Tàu ngầm Akula của Nga. Ảnh: TL
Các quan chức quốc phòng Nga thừa nhận tuần trước đã gửi hai tàu ngầm của Nga đến sát vùng lãnh hải miền đông nước Mỹ để tập luyện. Sự kiện này làm dậy sóng trong nghị trường Mỹ
Các chính trị gia hàng đầu của đảng Cộng hoà lên tiếng đòi Tổng thống Barack Obama phải mở một cuộc điều tra sâu rộng, tìm hiểu nguyên do xuất hiện hai tàu ngầm của Nga ngay sát bờ biển của Mỹ. Trước đó hải quân Mỹ thông báo phát hiện hai tàu ngầm nguyên tử loại Akula của Nga ở vùng biển quốc tế nằm ngay bên ngoài bang Georgia.
Thượng nghị sĩ Saxby Chambliss, thành viên của uỷ ban Quốc phòng thượng viện phản ứng: “Dù những chiếc tàu Nga không xâm phạm hải phận Mỹ, nhưng các quan chức quốc phòng và ngay cá nhân tôi đều có chung một thắc mắc, không hiểu hai chiếc tàu này giữ nhiệm vụ gì và tại sao lại xuất hiện ở ngay bên ngoài vùng biển phía đông của Mỹ”.
Theo tình báo hải quân Mỹ, Akula là loại tàu ngầm có khả năng đánh đắm tàu chiến và các tàu ngầm khác, đồng thời trên tàu còn có cả hệ thống theo dõi các hoạt động trên không của các quốc gia. Trước đây từng có tin nói đây là loại tàu ngầm có khả năng phóng phi đạn xuyên lục địa, nhưng văn phòng báo chí bộ Hải quân Mỹ từ chối xác nhận tin này.
Sự kiện tàu ngầm Nga xuất hiện ngoài khơi của Mỹ xảy ra vào đúng thời điểm các viên chức cao cấp Mỹ đang đặt dấu hỏi về sức mạnh kinh tế của Nga. Tin hành lang từ Washington cho biết các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đều tin Nga hiện không có đủ sức mạnh kinh tế để thực hiện những kế hoạch phát triển quân sự từ thời ông Vladimir Putin còn là tổng thống. Cuối tháng trước, phó tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu rằng kinh tế Nga đang trên đà tụt dốc, có thể đẩy Moscow tới chỗ phải nhượng bộ các quốc gia Tây phương về vấn đề an ninh quốc phòng.
Thượng nghị sĩ John McCain nói: “Nga có quyền xuất hiện ở vùng biển quốc tế, nhưng sự kiện tàu của họ lảng vảng ngoài khơi ranh giới lãnh hải của Mỹ bắt buộc phải khiến mọi người thắc mắc và Nhà Trắng nên đặt thẳng chuyện này với họ, yêu cầu họ giải thích rõ ràng”. Tuần rồi Tổng thống Obama và Tổng thống Nga Dmitri Medvedev có nói chuyện với nhau qua điện thoại, nhưng quan chức Nhà Trắng không tiết lộ hai ông có nói chuyện tàu ngầm Nga không.
Nghị sĩ Kit Bond, thành viên cao cấp của uỷ ban Tình báo quốc gia coi đây không phải là chuyện đơn giản. Một phụ tá của ông nói: “Có thể tàu ngầm Nga được gửi tới để thám thính hoạt động đường biển của tàu Mỹ. Đó là chuyện các quan chức Mỹ phải quan tâm”.
Giới chuyên gia quốc phòng Mỹ nhìn sự kiện vừa xảy ra dưới những góc cạnh khác nhau. Có người cho rằng có thể Nga đang muốn biểu dương lực lượng sau những sự cố quân sự xảy ra trong nước. Mới đây đại tướng Nikolai Solotsov bị Tổng thống Medvedev bãi chức tư lệnh lực lượng phi đạn chiến lược ngay sau loạt vụ phóng thử phi đạn từ tàu ngầm gặp thất bại.
Nhưng ông Peter Singer, chuyên gia về an ninh quốc phòng của viện Nghiên cứu Brookings lại nghĩ việc Nga đưa tàu ngầm đến sát lãnh hải của Mỹ chỉ nhắm vào mục đích cho thế giới biết, dù kinh tế có khó khăn đến đâu, Nga vẫn là một cường quốc quân sự và muốn thế giới kính trọng họ như kính trọng những cường quốc khác. Ông Singer cũng cho rằng, một cách gián tiếp Nga đang muốn dương oai, nhưng ông tin điều đó không có nghĩa là Nga muốn căng thẳng của thời chiến tranh lạnh tái diễn.
Riêng cựu phụ tá tổng trưởng Quốc phòng Lawrence Korb khá ôn hoà. Theo ông, cách hay nhất mà Washington phải làm lúc này là: “Bình tĩnh, đừng có thái độ quá đáng. Chúng ta cứ việc ngồi yên theo dõi, chẳng nên quan tâm hay âu lo thái quá”.
( Theo Nguyên Đức (Washington D.C) // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com