Công nhân phải tìm việc làm khác sau khi hoạt động khoan dầu ở vịnh Mexico bị đình chỉ. Ảnh: AP
Hơn một tuần sau khi giàn khoan Deepwater Horizon nổ ngày 20-4, Tổng thống Barack Obama ra lệnh tạm ngưng hoạt động khoan dầu ở vịnh Mexico trong 6 tháng. Sau đó, Bộ trưởng Tài chính bang Louisiana John N. Kennedy đã kêu gọi dỡ bỏ lệnh này. Bên cạnh đó, theo hãng tin AP, ông này cho biết bang Louisiana, với hàng ngàn người làm việc trong ngành dầu mỏ, đang bị thiệt hại khoảng 100 triệu-150 triệu USD tiền lương mỗi tháng do vụ dầu tràn ở vịnh Mexico. Kinh tế bang Louisiana từ lâu đã phụ thuộc vào ngành công nghiệp dầu mỏ. Mỗi năm, một công nhân làm việc trên giàn khoan ngoài khơi được lĩnh 50.000 USD hoặc hơn nữa. Nhưng nay, điều đó đã thay đổi, ít nhất là tạm thời.
Trong khi đó, BP đã đồng ý lập thêm một quỹ 100 triệu USD để hỗ trợ công nhân ngành dầu mỏ trong 6 tháng này. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ số tiền nói trên sẽ chi trả cho công nhân như thế nào.
Ngoài ra, ông John N. Kennedy ước tính thiệt hại về môi trường và kinh tế do vụ dầu tràn ở vịnh Mexico có thể trong khoảng 40 tỉ-100 tỉ USD. Đồng thời, ông cho rằng quỹ đền bù 20 tỉ USD của Công ty BP là không đủ. Theo hãng tin Reuters, ông Kennedy nhấn mạnh: “Chúng tôi còn đang cố tìm ra các giới hạn của thỏa thuận này. Tôi muốn biết liệu số tiền đó có thể bị rút lại tại tòa một khi BP phá sản hay không”. Ông nói các nhà lãnh đạo bang cần phải chuẩn bị cho khả năng BP đệ đơn xin phá sản.
Vậy mà ngày 17-6, ông Joe Barton, hạ nghị sĩ Cộng hòa bang Texas, đã xin lỗi Giám đốc điều hành BP Tony Hayward và nói rằng BP là nạn nhân vụ tống tiền của Nhà Trắng qua việc phải lập quỹ đền bù 20 tỉ USD. Ông này nói: “Tôi xin lỗi. Tôi không muốn sống trong một đất nước mà bất cứ lúc nào, một công dân hay một công ty làm một việc gây thiệt hại đều là đối tượng của một loại áp lực chính trị nào đó, thực chất là một vụ tống tiền. Vì vậy, tôi xin lỗi”.
Điều này đã khiến cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ bất bình, riêng các hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa thúc ép lãnh đạo của họ trừng phạt ông Barton.
Phó Tổng thống Joe Biden nhận định rằng không có chuyện tống tiền mà đây là một phản ứng có trách nhiệm của BP trước một sự việc do họ gây ra. Bà Nancy Pelosi, Chủ tịch hạ viện, nổi nóng: “Trong khi người dân ở vịnh Mexico đang phải khổ sở vì hành động của BP thì các nghị sĩ Cộng hòa lại xin lỗi BP”.
Tuy nhiên, sau đó, ông Barton đã lên tiếng rút lại lời xin lỗi đó. Ông này nói: “Tôi xin lỗi vì đã sử dụng từ “tống tiền” và tôi rút lại lời xin lỗi với BP”.
22 nước đề nghị giúp Mỹ Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 17-6 cho biết đã có 22 nước đề nghị giúp nước này khắc phục hậu quả thảm họa vụ dầu tràn ở vịnh Mexico, trong đó có Việt Nam, Nhật Bản, Anh, Canada, Trung Quốc... Theo hãng tin AFP, nhiều nước đề nghị giúp đỡ thông qua Tổ chức Hàng hải Quốc tế sau khi tổ chức này gửi thông báo về vụ dầu tràn đến 169 nước thành viên. Washington ban đầu từ chối đề nghị giúp đỡ của nước ngoài. Dù vậy, trong bối cảnh các công nhân đang chạy đua với thời gian để khống chế vệt dầu loang khổng lồ do vụ dầu tràn gây ra, Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu đóng vai trò tích cực trong nỗ lực đối phó với thảm họa bằng cách kêu gọi sự hỗ trợ về hàng rào gỗ nổi và dụng cụ hớt dầu.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hầu hết đề nghị giúp đỡ nói trên vẫn đang được xem xét. Duy chỉ có đề nghị của Pháp về một số chất phân tán dầu đã bị từ chối ngay vì những hóa chất này chưa được phép sử dụng ở Mỹ. Trước mắt, chỉ mới có một số lượng hàng rào gỗ nổi và dụng cụ hớt dầu của Canada, Mexico, Hà Lan và Na Uy được chấp nhận.
|