Empire State Building (ảnh) chỉ là một trong những ví dụ điển hình của xu hướng xanh hóa cao ốc mà nhiều ông chủ và nhà quản lý các tòa nhà chọc trời ở Mỹ đang theo đuổi. Mục tiêu của họ là cạnh tranh với những cao ốc mới xây với nhiều tính năng tiết kiệm năng lượng. Thực tế những năm gần đây, các công ty danh tiếng chỉ chọn cao ốc văn phòng “xanh”. Và công nghệ mới được trang bị ở những tòa nhà cũ đang bắt đầu mang lại lợi nhuận cho chủ lẫn khách thuê.

Anthony E. Malkin, một trong những ông chủ của Empire State Building, cho biết họ sẽ chi 13,2 triệu USD để trang bị những công nghệ mới nhằm giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nó bao gồm việc gắn thêm bộ tản nhiệt cho 6.500 cửa sổ, nâng cấp hệ thống chiếu sáng, hệ thống phun nước lạnh và hệ thống thông gió. Sau khi cải tạo (dự kiến kéo dài 18 tháng), công nghệ mới sẽ giúp chủ sở hữu cao ốc tiết kiệm 4,4 triệu USD chi phí năng lượng mỗi năm và trong vòng 3 năm sẽ thu hồi vốn đầu tư.

Tại nhiều cao ốc cũ cho thuê khác, người ta cho bịt kín những bức tường tổ ong, trang bị thêm hệ thống cung cấp nước kỹ thuật cao và dùng vật liệu tái chế để trải sàn và làm mái che. Một trong số đó là cao ốc Christman, khu văn phòng 81 năm tuổi ở Michigan hiện có tên trong Danh sách các di tích lịch sử quốc gia Mỹ. Ngoài việc trang trí lại ngoại thất bằng lớp đá vôi và bảo trì những chi tiết đặc trưng như các vật dụng chiếu sáng bằng mi-ca, chủ tòa nhà còn chi 8,5 triệu USD để trang bị hệ thống tiết kiệm nước và gia tăng nguồn sáng tự nhiên. Họ cũng che mát tòa nhà bằng mái vòm có chức năng phản chiếu ánh nắng. Cuối tháng trước, chủ cao ốc Sears Tower ở Chicago cũng thông báo sẽ bắt tay cải tạo tòa nhà 110 tầng này với tổng kinh phí lên tới 350 triệu USD. Phần mái của tòa nhà cao nhất nước Mỹ, khai trương năm 1973, sẽ được che phủ bằng những tấm pin năng lượng Mặt trời, các tua-bin gió và mảnh vườn rộng hơn 3.200 m2 để hấp thu ánh nắng. Các nhà quản lý cho biết khi hoàn thành, tòa nhà mới sẽ giúp họ tiết kiệm hơn 90.000 m3 nước và khoảng 80% tiền điện hằng năm.

Bên cạnh những tòa nhà được chủ nhân chủ động cải tạo, một số cao ốc bị buộc phải “xanh hóa” để đáp ứng yêu cầu của khách thuê. Allan Skodowski, thành viên tập đoàn quản lý Transwestern, cho biết nhiều công ty danh tiếng sẽ không chuyển đến những tòa nhà không có giấy chứng nhận LEED – Lãnh đạo trong thiết kế Môi trường và Năng lượng do Hội đồng Công trình xanh của Mỹ (USGBC) cấp. Việc sử dụng các trang thiết bị tiết kiệm năng lượng giúp những tòa nhà đạt chuẩn LEED giảm đáng kể lượng điện tiêu thụ. Một phân tích gần đây của Tập đoàn nghiên cứu bất động sản CoStar cho thấy các tòa nhà được chứng nhận thân thiện môi trường có mặt bằng trống ít hơn so với những cao ốc có tuổi đời, quy mô và vị trí tương tự, dù giá cho thuê cao hơn.

(Theo Thụy Trúc/Cần Thơ/(Theo AP)

  • GDP Mỹ quý 2 tăng trưởng âm 1% và sẽ hồi phục trong quý 3
  • “Sáng kiến tốt nghiệp” của Tổng thống Mỹ và công cuộc phục hồi nền kinh tế
  • Mâu thuẫn gia tăng từ kế hoạch hợp tác quân sự giữa Mỹ và Colombia
  • Nghề châm cứu cho động vật ăn nên làm ra ở Mỹ
  • Người Mỹ giảm thọ vì... vấn nạn béo phì
  • B-2 Spirit - Phi cơ ném bom đắt nhất của Mỹ
  • Hawaii khẳng định Tổng thống Obama sinh tại Mỹ
  • Chính trường Mỹ dậy sóng