Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phép màu ở Chile

Tính đến cuối ngày 13-10 (giờ VN), đã có 17 thợ mỏ được cứu. Hàng triệu người trên thế giới hồi hộp theo dõi từng diễn biến của chiến dịch giải cứu

Các nhân viên cứu hộ ở Chile dùng một chiếc lồng có kiểu dáng của một tên lửa để đưa từng người một trong số 33 thợ mỏ bị mắc kẹt lên mặt đất trong niềm vui bất tận của cả nước và sự quan tâm theo dõi của thế giới. Tính đến cuối ngày 13-10 (giờ VN), đã có 17 thợ mỏ được kéo lên mặt đất an toàn tại mỏ San Jose nằm ở sa mạc Atacama.

Một thợ mỏ ôm Tổng thống Sebastian Pinera sau khi được cứu. Ảnh: EPA

Bước đầu suôn sẻ

Theo đài BBC (Anh), chiến dịch giải cứu bắt đầu vào khoảng 23 giờ 15 phút hôm 12-10 (giờ địa phương, tức 9 giờ 15 phút ngày 13-10, giờ VN) khi chuyên gia kỹ thuật Manuel Gonzalez được đưa xuống nơi nhóm thợ mỏ lánh nạn ở độ sâu gần 700 m. Khoảng 55 phút sau đó, Florencio Avalos là thợ mỏ đầu tiên được đưa lên mặt đất. Mang kính đen để bảo vệ mắt khỏi ánh sáng mặt trời, ông xuất hiện với nụ cười rạng rỡ, ôm hôn đứa con trai 7 tuổi đang thổn thức và vợ trước khi được Tổng thống Chile Sebastian Pinera, người gọi chiến dịch giải cứu là một phép màu, chào đón.

Sau đó khoảng 1 giờ, đến lượt thợ mỏ Mario Sepulveda được đưa lên. Sau khi ôm vợ, ông đã tặng những mẫu đá nhặt từ dưới lòng đất cho các nhân viên cứu hộ làm kỷ niệm. Trong một cuộc phỏng vấn không lâu sau đó, ông Sepulveda cho biết ông luôn tin rằng mình sẽ được giải cứu.

Người thứ 3 được cứu là Juan Andres, theo sau là Carlos Mamani, người Bolivia duy nhất trong số 33 thợ mỏ mắc kẹt – và thợ mỏ trẻ nhất Jimmy Sanchez, 19 tuổi. Quá trình cứu từng người một trong 5 thợ mỏ đầu tiên mất khoảng 1 giờ. Sau đó, nhân viên cứu hộ tạm dừng để bôi trơn cho các bánh xe để giúp lồng cứu hộ di chuyển êm ái hơn trước khi cứu những người tiếp theo.

Avalos, 31 tuổi, được đưa lên mặt đất đầu tiên vì ông là người trong tình trạng tốt nhất. Người cuối cùng được cứu dự kiến là Luis Uruza, được xem là thủ lĩnh của nhóm 33 thợ mỏ trong thời gian họ mắc kẹt. Dù vậy, Janette Martin, chị dâu của thợ mỏ Dario Segovia, cho biết thứ tự người được cứu không quan trọng. Bà nói chiến dịch sẽ không thành công nếu tất cả họ không được đưa lên mặt đất, nhắc lại tinh thần đoàn kết mà số thợ mỏ mắc kẹt và người dân Chile đã thể hiện trong thời gian qua.

Người thân của các thợ mỏ vui mừng. Ảnh: Reuters

Thế giới quan tâm

Sau khi lên mặt đất, tất cả thợ mỏ đều được kiểm tra sức khỏe tại một trạm y tế gần đó trước khi được đưa đến một bệnh viện ở Copiapo. Họ dự kiến sẽ ở lại đó 48 giờ để được chăm sóc kỹ hơn. Các quan chức khuyên người thân của thợ mỏ chỉ nên gặp họ sau khi họ xuất viện. Bộ trưởng Y tế Jaime Manalich cho biết sẽ không cho phép quay phim hoặc phỏng vấn cho đến khi những thợ mỏ này xuất viện, trừ khi họ muốn thế.

Chiến dịch giải cứu dự kiến sẽ kéo dài 36 giờ nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Việc đưa được thợ mỏ cuối cùng lên mặt đất sẽ mang lại hồi kết tốt đẹp cho cuộc khủng hoảng bắt đầu kể từ khi mỏ San Jose bị sụp hôm 5-8 qua. Số phận của 33 thợ mỏ mắc kẹt thu hút sự quan tâm không chỉ của người Chile mà còn của cả thế giới, nhất là vào thời điểm chiến dịch giải cứu diễn ra.

Ông Mario Sepulveda, một trong những thợ mỏ được cứu, lấy những mẫu đá để tặng nhân viên cứu hộ làm quà kỷ niệm. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin AFP, hàng triệu người đã hồi hộp theo dõi từng diễn biến của chiến dịch thông qua những hình ảnh được phát trực tiếp trên internet và phần lớn kênh truyền hình tin tức lớn trên thế giới. Đài BBC đã phát trực tiếp chiến dịch giải cứu trên website tin tức của mình. Tại Úc, các đài truyền hình, đài phát thanh và website tin tức cũng đưa tin không ngừng về chiến dịch giải cứu. Khắp châu Á, từ Nhật Bản, Trung Quốc cho đến Singapore, Thái Lan, các đài truyền hình, website tin tức lớn cũng phát trực tiếp cuộc giải cứu, kèm theo đó là những chuyên mục riêng về sự kiện này.

Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama cho biết bản thân ông cũng đang theo dõi số phận của 33 thợ mỏ đã lập kỷ lục thế giới về thời gian sống sót dưới lòng đất.

Bảo đảm bí mật

Chile đã có những phòng ngừa để bảo đảm sự riêng tư cho các thợ mỏ. Nhà chức trách sử dụng một màn hình để ngăn chặn hơn 1.000 nhà báo có mặt tại hiện trường có thể quan sát cửa hầm mỏ.

Sau khi lên mặt đất, các thợ mỏ được đưa qua một đường hầm đến xe cấp cứu. Xe này chở họ đi một đoạn đường mấy trăm mét đến một trạm cấp cứu để kiểm tra y khoa. Sau đó, họ sẽ được trực thăng chở đến bệnh viện.

Chỉ một nhà nhiếp ảnh của chính phủ và kênh truyền hình của nhà nước được phép ghi nhận hình ảnh ngay khi các thợ mỏ ra khỏi đường ống giải cứu. Tuy nhiên, việc tường thuật trực tiếp của họ đã bị trì hoãn hơn 30 giây để ngăn chặn việc công bố những hình ảnh ngoài ý muốn. Trong khi đó, các phóng viên ảnh và những nhà quay phim khác được bố trí tại một địa điểm cách xa 90 m.

L.S

Thợ mỏ có thể gặp nguy cơ khác

Chuyên gia về an toàn mỏ của Mỹ Davitt McAteer đã ngợi khen công tác chuẩn bị cứu nạn 33 thợ mỏ ở Chile nhưng lưu ý rằng vẫn còn có nguy cơ khác do điều đơn giản là chưa ai từng được cứu sống từ độ sâu như vậy cả.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin AP ngay trước khi các thợ mỏ được giải cứu, ông McAteer cho rằng việc chuẩn bị cứu nạn được thực hiện chu đáo với ít trục trặc kỹ thuật và các thợ mỏ đã gặp may mắn. Tuy nhiên, ông nêu khả năng xảy ra nguy cơ như người thợ mỏ có thể hoảng sợ và làm điều gì đó khiến lồng cứu nạn bị hư hại; một phiến đá rơi chèn vào giữa lồng cứu nạn với đường ống hoặc hệ thống cáp bị trục trặc. Ông McAteer nhận định: “Đó không phải là khoang thang máy, lồng cứu nạn sẽ xoay chuyển có thể khiến hệ thống cáp bị trục trặc. Chúng ta đang nói tới độ sâu 610 m ở vùng đất chưa được thăm dò”. Ông McAteer từng là người đứng đầu Cục Quản lý An toàn mỏ trong chính quyền của cựu tổng thống Bill Clinton và hiện là Phó Chủ tịch Đại học Wheeling Jesuit ở Tây Virginia.

L. Nguyễn

Những mốc thời gian đáng nhớ

Ngày 5-8: 33 thợ mỏ bị mắc kẹt ở độ sâu 625 m dưới lòng đất trong một hầm mỏ đồng và vàng gần thành phố Copiapo, miền Bắc Chile, cách thủ đô Santiago 800 km.

Ngày 6-8: Bộ trưởng Mỏ Laurence Golborne rút ngắn chuyến thăm Ecuador và bay về Chile để chỉ đạo cuộc giải cứu. Nhà chức trách đặt hy vọng vào khả năng các thợ mỏ bị mắc kẹt đến được nơi có dự trữ dưỡng khí, nước và thực phẩm.

Ngày 7-8: Tổng thống (TT) Sebastian Pinera rút ngắn chuyến công du Colombia và trở về Chile, có mặt cùng với gia đình các thợ mỏ tại một trại tạm trú được dựng lên bên ngoài mỏ.

Ngày 8-8: Các nhân viên cứu nạn bắt đầu khoan vào mỏ những lỗ đường kính 12 cm để xác định vị trí các thợ mỏ.

 

Ngày 11-8: TT Pinera sa thải người đứng đầu cơ quan điều hành mỏ quốc gia và cam kết xem xét lại toàn bộ cơ quan này, vốn có trách nhiệm về sự an toàn khai thác mỏ.

Ngày 22-8: Sáng sớm, một mũi khoan đạt đến độ sâu 688 m và các nhân viên cứu nạn nghe thấy tiếng gõ nhẹ vào mũi khoan. Đầu giờ chiều, TT Pinera thông báo các thợ mỏ đã gắn một mẩu giấy vào mũi khoan với nội dung: “33 người chúng tôi vẫn khỏe mạnh”. Vài giờ sau, các nhân viên cứu nạn đã ghi được những hình ảnh đầu tiên của các thợ mỏ, cho thấy họ đang trong tình trạng tốt hơn mong đợi nhiều.

Ngày 23-8: Lương thực, nước và thuốc men được tiếp tế cho các thợ mỏ.

Ngày 17-9: Mũi khoan giải cứu đến chỗ các thợ mỏ. Sau đó, lỗ khoan nhỏ này được mở rộng để chuẩn bị cho cuộc giải cứu.

Ngày 9-10: Các nhân viên cứu nạn hoàn tất việc khoan một đường ống giải cứu dài khoảng 625 m.

Ngày 11-10: Đường ống giải cứu được gia cố bằng những ống kim loại và các nhân viên cứu nạn thử nghiệm thành công một trong những lồng thép giải cứu.

Lục San (Nguồn: Reuters)

(Theo Hoàng Phương // Nguoilaodong Online)

  • Mỹ: Nền kinh tế cần có sự trợ giúp từ Fed
  • Bang California đưa ra thỏa thuận chấm dứt 3 tháng bế tắc tài chính
  • Kích thích của Mỹ gây mất cân bằng kinh tế thế giới
  • Nhà đầu tư Jim Rogers: Kinh tế Mỹ vẫn còn suy thoái
  • Các nhà kinh tế cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ
  • Mỹ: M&A có thể khiến tình hình thất nghiệp trở nên tồi tệ hơn
  • Bộ Tư pháp Mỹ khởi kiện ba công ty thẻ tín dụng
  • Mexico khởi động dự án giúp người thu nhập thấp